Chấn thương kín thể thao: Chớ xem thường !

Nhiều người bị chấn thương kín thể thao nhưng vì ít đau nên chủ quan chịu đựng dẫn đến những tổn thương mạn tính, khó phục hồi

Hai năm trước, nam thanh niên 23 tuổi bị ngã trong khi chơi bóng đá khiến đầu gối bị đau. Sau khi chườm đá, nghỉ ngơi, anh thấy giảm đau nên chơi tiếp mà không để ý. Gần đây, đang chơi bóng, cơn đau tái phát đến mức không chịu nổi, anh đi khám thì mới phát hiện đứt dây chằng khớp gối.

Diễn tiến âm thầm, dễ bỏ sót

Vì điều trị chậm trễ, nhiều mạch máu và gốc dây chằng tiêu biến khiến cơ vùng quanh gối teo nhiều so với chân còn lại. Bệnh nhân phải phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Chủ tịch Hội Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam - cho biết đứt dây chằng là một trong những chấn thương kín diễn biến dần dần nên đôi khi chúng ta bỏ sót. Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã điều trị nhiều trường hợp tương tự. Trong đó, chủ yếu ở lứa tuổi từ 20 đến 35. Chấn thương mức độ nhẹ là sưng nề gây cảm giác đau, khó chịu. Nặng sẽ gây đau dai dẳng, kéo dài, thường gặp là giãn dây chằng quanh khớp, đứt gân, đứt dây chằng khớp gối hoặc quanh khớp cổ chân.

Một ca phẫu thuật chấn thương thể thao tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec. Ảnh: HUYỀN ANH

Một ca phẫu thuật chấn thương thể thao tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec. Ảnh: HUYỀN ANH

Qua thực tế điều trị, các bác sĩ phát hiện nhiều bệnh nhân bị chấn thương thể thao nặng nhưng cố chịu đựng, đến khi không chịu được nữa mới tới bệnh viện khám thì tổn thương đã phức tạp. Theo PGS Khánh, lâu nay, chấn thương thường gặp ở người tham gia các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, đấm bốc, chạy bộ, đi xe đạp, tập yoga, erobic... thì gần đây, số bệnh nhân gặp chấn thương do chơi pickleball đến bệnh viện ngày càng đông, chủ yếu là nữ. Nguyên nhân một phần do nhiều người nghĩ pickleball nhẹ nhàng, dễ chơi nên chủ quan, không cần chỉ dẫn, không khởi động kỹ trước khi chơi. Không ít trường hợp bị chấn thương vùng cổ, vai, gáy, khớp cổ tay, khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân... Một số khác đứt dây chằng chéo trước hoặc sau do sai tư thế khi vận động, chạy, cầm vợt. Ngoài ra, có những người bị tổn thương cột sống do trong lúc chơi có động tác rướn quá, xoay, vươn quá đà khi cố cứu bóng. "Mới đây, tôi đã điều trị cho một bệnh nhân do nhảy cao vụt quả bóng dẫn tới chấn thương dọc theo ống tủy của xương đùi và xương chầy" - PGS Khánh cho hay.

Theo các bác sĩ, chấn thương do thể thao có nhiều mức độ. Nhẹ nhất là sưng nề phần mềm, làm người tập đau, khó chịu. Nặng thì khiến người bệnh đau dai dẳng, kéo dài, có thể giãn dây chằng bên ở quanh khớp, đứt gân, đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau ở khớp gối, hoặc đứt dây chằng quanh khớp cổ chân. Nếu điều trị sớm có thể nhanh chóng quay trở lại chơi thể thao bình thường. Tuy nhiên, với chấn thương thể thao không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường của người bệnh. Do đó, bác sĩ nhấn mạnh khi người bệnh có những biểu hiện đau, lỏng khớp, hạn chế hoạt động thể thao và sinh hoạt thì cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và điều trị.

Biết lắng nghe cơ thể

Cảnh báo về những chấn thương không va chạm hoặc do tự ngã khi chơi thể thao, nhất là với vận động viên chuyên nghiệp, GS-TS Trần Trung Dũng, Giám đốc chuyên ngành chấn thương chỉnh hình và cơ xương khớp - Hệ thống Y tế Vinmec, cho biết trong y học thể thao đây là hậu quả của tình trạng quá tải kéo dài.

