Sau mưa

Lần đầu tiên sau nhiều năm hắn cầm đến cuốn sách giáo khoa. Lần đầu tiên hắn bước chân vào cửa hàng bán thiết bị trường học. Sau cơn mưa trời lại sáng...

Người ta gọi hắn bằng cái tên dân dã: “Cai đầu dài”. Cai gì hắn. Trong tay hắn chỉ có chừng hai chục người cả thợ lẫn phụ. Hắn làm nghề xây dựng tự do. Tự tìm việc, tự thanh toán. Lúc gạt ra không hết việc. Khi lại ngồi chơi xơi nước mấy tháng do mưa. Dĩ nhiên tiền thu về cũng thất thường.

Lẽ thường mùa đông là tháng kiếm ăn chủ yếu của nghề xây dựng nhưng năm nay nghịch mùa, mưa tầm tã liên miên. Không chủ đầu tư nào dám tạm ứng cho hắn. Đành giật gấu vá vai. Lại một trận mưa nữa đổ xuống, gió thổi ào ạt. Hắn dừng lại sát lề đường mở cốp xe lấy áo mưa. “Chú gì ơi. Cho cháu đi nhờ một đoạn được không ạ?”. Hắn hơi giật mình quay lại. Một cô gái vóc dáng mảnh mai, mặc cái áo “béo” to sù, ôm cái túi du lịch to tướng bằng cả hai tay. Qua ánh đèn đường hắn lờ mờ nhận ra khuôn mặt nhợt nhạt vẻ quê mùa được toát lên từ sự bối rối, yếu ớt. Hắn cười bảo: “Trông tôi giống xe ôm lắm hả?”. Nói xong hắn đổi giọng nói tiếp: “Tôi không phải xe ôm nhưng nếu tiện đường tôi chở giúp không lấy tiền”. Cô gái lấy ra một mảnh giấy đọc rồi nói: “Dạ, cháu về đường Vạn Xuân, số 20, khu đô thị phía tây”.

Hắn cau mày. Hắn biết rõ nơi này. Đó là một khu đô thị mới mở. Dân cư còn rất thưa thớt. Ngại nhất là đèn đường chưa có. Từ đây đến đó phải hơn chục cây số. Nửa năm trước một kẻ bất lương đã lừa một anh xe ôm ra đó cướp xe máy. Hắn hơi băn khoăn, biết cô gái này là người thế nào. Đừng nghĩ phụ nữ chân yếu tay mềm. Một mảnh vải tẩm thuốc mê là xong. Chỉ đến khi nhìn vẻ mặt thất vọng của cô, hắn mới quyết định: “Lên xe”. Cô gái vụng về ngồi cách hắn một chút. Hắn cẩn thận kéo đuôi áo mưa đang mặc trùm kín người cô gái. Xong xuôi chiếc xe lao đi trong màn mưa. Cô gái hỏi: “Nhà chú ở đâu?”. Hắn bảo: “Ngược với chiều đang đi”. Cô gái rụt rè: “Phiền chú quá. Biết thế này cháu không dám nhờ. Chú thật tốt”. Lời cảm ơn và cách xưng hô của cô gái khiến hắn cảm động.

“Dừng lại ăn chút gì đã. Tôi chưa ăn tối”. Miệng nói chân hắn đạp phanh. Xuống xe cô gái còn đứng lưỡng lự. Hắn bảo: “Vào đi, cô ăn gì?”. Cô gái từ chối: “Dạ. Cháu không đói”. Hắn nghiêm mặt: “Không đói cũng phải ăn”. Rồi hắn gọi hai tô cháo gà. Giờ mới có đủ ánh sáng để hắn ngắm cô gái kỹ hơn. Một khuôn mặt nhợt nhạt vì rét và sợ. Cô không xinh nhưng thật dễ nhớ. Hắn hỏi: “Cô từ đâu đến mà tối thế?”. “Dạ. Cháu ở quê ra ạ”. “Không ai ra đón à?”. “Dạ. Anh cháu hẹn ra đón thế mà mấy tiếng đồng hồ chẳng thấy đâu. Hay lại gặp điều gì bất trắc rồi”. Chẳng hiểu sao hắn lại hỏi: “Cô không sợ tôi à?”. “Dạ. Cháu tin chú”. Hắn bật cười. Đúng là người quê tưởng ai cũng thật thà như mình. Nhưng nụ cười trên môi hắn cứ héo dần rồi tắt hẳn. Trước nay có cô nào đặt lòng tin tuyệt đối vào hắn đâu, trừ mẹ hắn.

