Đề xuất bộ tiêu chí KPI 100 điểm để đánh giá công chức
Nhằm tránh tình trạng 'cuối năm ai cũng tốt cả', Bộ Nội vụ đề xuất 3 nhóm tiêu chí là phẩm chất, năng lực chuyên môn và khả năng đổi mới để đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, được lượng hóa thành 100 điểm kèm bảng KPI bắt buộc.
Dự thảo Nghị định về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức do Bộ Nội vụ soạn thảo đang gửi lấy ý kiến kèm theo biểu mẫu phiếu theo dõi, đánh giá công chức, phiếu xếp loại công chức và Hướng dẫn các bước lập danh mục, sản phẩm công việc, xác định sản phẩm/công việc chuẩn và quy đổi nhiệm vụ được giao ra sản phẩm/công việc chuẩn.
Theo đó, có 3 nhóm tiêu chí, mỗi nhóm gắn số điểm cố định.
Nhóm I (30 điểm) đo phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và ý thức kỷ luật. Các chỉ dấu cụ thể gồm: không tham ô, tham nhũng; đoàn kết nội bộ; thực hiện văn hóa công vụ; kê khai tài sản, thu nhập trung thực; chấp hành phân công và quy định của cơ quan. Điểm số ở nhóm này phản ánh mức độ liêm chính và thái độ phục vụ của người giữ chức vụ công.
Nhóm II (30 điểm) chấm năng lực chuyên môn và trách nhiệm thực thi nhiệm vụ. Yêu cầu là công chức sở hữu kiến thức chuyên sâu, thường xuyên cập nhật cái mới, làm việc độc lập, ứng dụng công nghệ, chủ động đề xuất sáng kiến trong phạm vi chuyên môn. Phiếu đánh giá còn đo mức hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các vị trí thường xuyên tiếp xúc.
Nhóm III (40 điểm) hướng tới năng lực đổi mới và tinh thần tiên phong. Công chức phải có sản phẩm, giải pháp đột phá; sẵn sàng nhận việc khó, phức tạp; chịu trách nhiệm đến cùng về kết quả; chủ động quyết định trong thẩm quyền và tiên phong thực hiện nhiệm vụ mới. Đây là nhóm điểm cao nhất, chiếm 40% tổng thang, nhằm khuyến khích tư duy dám nghĩ - dám làm.
Cũng theo dự thảo này, mẫu phiếu đánh giá nêu 6 chỉ tiêu bắt buộc, trong đó có 3 chỉ tiêu “cứng” áp dụng cho mọi công chức, với tỷ lệ hoàn thành về số lượng, chất lượng và tiến độ đều đặt ngưỡng 100%.
Với người giữ chức vụ lãnh đạo có thêm 3 chỉ tiêu: kết quả lĩnh vực phụ trách, khả năng tổ chức triển khai nhiệm vụ, năng lực đoàn kết đội ngũ.
Điểm KPI được tính theo công thức tại Điều 12 trong dự thảo rồi cộng vào 3 nhóm tiêu chí trên để cho ra điểm tháng; bình quân năm sẽ quyết định mức “hoàn thành xuất sắc”, “hoàn thành tốt”, “hoàn thành” hoặc “không hoàn thành nhiệm vụ”.

Bộ Nội vụ đề xuất 3 nhóm tiêu chí để đánh giá, xếp loại chất lượng công chức (ảnh: công chức UBND phường Vĩnh Tuy, Hà Nội hướng dẫn người dân giải quyết hồ sơ hành chính)
Đáng chú ý, dự thảo có kèm phần Phụ lục với ba bước để lập danh mục sản phẩm công việc.
Trong đó, bước 1 là lập danh mục sản phẩm/công việc của từng vị trí, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan; bản mô tả công việc; khung năng lực vị trí; mức độ phức tạp riêng của từng vị trí.
Bộ Nội vụ đề xuất phương pháp thực hiện việc này là thống kê - tổng hợp theo bảng bao gồm: tên sản phẩm/công việc, mô tả ngắn gọn, loại (thường xuyên/đột xuất), tần suất, đầu ra cụ thể.
Theo đó, quy trình bao gồm các bước: công chức liệt kê tất cả sản phẩm/công việc đã thực hiện trong năm (tháng 1 đến tháng 12) và gửi người đứng đầu đơn vị. Sau đó, bộ phận tổ chức, cán bộ của cơ quan sử dụng công chức rà soát, xếp nhóm, bỏ trùng lặp hoặc mục không rõ đầu ra, rồi chuyển danh mục lên cơ quan quản lý công chức. Cuối cùng, cơ quan quản lý công chức tiếp tục rà soát, xếp nhóm, loại trùng lặp và trình người đứng đầu ban hành danh mục sản phẩm/công việc chung của toàn cơ quan.
Bước 2 là xác định sản phẩm/công việc chuẩn. Tiêu chí chọn chuẩn phải gắn với vị trí việc làm, phản ánh đúng chức năng chủ yếu; phổ biến, thường xuyên - đo bằng tần suất thực hiện; có đầu ra cụ thể, kèm thời gian và chất lượng xác định; mang tính đại diện để làm “mốc” quy đổi các nhiệm vụ phức tạp hơn, đơn giản hơn hoặc tương đương.
Trong đó, dự thảo đề xuất phương pháp xây dựng bắt đầu từ việc sàng lọc sản phẩm có tần suất cao, then chốt; mô tả chi tiết nội dung, đầu vào, đầu ra, thời gian hoàn thành để “đóng dấu” thành sản phẩm/công việc chuẩn.
Bước 3 là quy đổi nhiệm vụ được giao về sản phẩm/công việc chuẩn
Khi quy đổi, dự thảo đề xuất các yếu tố so sánh như: nội dung và tính chất phải phù hợp mục tiêu, phạm vi, chuyên môn của sản phẩm chuẩn; mức độ phức tạp, độ khó, yêu cầu kỹ thuật, số bước xử lý; yêu cầu kỹ thuật - nghiệp vụ - trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm, độ chính xác cần thiết; khối lượng công việc - tổng đầu vào, đầu ra; thời gian thực hiện - thời lượng trung bình cần thiết; tần suất và mức lặp lại - mức thường xuyên trong kỳ theo dõi.
Phương pháp xác lập hệ số quy đổi bao gồm: sử dụng khảo sát, phiếu đánh giá cấu trúc hoặc tham vấn chuyên gia; bảo đảm khách quan, thống nhất, lưu trữ hồ sơ và chịu giám sát của bộ phận tổ chức, cán bộ.
Nếu phát sinh nhiệm vụ mới, đơn vị lấy ý kiến công chức liên quan, bổ sung danh mục và đề xuất mức quy đổi mới. Hệ số quy đổi được xây dựng bằng khảo sát, phiếu đánh giá hoặc hội đồng chuyên gia, nhằm bảo đảm tính khách quan, nhất quán.
Dự thảo cũng nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc rà soát, ban hành hoặc bổ sung danh mục sản phẩm chuẩn khi phát sinh nhiệm vụ mới, đồng thời lưu trữ hồ sơ quy đổi để phục vụ giám sát.
Dự thảo Nghị định đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến rộng rãi. Sau khi hoàn thiện ý kiến góp ý, nghị định cùng bộ tiêu chí này sẽ là khung pháp lý thống nhất để đánh giá, sàng lọc và sử dụng đội ngũ công chức theo kết quả thực chất.