'Cơn sốt' chải khô: Làm đẹp hiệu quả hay trào lưu nhất thời?

Phương pháp chải khô nổi đình đám với những công dụng vượt trội cho làn da.

Chải khô hiện đang là từ khóa làm đẹp "viral" trên khắp các diễn đàn, gắn liền với những công dụng thu hút như giúp da săn chắc, mịn màng. Không những vậy, nó còn được quảng bá có thể điều trị nhiều vấn đề như cellulite (da sần sùi), phù nề cho đến khô da mà chỉ cần một dụng cụ đơn giản.

Nên lưu ý điều gì về phương pháp chải khô?

Theo bác sĩ da liễu Geeta Yadav, chải khô là kỹ thuật sử dụng một loại bàn chải khô, có lông cứng để chải trực tiếp lên da. Chúng có khả năng giúp kích thích lưu thông máu và hệ bạch huyết, đồng thời loại bỏ phần tế bào chết. Phương pháp này thường được chị em áp dụng trước khi tắm và chủ yếu dành cho phần da body.

Về công dụng, chải khô như một phương pháp tẩy tế bào chết vật lý. Nó giúp da sáng, mịn màng, đều màu và có kết cấu đẹp hơn. Bên cạnh đó chính là những hiệu quả ngăn ngừa viêm nang lông, mụn thông qua cách loại bỏ tế bào chết gây tắc nghén lỗ chân lông.

Nhiều người dùng cho rằng phương pháp chải khô có thể khắc phục tình trạng cellulite (da sần sùi). Một nghiên cứu đã chỉ ra thiết bị massage rung có thể cải thiện cellulite ở nữ giới. Nhưng chưa có kết quả cụ thể nào chứng minh chải khô cũng mang lại hiệu quả tương đương.

Chải khô được cho giúp tăng tuần hoàn máu, gián tiếp hỗ trợ hệ bạch huyết giúp nó hoạt động hiệu quả hơn, nhằm loại bỏ chất thải ra khỏi mô. Đây là lý do chứng minh cho việc chải khô giúp giảm sưng và khiến nhiều người cảm thấy nhẹ nhàng hơn sau khi thực hiện.

Ngoài ra, chải khô còn mang lợi ích cho sức khỏe tinh thần, giúp giảm căng thẳng, tạo nên cảm giác thư giãn. Nên phương pháp này trở thành một bước hợp lý cần có trong chu trình chăm sóc bản thân.

Tuy nhiên, chị em cần phải lưu ý một chi tiết quan trọng chính là vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu nào xác nhận những tác dụng kể trên. Chúng dường như chỉ là trải nghiệm cá nhân hoặc những nhận định ban đầu.

Ai nên thử chải khô? Thực hiện thế nào mới đúng cách?

Bác sĩ da liễu Marisa Garshick cho rằng chải khô chỉ nên sử dụng với những người sở hữu nền da khỏe mạnh, không mắc bệnh lý. Những người có tình trạng chàm, vẩy nến hoặc làn da nhạy cảm không nên thử phương pháp này.

Hãy bắt đầu chải khô theo một "quy tắc vàng". Cụ thể hãy di chuyển hướng của bàn chải di chuyển theo chiều đi lên, bắt đầu bằng các cú chải ngắn rồi kéo dài dần.

Đầu tiên hãy chải khô ở vùng gần nách, chải nhẹ và ngắn. Dần dần chị em kéo dài từ khuỷu tay lên nách. Lặp lại quy trình này ở phần dưới cánh tay, từ cổ tay đến khuỷu tay và làm tương tự với phần tay còn lại.

Ở vùng bụng, hãy bắt đầu với các đường chải ngắn, chồng lên nhau và từ từ chuyển sang đường dài hơn. Có thể thử đưa bàn chải theo chuyển động tròn, theo chiều kim đồng hồ.

Cuối cùng là phần chân. Chị em bắt đầu chải khô từ vùng bẹn xuống đầu gối. Sau đó tiếp tục thực hiện từ vùng đầu gối xuống mắt cá chân. Cả quá trình này ước tính chỉ khoảng 10 phút.

Lưu ý: Không nên áp dụng phương pháp chải khô cho da mặt vì vùng da này khá mỏng và nhạy cảm.

Một số sai lầm khi chải khô

- Chải khô quá thường xuyên khiến da bị tổn thương. Chỉ nên thực hiện phương pháp này từ 1 - 3 lần/tuần.

- Dùng lực quá mạnh vì tưởng nó sẽ đem lại hiệu quả tẩy tế bào chết cao. Nên chải khô nhẹ nhàng theo chiều ngang.

- Không vệ sinh bàn chải. nên vệ sinh bàn chải sau mỗi lần chải khô để hạn chế việc tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, tấn công làn da.

Tie Nguyên

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/thoi-trang/con-sot-chai-kho-lam-dep-hieu-qua-hay-trao-luu-nhat-thoi-202505021914330925.html