Mười tuổi bố ly hôn mẹ. Mười năm tuổi mẹ mất vì bệnh ung thư. Hắn lên thành phố sống với bố và dì ghẻ được hai năm. Dì ghẻ đá thúng đụng nia, mắng con cá lội chửi con chim bay. Tuy thế hắn cũng được học hành như mọi đứa trẻ ở phố. Giữa năm lớp 12 hắn bỏ học vì bị người dì ghẻ đầy đọa cùng cực bất chấp lời răn đe của bố. Hắn khinh khỉnh trước lời miệt thị của bao người trong họ nội: “Giống con mẹ nó đã lười lại ngu. Đúng là giống lừa ưa nặng”. Hắn bán hết nhà cửa ở quê cầm tiền ra phố quyết sống một cuộc đời tự lập. Hắn đã từng sống ở nhiều nơi, làm nhiều nghề. Ai thuê gì hắn làm nấy. Miễn là có tiền để sống. Cuộc đời hắn cứ như thế. Ba mươi tuổi vẫn độc thân.

Hắn từng quen rất nhiều đàn bà con gái xinh đẹp nhưng chưa một ai nói với hắn bằng chất giọng tin cậy và thân thương đến thế. “Này cô gái, cô nhìn lại tôi xem đã đủ tuổi làm chú cô chưa? À, mà cô tên gì nhỉ? Còn tôi tên Quân, Hoàng Đình Quân”. Cô gái đổi cách xưng hô: “Dạ. Em tên Mùa ạ”. “Bao nhiêu tuổi?”. Hắn hỏi không chủ ngữ. Cô gái hơi nhíu lông mày nhưng vẫn trả lời: “Dạ. Em hai mươi hai ạ”.

Hai mươi hai tuổi. Hắn nghĩ xem khi bằng tuổi cô gái này hắn đã làm được gì. Lúc đó hắn đã lăn lộn vài năm ở bãi vàng Quỳ Hợp. Cô gái này không thể nghĩ rằng, trước mặt cô là một thằng đàn ông từng ăn cắp, cờ bạc và đánh lộn. Nghĩa là đủ những tính xấu trừ đâm chém, nghiện ngập và giết người. Hai mươi hai tuổi hắn đã biết nhận ra cha hắn là một người đàn ông đa tình và vô ơn. Nhận ra đằng sau bộ mặt xinh đẹp nhưng đầy thủ đoạn của dì ghẻ. Hai mươi hai tuổi, mẹ hắn đã như hòn vọng phu ngày đêm chờ chồng về từ nước Nga lạnh giá. Để rồi kết cục nhận một tờ giấy ly hôn.

Mẹ hắn là một người đàn bà hiền lành, cam chịu, cả đời chưa biết giận ai. Bà không khóc lóc, không van xin cũng không kể lể công lao phục vụ chồng, gia đình nhà chồng suốt những năm làm dâu. Bà im lặng chấp nhận thiệt thòi về mình. Nào là đần độn vụng dại, nào là “đũa mốc đặt trên mâm vàng”. Hai mươi hai tuổi, bà chưa có nổi một bữa ăn ngon, chưa tự may cho mình một bộ quần áo đẹp.

