Chàng sĩ quan trẻ giúp dân nơi biên giới

Ở các xã biên giới huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, người đồng bào dân tộc thiểu số yêu quý Thượng úy Phạm Thái Sơn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế như người con, người em thân thương trong gia đình. Gần gũi và thấu hiểu, những việc làm của Sơn luôn hướng về đồng bào, những mảnh đời còn khó khăn cần được giúp đỡ.

Nặng lòng yêu thương

Khi màn đêm buông xuống, bếp lửa bập bùng trong những ngôi nhà sàn đơn sơ nơi bản làng biên giới huyện miền núi A Lưới. Bà con dân bản quây quần bên bữa cơm đạm bạc. Đường sá vắng người lại qua. Đèo Pê Ke nối giữa hai xã Hồng Vân và Hồng Thủy dài hơn 10 km, uốn lượn ngoằn nghèo giữa hai bên núi rừng, lau lách. Vừa bước tới khúc cua, chúng tôi gặp một thanh niên trẻ trong bộ quân phục BĐBP cắm cúi ngược đèo. Đó là Thượng úy Phạm Thái Sơn vừa từ xã Hồng Thủy trở về đơn vị. Trò chuyện, chúng tôi được biết Sơn vừa đến gặp thầy giáo Hồ Xuân Tài, Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Hồng Thủy bàn bạc về việc kết nối, vận động các nguồn hỗ trợ xây thêm 2 phòng học tại điểm trường cơ sở lẻ tại thôn Par Ay. Sơn kể: “Điểm trường cơ sở lẻ tại thôn Par Ay chỉ có 3 phòng học cho các cháu học sinh lớp 1-2-3.

Các cháu lớp 4-5, không có phòng học nên phải ra học tại cơ sở chính với quãng đường hơn 6 km. Đường sá nơi đây đi lại khó khăn. Mùa mưa lũ, các em phải đối mặt với nguy hiểm, vì phải đi qua 3 đập tràn. Nhiều khi việc học “đứt đoạn” vì nước dâng cao, không thể đến lớp. Nghĩ mà quặn lòng. Các thầy cô giáo hết sức trăn trở, mong muốn xây thêm được 2 phòng học, để học sinh đỡ nhọc nhằn. Gần đây có tín hiệu vui. Thượng úy Trần Ngọc Tân (trước đây công tác tại đơn vị, nay chuyển công tác đến Đồn Biên phòng Nhâm) đã kết nối giúp tôi với anh Lê Đức Huy, chủ doanh nghiệp tại thành phố Huế. Sau khi trao đổi qua điện thoại, anh Anh Huy hứa sẽ sắp xếp ngược núi lên A Lưới, khảo sát tại điểm trường cơ sở lẻ thôn Par Ay để có phương án hỗ trợ”. Rồi Sơn tâm sự thêm, sắp chuyển công tác ra tại quê nhà Hà Tĩnh, nên anh càng nôn nóng, muốn thiết lập chắc chắn “cam kết” của những tấm lòng hảo tâm, để yên tâm chuyển giao lại cho các đồng đội.

Thượng úy Phạm Thái Sơn tặng “Đàn ngàn khăn quàng đỏ” cho các hộ nghèo tại Thôn A Deeng - Par lieng 2, xã Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thượng úy Phạm Thái Sơn tặng “Đàn ngàn khăn quàng đỏ” cho các hộ nghèo tại Thôn A Deeng - Par lieng 2, xã Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đối với Sơn, dù sắp được chuyển công tác về gần gia đình, nhưng mỗi hành động, công việc của anh vẫn trách nhiệm đến cùng. Để yêu thương dành cho học trò dân tộc thiểu số xã Hồng Thủy, xa xôi còn rất nhiều khó khăn huyện miền núi A Lưới, vẫn mãi tròn đầy. Một đêm đầu tháng 8, dù đã muộn, nhưng không nén nổi vui mừng nên Sơn vẫn gửi “khoe” tin nhắn của nhà hảo tâm Lê Đức Huy với chúng tôi: “Anh đồng ý về quan điểm là sẽ xây 2 phòng học nữa nhé. Đầu tuần anh sẽ lên thực tế, nếu em có mặt, cho anh gặp để trao đổi cách triển khai”. Sơn bộc bạch: “Nghe anh Huy đồng ý, vui mà nước mắt tôi tự nhiên cứ ứa ra. Thật mong đến ngày các cháu không phải vất vả đạp xe quãng đường xa đi học, không phải chịu nguy hiểm khi đi qua các đập tràn mùa mưa lũ”.