Đơn cử như trường hợp cầu thủ Nguyễn Xuân Son, đội tuyển bóng đá Việt Nam, bị gãy chân do tự ngã mới đây. Có thể thời gian qua, nam cầu thủ đã thi đấu liên tục ở các cấp độ, từ câu lạc bộ đến đội tuyển quốc gia với cường độ cao và rất ít thời gian nghỉ ngơi.

Tình trạng quá tải đã khiến chất lượng xương tại chỗ suy giảm, dẫn đến gãy xương dù không có tác động từ bên ngoài. "Tình trạng này không phải hiếm trong thể thao. Ví dụ, ở môn chạy marathon, có những vận động viên gặp chấn thương gãy xương chỉ cách vạch đích vài km. Khi đó, cơ thể đã bị quá tải đến mức xương và cơ không còn đủ khả năng chịu lực" - GS Dũng giải thích.

Theo ThS-BS Trịnh Quang Anh, nguyên Trưởng Khoa Hiệu chỉnh cơ xương khớp - Bệnh viện 1A (TP HCM), chấn thương thể thao là tình trạng phổ biến ở các vận động viên, thường xảy ra do hoạt động thể chất cường độ cao và tính cạnh tranh. Một số loại chấn thương thể thao phổ biến nhất bao gồm bong gân, căng cơ, gãy xương và trật khớp.

Những chấn thương này thường xảy ra trong các hoạt động có tác động mạnh như chạy, nhảy hoặc thay đổi hướng đột ngột. Nguyên nhân chấn thương thể thao rất đa dạng, từ việc quá tải và các chuyển động lặp đi lặp lại đến các va chạm chấn thương. Ngoài ra, kỹ thuật tập luyện kém, việc khởi động hoặc hạ nhiệt không đầy đủ, thời gian nghỉ ngơi không đủ hoặc mất cân bằng cơ thể, lệch trục khớp cũng có thể làm tăng nguy cơ chấn thương thể thao.

Sau khi bị chấn thương thể thao, quá trình phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình lành vết thương và giúp vận động viên trở lại mức độ hoạt động trước đó. Các bài tập phục hồi chức năng cho chấn thương thể thao thường tập trung vào việc cải thiện sức mạnh, độ linh hoạt, phản xạ, sự cân bằng và sức bền. Những bài tập này được thiết kế riêng biệt cho từng loại chấn thương và nhu cầu cụ thể của từng cá nhân.

Giới chuyên môn khuyến cáo, với những người chơi thể thao, bất kỳ môn nào cũng cần lắng nghe cơ thể mình để điều chỉnh. Cơ thể cần phải làm nóng, khởi động kỹ trước khi tập, đặc biệt đối với bộ môn thể thao có thời gian tập luyện kéo dài, đòi hỏi thể lực cao. Nghỉ ngơi cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi sau chấn thương. "Cung cấp cho cơ thể thời gian để chữa lành mà không gây thêm áp lực lên vùng bị thương là điều cần thiết. Các vận động viên không nên vội vàng quay lại hoạt động thể chất cường độ cao. Việc dần dần quay lại tập luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia có thể giúp ngăn ngừa chấn thương tái phát" - BS Quang Anh lưu ý.

"Khi đã được chẩn đoán có chấn thương khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, người bệnh không nên chủ quan mà cần đi khám, điều trị để tránh tình trạng bệnh nặng hơn hoặc gây thoái hóa khớp sớm, khiến việc phục hồi chức năng, chơi thể thao trở lại khó khăn hơn. Đặc biệt, người bệnh không chủ quan, tự ý đi mua đơn thuốc về dùng hoặc dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp hoặc xoa bóp, kéo, nắn... vùng tổn thương" - một chuyên gia nhấn mạnh.

Giới hạn cần tránh

Theo BS Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tập luyện thể dục thể thao rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, vận động không đúng là điều kiện gây khởi phát cơn đột quỵ. Những người gặp các vấn đề về tim mạch, dị dạng mạch máu não khi luyện tập có thể gây tăng huyết áp dẫn tới đột quỵ. Cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để theo dõi các bệnh lý về tim mạch hay các chỉ định của bác sĩ về giới hạn thể thao quá sức.

NGỌC DUNG - HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chan-thuong-kin-the-thao-cho-xem-thuong-196250110212627817.htm