Chặn tiêu cực đăng kiểm xe cơ giới
Công an TP HCM và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã và đang tiếp tục mở rộng điều tra, bắt giữ, khởi tố cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm tại một số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Sai phạm tinh vi, kéo dài
Trong số 13 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) vừa bị lực lượng chức năng phát hiện có sai phạm (6 vụ án, hơn 40 bị can), địa bàn TPHCM chiếm phần lớn, gồm TTĐK 50-15D (TP Thủ Đức), TTĐK 50-07V (quận Bình Tân), TTĐK 50-10D (huyện Củ Chi) và TTĐK 50-17D (huyện Nhà Bè). Tại các trung tâm này, công an thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội.
Theo Thượng tá Nguyễn Đình Dương - Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TPHCM), các sai phạm của những TTĐK kể trên chỉ được phát hiện trong đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các nhóm hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Trong đó, PC08 ban đầu phát hiện một số phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn kỹ thuật nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới. Lần theo các vật chứng này, cùng quá trình phối hợp trao đổi thông tin với một số Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều dấu hiệu sai phạm, tiêu cực có hệ thống trong quá trình cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại các trung tâm kể trên.
Một số trung tâm đã sử dụng nhiều thủ thuật tinh vi để cấp giấy đăng kiểm cho hàng chục nghìn phương tiện không đủ điều kiện, thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng. Về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM dẫn chứng, một số trung tâm được phát hiện sử dụng các nhân viên không có giấy chứng nhận đăng kiểm viên, mặc quần áo đăng kiểm để thực hiện các bước đăng kiểm xe cơ giới. Các nhân viên này có nhiệm vụ mặc đồ đăng kiểm viên đi dạo quanh các camera do Cục Đăng kiểm giám sát. Do đó, hình ảnh ghi nhận được khi trích xuất camera cho thấy các TTĐK lúc nào cũng có đăng kiểm viên kiểm tra thường xuyên, làm việc nghiêm túc, thế nhưng thực tế là “trá hình” để một số bị can, nguyên là các giám đốc trung tâm thực hiện hành vi giả mạo chữ ký cấp giấy chứng nhận cho những xe không đủ điều kiện đăng kiểm, xe không đủ điều kiện về độ khói, khí thải,…
Theo Thượng tá Trần Thị Kim Lý - Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, khi thực hiện khám xét và triệu tập làm việc với 20 đối tượng, người có liên quan đến sai phạm tại TTĐK 50-17D ở huyện Nhà Bè, Công an TPHCM đã xác định 1 đối tượng phía sau thao túng và là người chỉ đạo cho phép đăng kiểm viên bỏ qua các lỗi vi phạm cho các phương tiện để nhận tiền, chấm “đạt” và ký giấy xác nhận đăng kiểm để thu lời bất chính hàng tỷ đồng. Ngoài ra, sai phạm ở trung tâm này còn có liên quan đến 1 Trung tâm sát hạch lái xe khác ở TPHCM với hành vi đưa vào sử dụng 120 phương tiện giao thông không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật trong hoạt động dạy lái xe.
Chặn “lỗ hổng” tiêu cực
Khi dữ liệu camera giám sát hoạt động của các kiểm định viên được phát hiện hoạt động trá hình, giả tạo công việc, nhiệm vụ, cơ quan chức năng xác định, đây không còn là dữ liệu khách quan, đáng tin cậy khi trích xuất để phục vụ đấu tranh, làm rõ sai phạm của cá nhân, tổ chức.
Để ngăn chặn các “lỗ hổng” tại các TTĐK, Công an TPHCM, Sở Giao thông vận tải (GTVT) và các cơ quan chức năng liên quan đã đề ra một số giải pháp cấp bách để đảm bảo hoạt động liên tục của các TTĐK đang hoạt động trên địa bàn TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam.
Cụ thể, Công an TP Thủ Đức phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM tiến hành khám xét một số TTĐK xe cơ giới trên địa bàn liên quan đến vụ sai phạm ở các TTĐK tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam. Sau đó, Công an huyện Hóc Môn cũng đã phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM tiến hành khám xét TTĐK 50-14D ở KCN Khánh Đông (huyện Hóc Môn) để tiếp tục điều tra, làm rõ nhiều tình tiết, thủ đoạn liên quan đến một số sai phạm, tiêu cực tại các TTĐK vừa được triệt phá.
Sở GTVT TPHCM cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ phần mềm lấy số thứ tự qua App đăng kiểm để ngăn chặn tiêu cực của TTĐK, đồng thời tiết kiệm thời gian cho người dân khi đi kiểm định định kỳ xe cơ giới. Tính đến thời điểm hiện tại, riêng địa bàn TPHCM đang còn 8/17 TTĐK đang hoạt động, với công suất đăng kiểm từ 1.300 - 1.500 xe mỗi ngày. Do đó, các dây chuyền kiểm định đang quá tải và chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dân đăng kiểm, nhất là thời điểm cuối năm.
Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, sau hàng loạt các TTĐK bị phát hiện sai phạm thì những ngày qua tại các TTĐK đã xảy ra tình trạng quá tải, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu kiểm định xe cơ giới của người dân và doanh nghiệp. Do đó ứng dụng App đăng kiểm cho phép lấy số đăng kiểm tự động, đã được Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất triển khai, sẽ giúp phát hiện sai phạm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chan-tieu-cuc-dang-kiem-xe-co-gioi-5707263.html