Chặn rượu rởm ngay từ nơi sản xuất
Từ đầu năm 2023 đến nay, theo báo cáo của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện đa khoa một số tỉnh/thành phố đã ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu có liên quan đến việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol cao…
“Thủ phạm” chính là cồn công nghiệp
Mới đây, một trường hợp bị độc rượu rất nặng là bệnh nhân nữ 59 tuổi, nơi ở và nơi uống rượu ở TP HCM. Khi ra miền Bắc đêm 31/01 thì biểu hiện ngộ độc ngay sau khi máy bay hạ cánh, sau đó chuyển sang hôn mê, tụt huyết áp, nồng độ methanol trong máu 171mg/dL và đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, tiên lượng rất nặng. Trung tâm Chống độc cũng đã thông báo cho cơ quan chức năng để phối hợp với địa phương nơi xảy ra ngộ độc truy xuất nguồn rượu gây ngộ độc để xử lý.
Trong số rất nhiều vụ ngộ độc gần đây, vụ việc tại Thái Bình ngày 27/1 (mùng 6 Tết) là vụ nghiêm trọng nhất. Trong bữa tiệc gặp mặt đầu xuân, 7 người đã cùng uống 1 loại rượu và bị ngộ độc, kết quả xét nghiệm mẫu rượu cho thấy có tới 58% là methanol (cồn công nghiệp), chỉ có 1% là ethanol (cồn sinh học). Trường hợp nhập viện đầu tiên nhiễm toan chuyển hóa nặng, không đo được chỉ số, nồng độ methanol trong máu tới 234 mg/dl. Bệnh nhân bị hôn mê, phải lọc máu liên tục. Bốn người cùng uống trong bữa đó đã đến viện xét nghiệm thì 2 người có kết quả nồng độ methanol khá cao.
Trước đó, vào ngày 12/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam 61 tuổi (Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng ngừng tim, phổi do ngộ độc rượu. Bệnh nhân đã được thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, điện giải, định lượng độc chất, kết quả cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc methanol cấp (cồn công nghiệp) mức độ nặng (nồng độ methanol 78,13 mg/dl).
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Ngộ độc cồn công nghiệp methanol diễn biến chậm vì phải qua quá trình chuyển hóa mới tạo thành axitphomic, gây tổn thương thần kinh và tổn thương mắt. Do quá trình chuyển hóa rất chậm nên nhiều giờ sau, thậm chí 2 ngày sau mới có biểu hiện. Với người dùng thêm rượu ethanol, thì chính loại rượu này khi vào cơ thể lại làm chậm quá trình chuyển hóa và gây độc của methanol. Chính vì vậy, việc uống liên tiếp rượu, đặc biệt trong những ngày Tết khiến ngộ độc methanol không có biểu hiện ngay, mặc dù chất độc vẫn còn trong người. Tuy nhiên, đến khi dừng rượu, lúc đó không có gì ngăn cản methanol có trong có thể sẽ chuyển hóa chất độc. Đó là lý do vì sao trong nhóm ngộ độc, có 7 người uống, nhưng 1 người hôn mê ngộ độc ngay sau khi uống nhiều rượu rởm và không uống loại rượu khác, những người uống thêm rượu ethanol lại ít dấu hiệu hơn và ngộ độc muộn hơn.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các biểu hiện ngộ độc rượu nặng, nguy hiểm mọi người cần lưu ý như: Bất tỉnh, gọi hỏi không biết; Co giật; Tê, yếu chân tay một bên hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo; Thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu, thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở, có thể hít sâu và nhịp thở nhanh; Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt lạnh...
TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cảnh báo, rượu giả không được kiểm soát trên thị trường đa phần là loại rượu có pha chế methanol – một loại dung môi phổ biến (cồn công nghiệp). Bản thân methanol là chất độc có độc tính thấp nhưng khi được đưa vào cơ thể người nó sẽ được chuyển hóa thành formaldehyde nhờ men alchoholdehydrogenase và sau đó thành formic acid nhờ men acetaldehyde dehydrogenase. Chính những chất này gây độc cho gan, thận, gây suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc, đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề. Có những người uống rượu này lâu ngày có thể mờ mắt dẫn đến mù lòa…
Kiểm soát chặt chẽ rượu rởm
Về nguyên tắc, TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay không. Theo đúng quy trình thì rượu phải được cất thành cồn rồi mới được pha chế thành rượu thực phẩm. TS. Thịnh cho biết, có một cách giúp phân biệt khá chính xác là đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa xoa hai bàn tay vào nhau. Nếu hai bàn tay còn dính dính là rượu không tốt vì andehit dầu Fugien còn đọng lại trong rượu. Rượu tốt sẽ bay hơi hết khi có tác động ma sát. Các loại độc tố chưa lọc hết này uống vào gây đau đầu, tác hại lớn đến hệ thần kinh. Có thể ngửi, nếu mùi cồn thơm cay nồng là tốt hoặc nếm để biết vị của rượu.
Theo vị chuyên gia này, nếu phân biệt bằng cách nếm thì rượu có chứa methanol thường có vị hơi ngọt. Ngoài ra, chúng ta có thể thử với lửa. Nếu mẫu thử tạo ra ngọn lửa màu vàng khi đốt trên lửa thì đồ uống này không an toàn. Hoặc cũng có thể nhúng giấy quỳ đỏ vào trong mẫu rượu nghi ngờ có methanol cao khoảng 2 - 3 phút. Nếu giấy quỳ chuyển sang màu xanh chứng tỏ loại rượu này chứa lượng methanol nguy hiểm cho sức khỏe.
Trước một loạt vụ ngộ độc rượu mà thủ phạm chính là cồn công nghiệp methanol, Cục An toàn thực phẩm, ngày 01/2/2023, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 173/ATTP-NĐTT đề nghị đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh đề nghị:
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methanol, đặc biệt là với các đối tượng có tiền sử nghiện rượu; Cấp cứu, điều trị kịp thời để tránh các diễn biến xấu đối với sức khỏe bệnh nhân; Phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; Ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.
Đặc biệt, công văn đề nghị tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu; Tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chan-ruou-rom-ngay-tu-noi-san-xuat-post466110.html