Sơn cũng từng thắt lòng khi nghe thầy giáo Hồ Xuân Tài tâm sự, mơ ước của học sinh và các cháu nhỏ Hồng Thủy là được một lần xem múa lân “thật” chứ không phải trên ti vi. “Sân chơi” của các cháu nhỏ chỉ quanh quẩn bên chân những ngôi nhà sàn, những con đường trong thôn bản lổn nhổn đá sỏi. Nhiều cháu chân không dép, không mặc quần, “làm bạn” với cái gió, cái nắng.

Tình thương đối với những đứa trẻ đang phải chịu thiệt thòi, thiếu thốn, thôi thúc Sơn. Anh tìm cách kết nối với bạn bè, đồng đội. Những tấm lòng nối lại, để Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân phối hợp Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế và Trường tiểu học-THCS Hồng Thủy tổ chức được cho các cháu một đêm hội trăng rằm đủ đầy chú Cuội, chị Hằng; “ông Lân” và 386 phần quà gồm bánh kẹo cùng một số vật dụng cần thiết, 200 chiếc bánh trung thu, 150 lồng đèn, 600 cuốn vở cùng gấu bông, quần áo trẻ em, dép nhựa, áo mưa…

“Trong hành trang người lính của chúng tôi, bây giờ mang thêm những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ, tràn ngập niềm vui hạnh phúc thế giới tuổi thơ của các cháu trong đêm hội trăng rằm ấy; nhắc nhở chúng tôi nếu có thể giúp được điều gì để ai đó vơi bớt thiệt thòi, dù là điều nhỏ nhặt nhất, mình cũng phải cố gắng hết sức và bằng tất cả tấm lòng”, Sơn bộc bạch.

Tấm lòng của Sơn, bắt đầu từ những việc làm bình dị nhất. Đó chính là sự gần gũi, quan tâm, thấu hiểu. Trong cuốn sổ tay của Thượng úy Phạm Thái Sơn là những dòng chữ “note” lại những việc cần ghi nhớ. Đó là: “Nhà mẹ Căn Nghê ở thôn Ca Cú 1, xã Hồng Vân cần thay nửa mái ngói, sửa bếp, sửa gấp hệ thống điện”; “Bố Quỳnh Xăng cần được giúp ship chổi đót đến…”; “Nhớ đến thăm tình hình sức khỏe mẹ Căn Tria”… Việc nào gấp hơn, Sơn gạch chân, để ưu tiên thực hiện trước.

Người dân thôn Ta Lo A Hố không có ai là không biết vợ chồng cụ Quỳnh Xăng, đều đã ngoài tám mươi tuổi, sức khỏe ngày một kém. Nhưng cụ Quỳnh Xăng và vợ ngày ngày vẫn cố gắng làm chổi đót bán. Mắt mờ đi, chân tay yếu hơn, mỗi chiếc chổi đót cũng phải mất thời gian lâu hơn mới hoàn thành được. Ấy vậy nhưng, số chổi đót làm xong vẫn treo bên góc bếp, ít có ai đến mua. Nhưng từ ngày Sơn về nhận công tác tại đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn, người dân trong thôn không có ai là không “thuộc” hình ảnh người sĩ quan biên phòng trẻ, những lúc về thăm hỏi, nắm tình hình bà con, tranh thủ buộc mấy chiếc chổi đót kỉnh kỉnh sau xe máy, chạy từ thôn này qua thôn khác; xuôi về thị trấn A Lưới, cũng có khi vượt đèo Pê Ke qua tận xã Hồng Thủy, giúp vợ chồng cụ Xăng ship chổi.

“Tôi chụp ảnh sản phẩm chổi đót của bố, mẹ Quỳnh Xăng, đăng trên facebook. Nhiều người cảm thông hoàn cảnh tuổi tác của bố mẹ, thay vì ra chợ, nay đặt hàng của bố, mẹ Quỳnh Xăng. Chỉ cần một tin nhắn, tôi sẽ đảm bảo mang đến trong những lúc tranh thủ được. Có lúc bán thêm được chỉ một cây chổi, nhưng nhìn gương mặt vui mừng của bố, mẹ Quỳnh Xăng, trong lòng tôi thêm một sự nhẹ nhõm”. Sơn nở nụ cười. Cụ Quỳnh Xăng xúc động nói, vợ chồng cụ coi Sơn là con cháu trong nhà, một đứa con trai rất giàu tình yêu thương, biết nghĩ cho bố, mẹ.

Yêu thương đó, Sơn mang dành thật nhiều cho những người già neo đơn, bệnh tật.Bà con trên những xã biên giới huyện A Lưới do Đồn BPCK Hồng Vân quản lý đã quen thuộc “một BĐBP Sơn” sẵn sàng dìu đỡ người già yếu, tàn tật, di chuyển khó khăn, trong các buổi khám bệnh miễn phí. Mỗi lần đến tặng gạo cho mẹ Căn Tria (bệnh tật, neo đơn ở thôn A Năm, xã Hồng Vân) trong chương trình “Hũ gạo tình thương” mà đơn vị đang thực hiện, Sơn và đồng đội bao giờ cũng nán lại thật lâu, nắm chặt bàn tay mẹ trong lúc trò chuyện. “Cử chỉ dù nhỏ, nhưng chúng tôi biết, người mẹ đơn chiếc sẽ cảm thấy ấm lòng”. Sơn trầm giọng.

