Chăn nuôi heo, gia cầm... khó xuất ngoại?
Ngành chăn nuôi heo, gia cầm của Việt Nam đứng top đầu thế giới về sản lượng, nhưng con số xuất khẩu lại khá khiêm tốn, chỉ thu về hơn trăm triệu USD mỗi năm. Nguyên nhân là do vùng an toàn dịch bệnh chưa đạt yêu cầu, giá thành cao…
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 22,45 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 110,35 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với năm 2022.
Tìm cách mở cửa thêm thị trường
Tháng 1/2024, Việt Nam xuất khẩu được gần 1,87 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 9,38 triệu USD, giảm 13,4% về lượng và giảm 7% về trị giá so với tháng 12/2023; tuy nhiên so với tháng 1/2023 tăng 6,3% về lượng và tăng 23,6% về trị giá.
Đây là con số khiêm tốn khi Việt Nam đứng thứ 6 trên thế giới về sản xuất thịt heo với sản lượng hơn 2,7 triệu tấn trong năm 2023; Việt Nam là một trong những quốc gia có tổng đàn gia cầm đứng top đầu thế giới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi điều đầu tiên cần là an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, nếu tất cả hệ thống chính trị, các nguồn lực không được vận dụng thì khó thành. Tồn tại lớn nhất trong nhiều năm qua là tỷ lệ tiêm vắc xin chưa đạt nên các tỉnh cần phải rà soát lại.
Gần đây, việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi có những tin vui như Trung Quốc đã đồng ý xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam. Hai bên cũng đã có Bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng. Hay nếu mọi việc thuận lợi, ngành gia cầm có thể xuất khẩu những lô hàng đầu tiên vào thị trường hồi giáo với quy mô dân số 2 tỷ dân (thị trường Halal).
Thông tin mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cho biết: Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo Tập đoàn De Heus tập trung xuất khẩu thịt gà vào thị trường các nước hồi giáo.
Theo Thứ trưởng NN&PTNT không có gì thay đổi tháng 5 tới, De Heus sẽ ký văn bản hợp tác với 2 quốc gia đầu tiên của thị trường hồi giáo để xuất khẩu sản phẩm. Công tác chuẩn bị để xuất khẩu gia cầm sang các nước hồi giáo được thực hiện từ năm 2023, nếu mọi việc thuận lợi thì mỗi tháng có thể xuất khẩu được 1.000 tấn. Đây là dấu mốc quan trọng.
Với Trung Quốc, Thứ trưởng NN&PTNT thông tin, thị trường này đang cần nhập cỡ 25 triệu con heo mỗi năm, nếu Việt Nam không xuất được đến lúc họ đã có đối tác rồi là rất khó.
Trước những cơ hội trên, Bộ NN&PTNT cho rằng, các DN phải tiên phong trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu chứ đừng nghĩ sẽ chỉ bán mãi ở Việt Nam, gây ra “cái chết” của chăn nuôi nông hộ và trang trại. DN phải tính lộ trình xuất khẩu, chứ không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa. “Cần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo chuỗi chứ không rời rạc như bao khoai tây”, ông Tiến lưu ý.
Thách thức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn De Heus Việt Nam, DN này đang xuất khẩu thịt gà theo chuỗi của tập đoàn này tới thị trường Nhật Bản với sản lượng mấy trăm tấn mỗi tháng. Tới đây, ngoài việc tìm đường xuất khẩu sang thị trường Halal, De Heus sẽ tiến tới Trung Quốc, châu Âu.
“Xuất khẩu thịt gà cũng như sản phẩm chăn nuôi chắc chắn sẽ giúp nâng cao giá trị, đảm bảo đầu ra vững chắc cho bà con nông dân. Tất nhiên, đó cũng là con đường cần sự nỗ lực lớn từ phía các thành tố tham gia chuỗi”, ông Hiếu nói.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, chưa có doanh nghiệp chế biến gia cầm nào của Việt Nam đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu được vào thị trường Halal. “Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị nhằm thống nhất cách triển khai, chương trình hành động của các địa phương, doanh nghiệp để tận dụng tốt nhất cơ hội từ thị trường này trong thời gian tới” – ông Long thông tin.
Cùng với đó, một trong những lý do khiến sản phẩm chăn nuôi khi xuất khẩu khó cạnh tranh là giá thành sản xuất còn cao. Vì vậy, việc kéo giảm giá thành là yêu cầu bắt buộc.
Theo Cục trưởng Cục Thú y, rất nhiều cơ sở chăn nuôi lớn hoàn toàn có thể đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam cũng như thế giới. Nhưng để hình thành vùng an toàn dịch bệnh đòi hỏi vai trò quản lý của nhà nước là kết nối những cơ sở an toàn dịch bệnh với nhau vào trong một sân chơi, tuân thủ chung quy định.
“Khi an toàn dịch bệnh rồi, chi phí chăn nuôi là thấp nhất, hiệu quả cao nhất, thay vì tốn rất nhiều tiền của để phòng bệnh, để chữa bệnh cho vật nuôi, tiêu hủy rồi tồn dư hóa chất, thuốc phải giám sát, cảnh báo. Tuy nhiên, ban đầu để hình thành nên vùng an toàn dịch bệnh phải xác định sẽ khó khăn, vất vả, cần sự mạnh dạn vào cuộc của lãnh đạo địa phương chứ không chỉ là tròn vai”, Cục trưởng Cục Thú y cho biết thêm.
Vừa qua, Cục Thú y đã tham mưu với lãnh đạo Bộ NN&PTNT về chiến lược cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư chăn nuôi ở Việt Nam phải làm sao có xuất khẩu mới được cấp phép.