Chăn nuôi theo các chuỗi sản xuất liên kết khép kín

Trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lao đao vì giá lợn xuống thấp do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, dễ bị phát sinh dịch bệnh, khó tái đàn thì các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn trang trại tập trung, sản xuất theo chuỗi liên kết thịt lợn an toàn vẫn trụ vững, có hiệu quả, tạo việc làm cho lao động.

Rủi ro chăn nuôi nhỏ lẻ

Toàn tỉnh, hiện có 11 trang trại nuôi lợn, với tổng đàn hơn 600.000 con. Số trang trại chăn nuôi khép kín trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn so với tổng đàn vật nuôi, mô hình chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, gia đình vẫn chiếm đa số. Nhóm chăn nuôi gia đình ít vốn sản xuất, chăn nuôi theo phong trào, thiếu kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cụ thể nên thường chịu rủi ro cao trong chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi lợn khép kín của Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát - BLLT, phường Chiềng Sinh (Thành phố).

Mô hình chăn nuôi lợn khép kín của Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát - BLLT, phường Chiềng Sinh (Thành phố).

Rõ rệt nhất là trong 3 tháng trở lại đây, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các địa phương, khu công nghiệp tạm dừng hoạt động sinh hoạt, sản xuất thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Nhu cầu tiêu dùng giảm trong khi nguồn cung cao đã khiến giá lợn hơi giảm mạnh, chỉ còn 37.000-40.000 đồng/kg, người chăn nuôi bị lỗ.

Chị Cầm Thị Huyền, hộ chăn nuôi tại bản Vựt Bon, xã Chiềng Mai (Mai Sơn) cho biết: Đầu năm giá lợn giống tăng cao, nhiều hộ dân trong bản chuyển hướng kinh doanh lợn giống. Vài tháng mới có lợn xuất chuồng, đúng thời điểm giá lợn hơi xuống thấp, dư thừa lợn giống, gia đình tôi nuôi 3 con lợn nái và 11 con lợn thịt, bị lỗ 20 triệu đồng.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ chăn nuôi tự gây giống hoặc mua lợn giống không có nguồn gốc để tiết kiệm chi phí đầu tư là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh ở đàn gia súc. Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 11 lượt tổ, bản, 50 lượt xã của 10 huyện, thành phố. Hiện, còn 22 xã có bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Chăn nuôi bị rủi ro khiến nhiều hộ không tái đàn, gây mất ổn định thị trường đối với hàng hóa thịt lợn thời gian tới.

Hiệu quả chuỗi thịt lợn an toàn

Toàn tỉnh đã xây dựng 4 chuỗi thịt lợn an toàn, tổng quy mô gần 84.000 con/năm, sản lượng trên 4.600 tấn. Là một trong 4 chuỗi thịt lợn an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Công ty cổ phần Chăn nuôi Lộc Phát BLLT, phường Chiềng Sinh (Thành phố) có quy mô sản xuất khoảng 1.300 con lợn nái và 9.000 con lợn thịt, sản lượng thịt cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu từ 900 tấn. 3 tháng qua, dù giá lợn hơi xuống thấp, Công ty vẫn có những thu nhập khá từ bán tinh lợn, thức ăn chăn nuôi và liên tục các lứa lợn xuất chuồng gối nhau nên vẫn có lợi nhuận, duy trì sản xuất và tạo việc làm thường xuyên cho 45 công nhân, với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng. Công ty đang tìm kiếm địa điểm để đầu tư chuồng trại quy mô khoảng 10.000 con lợn thịt, vừa giải quyết số lợn giống tồn hiện nay và đón thị trường phục hồi sau dịch Covid-19 và Tết Nguyên đán.

Mô hình chăn nuôi lợn khép kín của Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát - BLLT, phường Chiềng Sinh (Thành phố).

Mô hình chăn nuôi lợn khép kín của Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát - BLLT, phường Chiềng Sinh (Thành phố).

Ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Công ty đã đầu tư 3 khu vực chuồng nuôi trên địa bàn Thành phố và huyện Mai Sơn, xây dựng theo mô hình khép kín, tự động hóa, cách biệt khu dân cư, có tường rào bao quanh, có hệ thống kho dự trữ thức ăn, chuồng trại chăn nuôi; đầu tư hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái; lắp đặt hệ thống camera giám sát; thành lập các chốt khử trùng và kiểm soát người, phương tiện ra vào trang trại... Công ty liên kết và ký hợp đồng với một số công ty chuyên sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, như: Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty CP Greenfeed Việt Nam và Công ty TNHH Cargill Việt Nam... Công ty đã tự sản xuất, cung cấp con giống tại chỗ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng ngay từ đầu vào, tiết kiệm chi phí đầu tư.

Ngoài ra, Công ty còn ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, sử dụng các phần mềm kế toán, phần mềm chăn nuôi, quản lý cám, nắm bắt tình hình sản xuất, tình trạng phát triển của đàn lợn, kiểm soát năng suất, sản lượng lợn thịt, lợn giống... vừa nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, lại giảm được nhân viên hành chính, công nhân lao động trực tiếp, vừa kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế thấp nhất những rủi ro trong chăn nuôi. Ngay cả khi dịch bệnh tả lợn châu Phi gây thiệt hại cho nhiều hộ chăn nuôi, song Công ty vẫn chủ động đảm bảo quy trình sản xuất, không để mầm bệnh xuất hiện...

Định hướng chăn nuôi bền vững

Các cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao và phát triển theo chuỗi giá trị đã chứng minh hiệu quả sản xuất trong bối cảnh nhiều thách thức do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Điểm chung là có sự hợp tác liên kết chặt chẽ giữa nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào - nhà sản xuất - doanh nghiệp tiêu thụ, nắm bắt thông tin dự báo thị trường, hội tụ đủ các yếu tố bảo đảm an toàn, chất lượng, bảo đảm số lượng cung ứng, khả năng cạnh tranh cao hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh duy trì tổng đàn lợn gần 830.000 con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng hơn 58.000 tấn. Hiện tỉnh chỉ đạo tập trung tái cơ cấu chăn nuôi bằng cách quy hoạch lại các vùng chăn nuôi, phát triển theo phương thức nuôi trang trại tập trung gắn với an toàn dịch bệnh, kiểm soát môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, tập trung phát triển chất lượng con giống, kể cả với sản xuất nông hộ lẫn sản xuất trang trại; tăng cường quản lý các công ty, doanh nghiệp cung cấp giống đang lưu hành trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tiễn và định hướng của ngành Nông nghiệp và PTNT, giải pháp phát triển nuôi lợn an toàn, bền vững là tổ chức chăn nuôi theo các chuỗi sản xuất liên kết khép kín, tập trung từ các khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, thú y, môi trường, giết mổ, chế biến và tiêu thụ, giảm đến mức thấp nhất khâu trung gian. Phát huy vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã để vừa bảo đảm truy xuất an toàn thực phẩm vừa chia sẻ trách nhiệm của các đối tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm và giúp xác định được cân đối cung - cầu của các sản phẩm chăn nuôi.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chan-nuoi-theo-cac-chuoi-san-xuat-lien-ket-khep-kin-44148