Chân sưng đau sau khi hàn khớp có thể uống thuốc giảm đau kéo dài được không?

Cách đây 3 năm, tôi bị té xe và bó bột bằng thuốc nam nhưng không liền xương. Lúc đó tôi 58 tuổi, do đó, tôi đã mổ đi mổ lại 2 lần để hàn khớp. Tuy nhiên, cứ mỗi lần thời tiết thay đổi, phần mắt cá chân và bàn chân (phần hàn khớp) lại sưng to, đau và khó đi lại. Vậy tôi cần phải làm gì thưa bác sĩ, liệu tôi có được uống thuốc giảm đau những đợt như vậy không ạ?

Cách đây 3 năm, tôi bị té xe và bó bột bằng thuốc nam nhưng không liền xương. Lúc đó tôi 58 tuổi, do đó, tôi đã mổ đi mổ lại 2 lần để hàn khớp. Tuy nhiên, cứ mỗi lần thời tiết thay đổi, phần mắt cá chân và bàn chân (phần hàn khớp) lại sưng to, đau và khó đi lại. Vậy tôi cần phải làm gì thưa bác sĩ, liệu tôi có được uống thuốc giảm đau những đợt như vậy không ạ?

(Bà Đinh Thị Nam, ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa)

Bác sĩ trả lời:

Chào bác!

Theo như những gì bác mô tả, tình trạng sưng đau tại vùng mắt cá chân và bàn chân (khu vực đã phẫu thuật) mỗi khi thời tiết thay đổi có thể liên quan đến một trong 2 nguyên nhân sau: viêm khớp cổ bàn chân sau chấn thươn hoặc viêm khớp cổ bàn chân do nguyên nhân khác (viêm khớp do gout, viêm thoái hóa khớp)...

Để xác định chính xác nguyên nhân, bác nên sớm đến các cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp để khám và tìm nguyên nhân chính xác, từ đó có phương pháp điều trị tối ưu hơn.

Về việc uống thuốc giảm đau:

Trong trường hợp đau nhức nhiều gây ảnh hưởng sinh hoạt, bác có thể sử dụng thuốc giảm đau nhưng không nên uống dài quá 5 ngày và cần giảm liều nếu bác bị suy thận, suy gan...
Nếu bác có bệnh lý nền như suy gan, suy thận, bệnh dạ dày, thì cần trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi dùng, hoặc chọn thuốc phù hợp hơn.
Tuyệt đối không tự ý lạm dụng thuốc giảm đau lâu dài, vì có thể gây biến chứng trên thận, gan, hệ tiêu hóa hoặc tim mạch.

Bác sĩ có một số lời khuyên thêm cho bác: Khi có đợt sưng đau, nên nghỉ ngơi, hạn chế đi lại nhiều, chườm lạnh nhẹ nhàng trong 48 giờ đầu. Nếu sưng kéo dài hoặc đau tăng, nên đi khám sớm để được đánh giá chuyên sâu.
Ngoài ra, bác cũng nên cân nhắc thực hiện vật lý trị liệu chuyên biệt (theo chỉ định bác sĩ), giúp giảm đau, duy trì vận động linh hoạt. Đồng thời, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt thực phẩm giàu canxi, vitamin D và uống đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ sức khỏe xương khớp.

Chúc bác sớm bình phục, đi lại dễ dàng và có cuộc sống sinh hoạt thoải mái hơn.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Đức Chính,

Chuyên khoa Cơ xương khớp, Hệ thống Y khoa Ái Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202504/chan-sung-dau-sau-khi-han-khop-co-the-uong-thuoc-giam-dau-keo-dai-duoc-khong-a450f5d/