Chàng thanh niên nông thôn với sản phẩm OCOP 3 sao
Đang theo học ở Trường đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì đam mê với nghề thủ công mỹ nghệ nên thanh niên Phan Hữu Lộc (SN 1996) quyết định tạm dừng việc học trở về quê nhà xã Măng Tố, huyện Tánh Linh để bắt tay vào thực hiện niềm đam mê của mình, và giờ đây sản phẩm vòng đeo tay của anh đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Bốc lên, thả xuống những nắm hạt cườm mà các thợ thủ công vừa tiện ra, Lộc nở nụ cười tươi rói vì sản phẩm đảm bảo theo yêu cầu của mình. Vừa kiểm tra Lộc vừa chia sẻ với chúng tôi: Em bén duyên với nghề thủ công mỹ nghệ vòng đeo tay cũng rất tình cờ. Trong một lần về thăm quê hương tỉnh Quảng Nam – xứ sở của làng nghề trầm hương, em thấy người dân ở đây làm hạt cườm từ thân cây gió bầu, có điều gì đó hấp dẫn nên đã tìm tòi học hỏi để tìm kiếm cơ hội cho mình. Trong thời gian học đại học, nhưng trong đầu vẫn cứ nghĩ về vòng đeo tay. Nhiều đêm trằn trọc với nhiều câu hỏi đã đặt ra trong đầu và cuối cùng em quyết định tạm dừng việc học đại học và về quê bắt tay vào làm vòng đeo tay.

Sản phẩm được chứng nhận.
Năm 2015, Lộc cùng với 2 người thân ở xã Măng Tố bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là máy móc để tạo ra sản phẩm lại không có. Lộc bắt đầu vào mạng xã hội tìm tòi, học hỏi, đặt mua máy móc đem về lắp ráp và tự nghiên cứu thêm nhiều chi tiết để tạo ra sản phẩm hạt cườm. Lúc đầu em chỉ làm gia công và gửi sản phẩm về quê Quảng Nam. Tuy nhiên, việc gia công cũng chỉ kiếm tiền công không thể mở rộng phát triển. Thế là Lộc lại mày mò học tập, nghiên cứu và mua máy móc về lắp ráp, nghiên cứu chế tạo thêm một số bộ phận để tạo ra sản phẩm hạt cườm lớn, nhỏ tùy theo ý muốn của mình. Sự quyết tâm, kiên trì đã mang đến thành công. Các sản phẩm hạt cườm được Lộc quảng bá trên mạng xã hội đã nhận được nhiều đơn đặt hàng không chỉ trong nước mà cả ngoài nước. Với 6 máy chính dùng để tiện hạt và 7 máy phụ dùng để gia công sản phẩm, mỗi tháng cơ sở sản xuất khoảng 2.500 - 3.000 kg chuỗi hạt vòng đeo tay, trong số này có từ 20 - 30% sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc và gần 10% sang thị trường Hàn Quốc. Cơ sở đã tạo việc làm cho 9 lao động ở địa phương với thu nhập mỗi người từ 5 – 14 triệu đồng mỗi tháng.

Lộc cho biết thêm: Để có được sản phẩm đạt tiêu chuẩn đẹp, tinh xảo, bắt mắt thị hiếu của khách hàng đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ. Sản phẩm phụ từ cây gió bầu hay còn gọi trầm hương ở Tánh Linh và một số vùng lân cận nhiều, giá lại rẻ nên nguyên liệu không phải lo. Vòng đeo tay làm từ gỗ cây gió bầu có hương trầm thoang thoảng, nhẹ nhàng rất được nhiều người sử dụng làm trang sức phổ biến hiện nay. Không chỉ “độc lạ” mà còn mang ý nghĩa may mắn tài lộc trong công việc và sức khỏe bình an.
10 năm bén duyên với nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo vòng đeo tay của thanh niên nông thôn đã được ghi nhận. Bộ sản phẩm vòng đeo tay của hộ kinh doanh Phan Hữu Lộc được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh - năm 2024; Cục Công Thương địa phương chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực - năm 2024; UBND huyện Tánh Linh chứng nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao - năm 2025.