Chặn trì trệ, nhũng nhiễu trong đầu tư công
Ngày 17/5, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 184 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Tổ trưởng tổ công tác số 1 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại hội nghị trực tuyến với 5 địa phương (TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long).
Đáng chú ý, tại Thông báo này, Phó Thủ tướng yêu cầu có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Ì ạch giải ngân vốn vốn đầu tư công đang là vấn đề bức xúc. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%).
Để đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngày 14/3, Thủ tướng đã có Quyết định thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Thời gian kiểm tra, đôn đốc từ ngày 10 đến ngày 25 hằng tháng.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vẫn chưa được như kỳ vọng. Trong khi nguồn vốn đầu tư công được xem là “trụ đỡ” cho sự phát triển kinh tế. Nói như ông Võ Tấn Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bên cạnh những lý do khách quan thì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cần phải đánh giá, nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án; xác định tiến độ, lộ trình, thời gian đối với từng dự án. Qua đó sẽ thấy được những điểm nghẽn để tập trung xử lý. Ông Đức cho biết, tính toán của các nhà kinh tế cho thấy, khi giải ngân được 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo được 1,61 đồng vốn đầu tư từ khối tư nhân. Giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% thì tăng trưởng GDP tăng thêm 0,058%. Vì thế vốn đầu tư công góp phần kích cầu kinh tế rất hiệu quả và bền vững.
Vậy thì ở tình thế ngược lại, có thể nói rằng chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ gây ra lãng phí, kéo giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Tới đây, câu hỏi cần phải đặt ra là: Vậy thì ai phải chịu trách nhiệm về điều đó?
Còn nhớ, phát biểu trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phải thốt lên: Đầu tư công có tiền mà vẫn không tiêu được, "lạ quá". Cũng cần lưu ý rằng, tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 1/2022, một loạt các sửa đổi, bổ sung cho Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu... đã được thông qua; phân cấp, phân quyền khá mạnh cho các chủ thể ở cấp trung ương, cũng như ở cấp địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư công, cũng như các dự án hợp tác công tư.
Vấn đề là người đứng đầu có dám “quyết”, có dám chịu trách nhiệm hay không. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công chính là việc đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm và nạn nhũng nhiễu trục lợi vẫn tồn tại. Đề cao các chuẩn mực đạo đức công vụ, trách nhiệm cá nhân đi cùng với quy rõ trách nhiệm, loại bỏ những “boong-ke” tiêu cực, chỉ có như vậy dòng vốn đầu tư công quý giá mới sớm được đưa vào cuộc sống, phát huy tác dụng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chan-tri-tre-nhung-nhieu-trong-dau-tu-cong-5718215.html