Chàng rể Tây Ninh biến cây khoai mì 'xóa đói' thành cây làm giàu

Năm 2012, anh Đặng Khánh Duy về làm rể cùng đất Tây Ninh. Gần 10 năm sau, chàng rể này đã biến khoai mì từ loại cây 'xóa đói' thành cây làm giàu.

Chàng rể Tây Ninh biến cây khoai mì 'xóa đói' thành cây làm giàu. Ảnh: T.Q

Chàng rể Tây Ninh biến cây khoai mì 'xóa đói' thành cây làm giàu. Ảnh: T.Q

Quyết định khởi nghiệp, nghĩ ngay tới cây khoai mì

Anh Đặng Khánh Duy (36 tuổi), sinh ra tại một vùng nông thôn của tỉnh Đồng Nai. Về làm rể Tây Ninh từ năm 2012, Duy cho biết, anh được giao trọng trách trông nom xưởng sản xuất bột mì của gia đình từ năm 2012 đến năm 2018. “Trong hơn 6 năm trông nom xưởng bột mì, tôi rất hiểu về khoai mì, các tính chất của bột khoai mì, thế cho nên khi hai vợ chồng nghĩ đến chuyện khởi nghiệp, làm gì đó, tôi nghĩ ngay đến cây khoai mì”- Đặng Khánh Duy chia sẻ.

Nghĩ là làm, năm 2018, vợ chồng Duy dồn toàn bộ vốn liếng tích cóp được và cùng với sự hỗ trợ của gia đình, anh bắt tay đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền sản xuất, tuyển công nhân… để làm bánh tráng từ bột mì.

“Bánh tráng Tây Ninh nổi tiếng từ rất lâu nay, trở thành một món đặc sản đặc trưng của vùng đất nắng hạn này, nhưng trước đây bánh tráng thường sản xuất bằng bột gạo, nên bánh tráng rất giòn và khó cuộn. Khác hẳn với bột khoai mì, bột khoai mì có độ dẻo lớn hơn rất nhiều. Tại sao mình lại không thử lấy bột khoai mì để làm bánh tráng?”, Duy nhớ lại.

Trăn trở đó khiến Duy bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu làm bánh tráng từ bột khoai mì. Sau rất nhiều lần thất bại, cuối cùng Duy cũng có thể làm ra được sản phẩm bánh tráng từ khoai mì như ý, trắng trong, mỏng và có thể cuốn trực tiếp mà không cần phải nhúng qua nước.

“Tôi là ‘tay ngang’, không phải dân kỹ thuật, cũng không phải dân thực phẩm, nên thất bại nhiều lắm. Vì vậy, gặp cái gì tôi cũng hỏi, gặp cái gì cũng muốn tìm hiểu. Tìm hiểu đi tìm hiểu lại nhiều khi làm cho người ta khó chịu”, Đặng Khánh Duy nhớ lại khó khăn lớn nhất khi quyết định khởi nghiệp bằng nghề làm bánh tráng không cần nhúng nước từ bột mì.

 Anh Đặng Khánh Duy. Ảnh: T.Q

Anh Đặng Khánh Duy. Ảnh: T.Q

Từ một cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ lẻ năm 2018, đến 6/2020 quy mô của nhà máy sản xuất bánh tráng của anh Đặng khánh Duy được mở rộng. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu, chàng rể Tây Ninh này quyết định thành lập doanh nghiệp với cái tên Tân Nhiên. Việc mở rộng và quyết định thành lập doanh nghiệp này đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, cũng như góp phần mở ra đầu ra tiêu thụ cho cây khoai mì.

“Sinh sau đẻ muộn” nhưng loại bánh tráng mà chàng rể Tây Ninh làm ra nhanh chóng có được chỗ đứng trên thị trường nhờ nhiều điểm khác biệt. Đầu tiên, Duy phải tới chỗ người làm khung, yêu cầu và cùng họ làm theo ý mình.

“Thời đó, đa phần làm bánh tráng theo khuôn tròn, việc dập khuôn tròn phụ thuộc rất nhiều vì kỹ thuật người thợ làm. Tôi đã chế dao, làm thành hình vuông, hình chữ nhật. Quá trình này mất rất nhiều dao, thớt thử nghiệm và tốn không ít tiền mới thành công”, Duy nói.

Khác biệt thứ hai, Tân Nhiên đi theo hướng làm bánh tráng 3 không: Không hương liệu, không chất bảo quản, không phẩm màu. Đây là một khác biệt lớn với các loại bánh tráng trên thị trường. Để có loại bánh 3 không là cả một quá trình nghiên cứu, mày mò, thử nghiệm. Ngày đó, lúc thì bánh ra không đều, ngày thì màu vàng, đen, trắng khác nhau do củ mì khi mình làm bột không ổn định.