Ngày mẹ chết, bố hắn cũng về thắp ba nén hương, vái ba vái rồi mau mắn trở lại thành phố. Chính ông cũng biết bà là người rất tốt. Nhưng làm người vợ tốt đâu chỉ có ngần ấy thứ. Để đền đáp công lao của bà, sau khi ly hôn ông cho bà tất cả. Từ nhà cửa đến ruộng vườn và thằng con trai mười tuổi. Cái ông cần là tự do.

Nghĩ đến mẹ tự nhiên nước mắt hắn ứa ra. “Anh làm sao thế? Anh khóc à?”. Cô gái thảng thốt. Hắn quay mặt vào bóng tối và hỏi: “Cô ra phố có việc gì? Ở với ai?”. “Dạ, em ra ở với vợ chồng anh ruột ạ”. Trong đầu hắn hiện ra một căn nhà ấm cúng, anh và chị dâu của Mùa sống cùng đứa con nhỏ. Có thể họ chưa muốn gửi con vào nhà trẻ hoặc thuê ô sin. Biết tin ai bây giờ? Tốt nhất là đón người thân ở quê ra. Cô bé Mùa này sẽ làm ô sin trong vài năm tới. Sau đó cô sẽ lấy chồng ở phố. Mùa sẽ nhanh chóng từ một con ô sin trở thành một bà chủ xinh đẹp nhưng không kém phần đỏng đảnh, vênh vang. Sự liên tưởng khiến hắn mỉm cười. “Anh cười gì vậy?”.

“Không. Không có gì hết”. Hắn lúng túng. Nhìn Mùa co ro, khép nép hắn thấy dễ thương. Cái dáng vẻ ấy ngày xưa mẹ hắn vẫn ngồi trước mặt bố mẹ chồng. Bỗng nhiên hắn hỏi thẳng tuột: “Mùa chưa chồng đúng không?”. Cuộc sống nơi công trường bỗ bã hắn quen rồi. Nghề nghiệp dạy cho hắn những lời ngon ngọt đôi khi còn đáng sợ hơn nhiều. Hỏi xong hắn mới biết mình vô duyên và thô lỗ. Vẻ bối rối ngượng ngập của Mùa đã trả lời cho câu hỏi của hắn.

Vất vả ngược xuôi mấy lần hắn mới tìm được đúng nhà. Anh trai Mùa mừng rỡ thấy em gái về đến nhà an toàn. Mùa ý tứ đưa hắn chiếc khăn khô khi nhìn thấy mặt và tay hắn ướt nhòe. Anh Mùa giữ hắn lại: “Làm một ly cho ấm bụng đã chú em”. Anh rối rít cảm ơn hắn và thanh minh vì sao không thể ra đón em gái được. Anh siết chặt tay hắn: “Phúc đức nhà tôi dày lắm mới gặp được một người tốt như chú. Cảm ơn chú nhiều lắm!”. Anh nhắc đi, nhắc lại câu đó khiến hắn hơi ngượng. “Không có gì đâu. Thấy hoàn cảnh Mùa vậy em giúp thôi”. “Này, đằng nào cũng muộn rồi, anh em ta lai rai một chút gọi là kỷ niệm buổi đầu gặp gỡ”. Hắn từ chối lấy cớ phải về nghỉ mai còn đi làm sớm. Tiễn chân ra cửa anh Mùa vỗ vai hắn thân mật bảo: “Anh quý tấm lòng chân thật và đầy tình người của chú. Khi nào rảnh cứ lại chơi. Anh chị luôn mở rộng cửa đón chú”.

