Chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp chế phẩm vi sinh giúp khống chế dịch bệnh

Sáng 17-10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hội nghị này là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá những nguy cơ lớn, tiềm tàng của ngành chăn nuôi, từ đó đạt được mục tiêu phát triển ổn định, bền vững. Ảnh: Thùy Trang

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hội nghị này là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá những nguy cơ lớn, tiềm tàng của ngành chăn nuôi, từ đó đạt được mục tiêu phát triển ổn định, bền vững. Ảnh: Thùy Trang

Việt Nam tiêu hủy 5,6 triệu con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi

Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Long, cho biết: Từ cuối năm 2018 đến nay, trên thế giới có 28 nước bị dịch tả lợn châu Phi. Tại châu Á, toàn bộ các nước có biên giới xung quanh Việt Nam đều đã bị nhiễm dịch, kể cả những quốc đảo như Philippines.

Từ ngày 17 đến 27-9-2019, Hàn Quốc là nước công bố ca nhiễm dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tiếp giáp biên giới Triều Tiên. Mặc dù nước này đã huy động cả lực lượng quân đội để bắn giết lợn hoang, lợn rừng song chỉ trong vòng 10 ngày Hàn Quốc đã phát sinh thêm 14 ổ dịch tả lợn châu Phi với hàng chục nghìn con lợn phải tiêu hủy.

Tại Trung Quốc, theo số liệu của các chuyên gia, truyền thông quốc tế, đến thời điểm hiện tại trên 200 triệu con lợn đã bị chết và tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi và tổng đàn lợn của nước này có thể sẽ giảm tới 55% vào cuối năm 2019.

Tại Việt Nam, từ đầu tháng 2-2019 đến ngày 15-10-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 8.200 xã thuộc hơn 650 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5,6 triệu con với tổng trọng lượng là hơn 320 nghìn tấn (chiếm khoảng 8,3% tổng trọng lượng lợn của cả nước). Trong đó, có 4.632 xã thuộc 606 huyện của 63 tỉnh, thành chưa qua 30 ngày. Có 3.591 xã thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày. Số xã qua 30 ngày không phát sinh thêm dịch bệnh tăng theo từng tháng. Cụ thể, từ tháng 4 đến tháng 6-2019 có 480 xã qua 30 ngày, từ tháng 7 đến tháng 9-2019 có thêm 3.111 xã qua 30 ngày.

Hiện, có 10 tỉnh, thành phố có trên 80% số xã bị dịch đã qua 30 ngày là: Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Ninh, Cao Bằng, Bắc Giang. Riêng tỉnh Hưng Yên đang chuẩn bị tiến hành các thủ tục công bố hết dịch trên địa bàn toàn tỉnh.

Cục Thú y cũng đưa ra nhận định, số xã và số lợn buộc phải tiêu hủy đã giảm mạnh từ tháng 6-2019. Dịch bệnh đã qua giai đoạn đỉnh điểm (vào tháng 5-2019) với tổng cộng 1.713 xã, 120 huyện, 23 tỉnh buộc phải tiêu hủy trên 1,2 triệu con lợn), sau đó đã có chiều hướng giảm mạnh (tháng 9-2019 tiêu hủy trên 600 nghìn con lợn, giảm 46,6% so với tháng 5). Dự báo đến hết tháng 10-2019, khoảng 500 nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy (giảm 26% so với tháng 8, giảm 60,7% so với tháng 5).

Tuy nhiên, do dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh, vi rút tồn tại lâu ngoài môi trường, sức đề kháng cao nên các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp, trang trại không được lơ là, chủ quan mà luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt, cao nhất và đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học.

Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát tán và lây lan theo 3 hướng sau là: Lây lan nhanh trên các địa bàn chưa có dịch, tái phát tại các ổ dịch cũ đã qua 30 ngày và dịch có thể xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn.

Chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp chế phẩm vi sinh giúp khống chế dịch bệnh

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã phân tích rất rõ, cuối năm là mùa dịch với diễn biến phức tạp: Trong những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, do thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi; việc gia tăng đàn vật nuôi, vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật tăng mạnh nên nguy cơ các loại dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng trong thời gian tới là rất cao. Đặc biệt, năm 2019 nguy cơ còn nhân lên gấp nhiều lần bởi dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ tháng 2 đến nay.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, chăn nuôi Việt Nam trong khoảng 20 năm gần đây đã có bước chuyển căn bản và phát triển nhanh. Việt Nam đã sản xuất được 5 triệu tấn thịt, trong đó 70% là thịt lợn, 2 tỷ quả trứng, 400 triệu con gà, 8 triệu tấn thủy sản… Cùng với đó là hoàn thiện những khâu quan trọng nhất trong nền chăn nuôi hiện đại, nhất là thức ăn chăn nuôi và kiểm soát thú y.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thùy Trang

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thùy Trang

Tuy nhiên, những thách thức cho ngành chăn nuôi vẫn rất lớn. Sở dĩ như vậy là bởi hiện nay, chăn nuôi vẫn là kế sinh nhai của 35% lao động nông thôn. Chăn nuôi tập trung chủ yếu tại khu vực đồng bằng, đông dân cư. Biến đổi khí hậu cực đoan, nhanh chóng và gây tổn thương lớn, có tác động trực tiếp đến người nông dân và ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy nơi nào làm tốt, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh động vật thì đều khống chế hiệu quả. Việc bệnh dịch tả lợn châu Phi đã qua giai đoạn đỉnh điểm và dần được khống chế là minh chứng cho hiệu quả thực thi đồng bộ các giải pháp phòng, chống của các bộ ngành, các địa phương trong thời gian qua.

Bộ trưởng cũng cho rằng, con gì cũng có mặt trái, cũng có cái yếu. Vắc xin chỉ là một giải pháp. Nếu làm tốt chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp chế phẩm vi sinh, thì việc khống chế dịch bệnh động vật nói chung, bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng hoàn toàn có thể sớm được khống chế thành công.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-ket-hop-che-pham-vi-sinh-giup-khong-che-dich-benh/