 Hàng trăm lao động tại địa phương được giải quyết công ăn việc làm từ bánh tráng không nhúng nước từ bột khoai mì. Ảnh: T.Q

Hàng trăm lao động tại địa phương được giải quyết công ăn việc làm từ bánh tráng không nhúng nước từ bột khoai mì. Ảnh: T.Q

Sau khi thành công bán ra thị trường, loại bánh này còn có một lợi thế lớn là để được thời gian lâu hơn so với các loại bánh khác. “Bánh 3 không để được lâu, không bị giòn, vị bánh thơm hơn. Trong khi bánh truyền thống khoảng 3 tháng ở các cửa hàng tạp hóa sẽ bị giòn, vỡ…”, Duy chia sẻ.

 Sản phẩm bánh tráng không nhúng nước do anh Đặng Khánh Duy làm ra được xếp hạng là sản phẩm OCOP 5 Sao đầu tiên của tỉnh Tây Ninh. Ảnh: T.Q

Sản phẩm bánh tráng không nhúng nước do anh Đặng Khánh Duy làm ra được xếp hạng là sản phẩm OCOP 5 Sao đầu tiên của tỉnh Tây Ninh. Ảnh: T.Q

Hiện, sản phẩm bánh tráng không nhúng nước của Tân Nhiên được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tây Ninh đánh giá, xếp hạng là sản phẩm OCOP 5 Sao đầu tiên của tỉnh. Đặc biệt, quy trình sản xuất bánh tráng Tân Nhiên đạt tiêu chuẩn cao nhất FSSC 22000 của Sáng kiến An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI), đây là tấm vé để Tân Nhiên đi ra thế giới khi chính thức có mặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và sắp tới là Mỹ.

Hướng ra bền vững cho loại cây “xóa đói giảm nghèo”

Ngày 17/4/2024, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1115/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, mục tiêu đến năm 2030 sản lượng mì tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,…) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng mì sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt 1,8-2,0 tỷ USD.

Tôi còn nhớ thời gian đầu, một mình tôi phải tự làm, tự tráng bánh, kể cả khi các công nhân về hết vẫn một mình hì hục làm. Có nhiều bữa làm đến khi khuya, về nhà thì cả người nồng chua mùi “bột mì lên men”, đến mức ôm con ngủ mà nó chê không cho ôm”, anh Đặng Khánh Duy, nhớ lại.

Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng mì của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,…) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.

Tại Tây Ninh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 341.897,0 ha, trong đó có 61.000 ha đất sản xuất khoai mì (chiếm 23%). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bệnh khảm lá, người nông dân trồng khoai mì có năng suất khá bấp bênh, vì vậy việc phát triển chế biến sâu loại nông sản này là một hướng đi rất tốt và bền vững.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, cho hay, hiện nay các bạn trẻ tham gia phong trào khởi nghiệp đã tạo ra rất nhiều các sản phẩm mới và đi thẳng vào các công nghệ chế biến, biến các sản phẩm thô sơ bản địa thành các sản phẩm đặc sắc không chỉ bán trên thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới.

“Đặng Khánh Duy với sản phẩm bánh tráng không nhúng nước Tân Nhiên là một điển hình của một lớp doanh nhân trẻ say mê đi khai thác các tài nguyên bản địa của quê hương mình và biến nó thành tài nguyên, thành đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước” – bà Vũ Kim Hạnh nói.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 68 sản phẩm OCOP; trong đó 47 sản phẩm đạt 3 sao, 20 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Tất cả các sản phẩm được công nhận đều là những đặc sản nổi bật, mang dấu ấn điều kiện tự nhiên, thể hiện nét văn hóa bản địa của cộng đồng cư dân các dân tộc trên địa bàn.

Trong số đó, có các sản phẩm như các loại bánh tráng siêu mỏng nhãn hiệu Tân Nhiên (bánh tráng ớt, muối nhuyễn siêu cay, bánh tráng phô mai, bánh tráng sa tế tỏi, bánh tráng sa tế tôm hành…), bánh tráng phơi sương, rau rừng tổng hợp Thanh Thúy, mắm điều chay, nước mắm trái điều Vương Ngọc, dế mèn đông lạnh, bột dế, sầu riêng Bàu Đồn, mít Thái siêu sớm Tân Lập…

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chang-re-tay-ninh-bien-cay-khoai-mi-xoa-doi-thanh-cay-lam-giau-post694031.html