Tâm huyết với bà con

Mẹ mất từ lúc Sơn còn nhỏ. Bố đi làm ăn xa rồi lập gia đình mới ở nơi xa xôi đó. Sơn và em gái nương nhờ trong tình thương của ông bà nội. Rồi bà nội cũng qua đời. Lớn lên trong cảnh nghèo khó, lại được ông bà nội dạy về tình thương đối với người khác, Sơn đồng cảm, thấu hiểu đối với những hoàn cảnh kém may. Khi trở thành người lính biên phòng, sự thấu hiểu đối với những người dân nghèo trên mảnh đất biên giới xa xôi còn nhiều khó khăn đã trở thành yêu thương và trách nhiệm.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường xã Trung Sơn, huyện A Lưới nhớ như in lời Sơn nói “Chú ơi, hay mình làm gì đó để có nguồn thu giúp dân nghèo”, khi biết địa phương có chương trình xây dựng khu du lịch cộng đồng suối A Lin (trên địa bàn xã Trung Sơn, A Lưới). Ý tưởng của Sơn liền được Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng; Đại úy Hồ Văn Thảo, Đội trưởng Đội trinh sát; Đại úy Nguyễn Minh Khánh Vũ, Đội trưởng Đội phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn BPCK Hồng Vân cùng đồng lòng hưởng ứng. Vậy là các anh cùng lên kế hoạch bỏ tiền túi dựng 1 chòi nghỉ chân “tình quân dân” (trong chuỗi 5 chòi của hợp tác xã) cho khách du lịch thuê khi tham quan, nghỉ ngơi tại khu du lịch cộng đồng. Chòi “Tình quân dân” sau khi hoàn thành sẽ giao cho hợp tác xã quản lý. Tiền thu được, hợp tác xã trích lại 50% để BĐBP gây quỹ giúp người nghèo. Kế hoạch thực hiện chương trình “Du lịch cộng đồng- Đồng hành cùng người nghèo” được Ban Chỉ huy Đồn BPCK Hồng Vân phê duyệt và chính quyền địa phương ủng hộ.

Vậy là bất kể cái nắng gay gắt, Sơn cùng Dũng, Thảo, Vũ miệt mài bên bờ suối, dựng chòi “tình quân dân”. Nhiều lần áo ướt đẫm, Sơn cùng đồng đội cởi ra vắt, mồ hôi rơi thành dòng xuống sỏi. Căn chòi được những người lính mang quân hàm xanh dựng thật chắc chắn, lại mang rất nhiều ý nghĩa, nên luôn “đắt” khách lựa chọn nghỉ chân. Nhiều phần quà đong đầy yêu thương và trách nhiệm, trích quỹ gây được từ chòi “tình quân dân”, đã được tặng cho các hộ nghèo, học sinh nghèo trên địa bàn. Mang lại hiệu quả thiết thực, nên chòi “tình quân dân” được phát triển thành mô hình của Chi đoàn Đồn BPCK Hồng Vân; mới đây, Chi đoàn mở rộng gấp đôi diện tích chòi, để có thể đón được thêm nhiều du khách, tăng nguồn quỹ giúp đỡ người nghèo.

Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế không ít lần bày tỏ sự trân trọng đối với Thượng úy Phạm Thái Sơn: “Những cán bộ, chiến sĩ gần gũi, thấu hiểu người dân, nhiệt huyết và đầy yêu thương, trách nhiệm với dân trong từng hành động, cử chỉ nhỏ như Sơn, đã bồi đắp thêm tình cảm tin yêu của người dân nơi mảnh đất phên dậu của Tổ quốc đối với lực lượng BĐBP. Tình cảm xuất phát từ sự chân thành đã “mở khóa” lòng người, trong quá trình vận động người dân chấp hành mọi chủ trương chính sách, chấp hành pháp luật, cùng chung sức đồng lòng giữ gìn bình yên biên cương”.Sơnlà 1 trong 10 gương mặt trẻ được Bộ Tư lệnh BĐBP tuyên dương “Gương mặt trẻ tiêu biểu” “Gương mặt trẻ triển vọng” BĐBP năm 2021.Tháng 5 vừa qua Thượng úy Phạm Thái Sơn vinh dự được tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” lần thứ VI năm 2023 do Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế tổ chức.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH-HÀ LÊ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/chang-si-quan-tre-giup-dan-noi-bien-gioi-737639