Từ đó hắn trở thành người thân của gia đình Mùa. Mỗi lần có việc đi qua hoặc khi rảnh rỗi hắn đều rẽ vào thăm. Cả gia đình vui vẻ đón tiếp. Có buổi hắn còn ở lại ăn cơm. Hắn thật thà kể về cuộc đời mình. Anh Mùa bảo: “Không sao, mưa gió qua rồi”. Khác với dự đoán ban đầu của hắn. Mùa không phải ra phố làm ô sin cho anh chị. Cô vừa học xong đại học sư phạm và ra nhận công tác ở một huyện cạnh thành phố. Quãng đường từ nhà đến trường chừng chục cây số, Mùa vẫn kẽo kẹt chiếc xe đạp. Cái dáng mảnh mai của Mùa cứ đọng mãi trong tâm trí hắn. Thương quá! Mấy lần hắn gợi ý đưa đón hoặc tặng Mùa một cái xe điện để Mùa đi lại cho tiện. Lần nào Mùa cũng cảm ơn và lắc đầu: “Anh tốt với em quá. Khi nào cần em sẽ nhờ. Lúc đó anh đừng chối từ nhé”.

Lần khác hắn đến thăm Mùa vào buổi tối. Chị dâu đi làm. Anh trai đang học thêm gì đó trên gác. Mùa vừa đưa nôi cho cháu ngủ vừa đọc sách. Chao ôi, cuộc sống êm đềm, hạnh phúc quá. Niềm ao ước bấy lâu trong lòng hắn cứ cồn lên. Một cử chỉ dịu dàng, một ánh nhìn tin cậy của Mùa như tặng riêng hắn. Tự nhiên hắn hiểu mình đang muốn gì. Nhưng để lý giải vì sao thì hắn chịu. Chỉ biết hắn thích Mùa, yêu Mùa. Một hai cô gái xinh đẹp đến với hắn nhưng hắn đủ thông minh để hiểu rằng những cô gái ấy không phải dành cho mình. Giá như vợ hắn là Mùa thì quý biết bao. Mùa có thể đi dạy học hoặc nội trợ cũng được. Hắn chỉ cần yêu thương thực lòng. Rồi Mùa sẽ sinh cho hắn những đứa con xinh xắn, khỏe mạnh và thông minh. Hắn cần tình người ấm áp chứ không phải tình mua bán. Hắn lấm lét nhìn trộm Mùa. Mùa im lặng rồi bất chợt ngẩng lên nhìn hắn. Bốn mắt nhìn sâu vào nhau trong khoảnh khắc. Dường như Mùa cũng đang chờ hắn nói một điều gì đó thật trân trọng, thiêng liêng.

Một lần như vô tình hắn hỏi: “Em có dự định gì cho tương lai không?”. Mùa cười: “Nhiều lắm. Nhưng anh đừng cho rằng em là kẻ tham lam cơ”. “Ừ, cứ nói ra biết đâu anh giúp được”. “Chẳng hạn như trau dồi nghề nghiệp rồi học lên cao nữa. Nhưng cái đích cuối cùng là mở được một lớp học tình thương cho trẻ mồ côi. Dĩ nhiên phải được sự đồng thuận của người chồng tương lai”. “Anh giúp em được không?”. Mùa hỏi lại: “Liệu anh có thể giúp được cả cuộc đời em không?”. Hắn hiểu, lòng hắn như có nắng. Hắn nắm chặt tay Mùa: “Được, được. Cả kiếp sau nữa”. Hắn sẽ giúp Mùa biến ước mơ đó thành hiện thực. Giúp Mùa cũng là tự giúp hắn có một cuộc sống ý nghĩa hơn. Hắn đang nghĩ đến ngôi nhà đang ở đủ thiết kế thành một phòng học. Mùa lặng yên để tay mình trong bàn tay chai sần của hắn.

Lần đầu tiên sau nhiều năm hắn cầm đến cuốn sách giáo khoa. Lần đầu tiên hắn bước chân vào cửa hàng bán thiết bị trường học. Và cũng lần đầu tiên hắn đi dạo phố có Mùa bên cạnh.

NGUYỄN SỸ ĐOÀN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/sau-mua-402452.html