Chàng học bá muốn 'kết bạn' với bão và đam mê 'thuần phục' thiên tai bằng AI
Chứng kiến sức tàn phá khốc liệt của bão Yagi, cậu bạn Lê Mạnh Cường (trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội) đã quyết định đến Nhật Bản theo đuổi ngành Quản trị, Môi trường và Nghiên cứu Thông tin tại Đại học Keio, với mục tiêu ứng dụng AI để giải quyết bài toán thiên tai một cách toàn diện.
Khi cơn bão Yagi quét qua miền Bắc, hình ảnh cây cối bật gốc, bàn ghế hư hỏng ngay trong sân trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam khiến Lê Mạnh Cường không khỏi suy nghĩ: "Trường Ams với cơ sở vật chất khá tốt mà còn chịu thiệt hại, vậy những vùng sâu vùng xa, điều kiện còn khó khăn sẽ phải chống chọi ra sao?". Câu hỏi ấy thôi thúc cậu bạn tìm kiếm một lời giải đáp không chỉ bằng sự cảm thông, mà bằng hành động và tri thức.

Lê Mạnh Cường là cựu học sinh chuyên Tin trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Đó không phải là một suy nghĩ thoáng qua, mà trở thành kim chỉ nam đưa Cường đến quyết định táo bạo: Theo học ngành Quản trị, Môi trường và Nghiên cứu Thông tin, Đại học Keio (Nhật Bản) - một trong những ngôi trường danh tiếng hàng đầu châu Á.
Từ trải nghiệm thực tế đến con đường du học
Nhiều người sẽ chọn hướng đi an toàn, nhưng Lê Mạnh Cường lại chọn một con đường đầy thử thách, nơi cậu bạn có thể "kết bạn" với chính đối tượng mình muốn chinh phục. Nhật Bản, quốc gia luôn phải đối mặt với thiên tai, trở thành "miền đất hứa" cho những kinh nghiệm thực chiến nhất.
Lê Mạnh Cường chia sẻ: "Quản lý thiên tai không chỉ là vấn đề của công nghệ hay kỹ thuật, nó là vấn đề của cả xã hội. Mình có công nghệ tốt đến đâu mà áp dụng sai cách, hoặc người dân không thể tiếp cận, thì cũng vô ích". Chính vì thế, chương trình học liên ngành tại Đại học Keio - nơi kết hợp công nghệ, chính sách và xã hội - đã thực sự chinh phục chàng học bá. Lê Mạnh Cường tin rằng, để giải quyết một vấn đề lớn, cần một góc nhìn đa chiều.

AI - "người bạn" đồng hành trong tâm bão
Khi được hỏi tại sao lại là AI, Lê Mạnh Cường cho biết: "Thiên tai là một vấn đề khổng lồ với lượng dữ liệu cực lớn. Trong bối cảnh AI đang phát triển, mình tin rằng đây chính là công cụ mạnh mẽ có thể đóng một vai trò quan trọng".
Trong hình dung của Lê Mạnh Cường, AI không phải là những dòng code khô khan. "Mình nghĩ trong những năm tới, AI có thể "tiến" vào những nơi nguy hiểm mà con người khó tiếp cận, hoặc dự báo sớm những thông tin quan trọng trong thiên tai". Để làm được điều đó, việc học tại Nhật Bản sẽ giúp Cường tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất, từ hệ thống cảm biến, vệ tinh thu thập dữ liệu, đến các mô hình AI phân tích và đưa ra cảnh báo.
Tuy nhiên, cậu bạn Gen Z hiểu rằng công cụ dù hiện đại đến đâu cũng cần được áp dụng phù hợp với thực tế. "Ở những vùng sâu vùng xa, không phải ai cũng có điện thoại để đọc cảnh báo. Khi đó, một chiếc loa phát thanh của xã lại là phương tiện hiệu quả nhất". Dự báo chính xác là một chuyện, nhưng làm sao để thông tin ấy đến được tay người dân - đúng lúc, đúng cách - mới là điều quan trọng hơn cả.

Giấc mơ mang kiến thức trở về
Hành trình của Lê Mạnh Cường vừa được tiếp sức khi cậu trở thành một trong 12 gương mặt trẻ xuất sắc nhận học bổng toàn phần dành cho Chương trình Cử nhân bằng tiếng Anh từ Quỹ Fast Retailing. Đây không chỉ là hỗ trợ tài chính, mà còn trao cho cậu sự tự do theo đuổi đam mê, đồng thời kết nối với cộng đồng tài năng - nơi nuôi dưỡng và chắp cánh cho những ý tưởng lớn.
Lê Mạnh Cường ấp ủ mong muốn được trải nghiệm, học hỏi kinh nghiệm tại các nước phát triển, và rồi sẽ mang tất cả những kiến thức quý giá đó trở về phục vụ quê hương. Ước mơ của cậu bạn Gen Z rất giản dị nhưng đầy ý nghĩa: "Mình muốn mở những trại hè lập trình nhỏ, hoặc các lớp học để cập nhật, phổ biến kiến thức về công nghệ và phòng chống thiên tai cho mọi người".
Với cậu học sinh từng bị "đánh thức" bởi cơn bão Yagi, giờ đây, mỗi trận bão không còn là nỗi sợ - mà là lời nhắc nhở rằng công nghệ, nếu được dùng đúng, có thể trở thành chiếc phao cứu sinh. Và AI có thể là "người bạn" thân thiết của nhân loại trong hành trình sinh tồn và phát triển.