Chàng nhân viên pha chế rượu vẽ tranh từ mảnh vụn thủy tinh

Tận dụng những mảnh thủy tinh bỏ, Hứa Duy Thanh tạo ra nhiều bức tranh độc đáo, truyền tải thông điệp ý nghĩa về ý thức bảo vệ môi trường.

Sau khi tốt nghiệp THPT, thay vì chọn vào đại học, Hứa Duy Thanh (SN 1993 tại Quảng Ninh) theo đuổi trở thành nhân viên pha chế nhà hàng.

Do đặc thù công việc phải thường xuyên tiếp xúc những chai rượu đủ màu sắc, kích cỡ, chàng trai đất mỏ sớm hình thành đam mê sưu tập thủy tinh. Thấy những vỏ chai thủy tinh sau khi đã qua sử dụng sẽ bị vứt bỏ, anh đã đem về nhà trưng bày, biến chúng thành vật dụng hữu ích, tái sử dụng.

Thời gian rảnh rỗi, Duy Thanh thường đi thu gom rác thủy tinh tại các bãi phế liệu để tái chế. (Ảnh: NVCC)

Trong một lần tình cờ đọc được bài báo về bãi biển Glass nổi tiếng của Mỹ với những viên sỏi thủy tinh đầy màu sắc nhờ sức mạnh mài nhẵn của sóng biển, Duy Thanh nảy ra ý tưởng làm tranh nghệ thuật từ rác thủy tinh.

“Khi thải ra môi trường, rác thủy tinh cần nhiều thời gian để phân hủy. Hơn nữa, những khu vực tập trung mảnh thủy tinh sắc nhọn tiềm ẩn nguy cơ làm bị thương, nhiễm trùng và nhiều vấn đề khác cho con người cũng như loài sinh vật khác”, Duy Thanh cho hay. Những suy nghĩ ấy thôi thúc anh hành động dự án, một phần muốn góp hành động nhỏ bảo vệ môi trường, phần muốn mang đến những sản phẩm nghệ thuật ấn tượng đến với cộng đồng.

Tranh chân dung

Tranh chân dung

Quyết tâm với dự án tái chế, Hứa Duy Thanh nghiên cứu các loại máy đánh bóng trang sức, đá quý để tìm ra nguyên lý hoạt động, sau đó tự mua thiết bị về chế tạo máy mài.

Từ những chai, lọ, mảnh thủy tinh bỏ đi, sau khi thu gom, Thanh bóc tem mác, làm sạch, phơi khô, sau đó đập vụn và cho vào máy mài. Thủy tinh được cho vào trong lồng, quay liên tục từ 5 đến 10 ngày cùng cát, nước để mài hết cạnh sắc nhọn, sẽ tạo ra viên thủy tinh nhẵn bóng đầy màu sắc và đa dạng kiểu dáng, kích thước.

Theo anh, những viên thủy tinh sau khi tái chế có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, tùy sự sáng tạo của mỗi người. Ngoài làm móc chìa khóa, vòng đeo cổ, chuông gió, sỏi trang trí.

Những tác phẩm nghệ thuật độc đáo được làm từ rác thủy tinh. (Ảnh: NVCC)

Với mỗi tác phẩm, sau khi phác họa nội dung trên mặt giấy, Duy Thanh sẽ tỉ mỉ chọn từng viên thủy tinh có kích thước, màu sắc phù hợp rồi sắp xếp cẩn thận, dùng keo chuyên dụng gắn thành bức tranh hoàn chỉnh.

Tuy không được đào tạo qua trường lớp về nghệ thuật, nhưng bằng đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, chàng bartender tạo nên nhiều tác phẩm đặc sắc khiến người xem phải trầm trồ.

Hơn 3 năm theo đuổi tái chế rác thủy tinh, khối tài sản của Duy Thanh lên tới hàng trăm bức tranh, từ đơn giản đến phức tạp. Những bức tranh ấy được anh đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội nhằm chia sẻ về cách tái chế rác thủy tinh, ngày càng nhận được đông đảo sự quan tâm, theo dõi.

Nhiều người thích thú với sáng kiến của chàng trai trẻ đã tìm đến đặt làm một số tranh, đồ trang trí theo chủ đề. Nhiều hội nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện cũng nhờ anh cung cấp mảnh thủy tinh tái chế hoặc tạo những bức tranh để mang bán đấu giá, gây quỹ ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn.

Chàng trai đất Mỏ cũng kết hợp cùng một số trường học tại địa phương mở ra những buổi ngoại khóa dành cho học sinh. Theo anh, buổi học không chỉ cung cấp kiến thức về tái chế rác thải, thể hiện tình yêu với môi trường mà còn khơi gợi sự sáng tạo, trí tượng tưởng của học sinh trong hoạt động làm tranh.

Duy Thanh đã nghỉ công việc pha chế để tập trung cho các dự án của bản thân.

Duy Thanh kết hợp cùng một số trường học tại địa phương mở ra những buổi ngoại khóa dành cho học sinh. (Ảnh: NVCC)

Duy Thanh dự định mở quán cà phê kết hợp không gian trưng bày sản phẩm làm từ thủy tinh tái chế. Tại đây, mọi người sẽ có cơ hội trực tiếp trải nghiệm quy trình làm ra thủy tinh tái chế cũng như sáng tạo các sản phẩm nghệ thuật của riêng mình.

“Tôi mong rằng hoạt động thủy tinh tái chế sẽ ngày càng được nhiều người biết đến, từ đó lan tỏa rộng hơn nữa ý thức về bảo vệ môi trường”, Duy Thanh bày tỏ.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chang-nhan-vien-pha-che-ruou-ve-tranh-tu-manh-vun-thuy-tinh-ar873728.html