Chăn nuôi phục vụ thị trường cuối năm
Hiện tại, các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi đang tích cực tái đàn, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm, giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ngành Nông nghiệp đã yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương triển khai những giải pháp cân đối cung cầu, góp phần ổn định giá cả thị trường.
Chuẩn bị đủ thực phẩm cuối năm
Những ngày này, thời tiết đang chuyển mùa, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao. Thời điểm này cùng với việc tái đàn chuẩn bị cho thị trường thực phẩm cuối năm các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp đang tập trung phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc đàn vật nuôi nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.
Anh Trần Ngọc Thêm, xã Hợp Thành (Sơn Dương) cho biết, theo kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi gà, thời điểm này thời tiết thuận lợi cũng là thời điểm vào con giống để chuẩn bị cho thị trường cuối năm. Anh Thêm chia sẻ "gia đình tôi vừa vào 5.000 con gà ri lai giống, nếu chăn nuôi thuận lợi lứa gà này sẽ được xuất bán vào dịp cận Tết Nguyên đán".
Xã Hợp Thành (Sơn Dương) hiện có gần 10 hộ chăn nuôi gà với quy mô 3.000 con trở lên, hiện toàn xã có có gần 40.000 con gà thương phẩm. Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm được kiểm soát, giá bán tương đối ổn định (từ 58.000 - 67.000 đồng/kg gà thương phẩm) nên các hộ chăn nuôi yên tâm tái đàn, dự kiến các hộ chăn nuôi xã Hợp Thành có thể cung cấp hơn 40.000 gà thịt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Thời điểm này HTX Nông Lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Công, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) cũng đã vào đàn hơn 40 con trâu, bò nuôi vỗ béo. Ông Lương Hải Tuyên, Giám đốc HTX cho biết, sau hơn 1 năm trâu bò xuống giá thì đến năm nay giá cũng đã ổn định hơn (giá bò hơi dao động từ 68.000 - 73.000 đồng/kg) nên các thành viên trong HTX đã mạnh dạn nhập trâu, bò về vỗ béo để kịp cung ứng ra thị trường cuối năm.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh tổng đàn trâu, bò khoảng gần 128.000 con; đàn lợn hơn 564.000 con; đàn gia cầm hơn 7 triệu con. Với tổng đàn như hiện nay, chăn nuôi gia cầm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Theo ngành chăn nuôi tỉnh, hiện nay chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, với số lượng gia súc, gia cầm hiện có, không chỉ cung ứng đủ cho thị trường trong tỉnh mà còn cung ứng cho thị trường các tỉnh lân cận.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Năm 2023, ngành chăn nuôi của tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất khoảng 5 - 6% so với năm 2022; sản lượng thịt các loại ước đạt 70 triệu tấn, trong đó thịt lợn là hơn 48,1 triệu tấn. Để hoàn thành mục tiêu này, đồng thời kiểm soát giá gia súc, gia cầm, đặc biệt là giá thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển chăn nuôi, hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông sản phẩm. Mặt khác cần thúc đẩy triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, nhất là đối với chăn nuôi lợn.
Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX Sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ (Sơn Dương) cho biết, trung bình mỗi tháng HTX cung cấp cho thị trường trên 40 tấn lợn thịt. Hiện nay, quy mô chăn nuôi thường xuyên của HTX với gần 300 con lợn nái, hơn 4.000 con lợn thương phẩm theo chuỗi khép kín HTX xây dựng thành chuỗi đạt tiêu chuẩn cung cấp sản phẩm thịt lợn thảo dược ra thị trường và cam kết "sạch từ trang trại đến bàn ăn", lợn được chăn nuôi theo quy trình nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn 3F ("Feed - Farm - Food") - tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến nhất được áp dụng trong ngành chăn nuôi hiện nay.
Trong đó, Feed là thức ăn chăn nuôi được đảm bảo đầy đủ các yếu tố về cân đối dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của vật nuôi và tuân thủ nguyên tắc giảm thiểu ô nhiễm môi trường qua chất thải; Farm là trang trại chăn nuôi phát triển theo quy mô công nghiệp; Food là sản phẩm chăn nuôi được quản lý nguồn gốc nghiêm ngặt, hoàn toàn cam kết không dùng chất tạo nạc hay bất kỳ hóa chất nào nằm trong danh mục chất cấm của Cục Chăn nuôi. Để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm sạch cho thị trường cuối năm, HTX thực hiện tái đàn lợn và dự kiến sẽ xuất ra thị trường cuối năm, giáp Tết khoảng hơn 300 tấn thịt lợn thảo dược phục vụ người dân.
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm, giáp Tết Nguyên đán, ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân tái đàn. Song song với việc tái đàn, người chăn nuôi cần tính toán các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, giảm thiểu các khâu trung gian phát sinh chi phí lưu thông, tăng giá bán. Công tác phòng, chống dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu với các loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh làm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi như: dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục…
Cùng với đó các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường không để xảy ra tình trạng sốt giá; bảo vệ người tiêu dùng và người chăn nuôi, ngăn chặn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xâm nhập thị trường bảo đảm nguồn cung thực phẩm thịt sạch vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.