Chàng tiến sĩ miền đất lửa và hành trình chinh phục nước Nhật

Một chàng trai quê ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, bằng những nỗ lực không ngừng đã vượt qua những giới hạn của bản thân để trở thành Phó Giáo sư - Tiến sĩ trẻ nhất được nhận vào làm giảng viên ngành mạng máy tính tại Đại học Aizu (Nhật Bản).

Lê Doãn Hoàng (người đứng góc trái) đã trở thành giảng viên chính bộ môn mạng máy tính tại Đại học Aizu sau khi hoàn thành chương trình sau Tiến sĩ - Ảnh: T.P

Lê Doãn Hoàng (người đứng góc trái) đã trở thành giảng viên chính bộ môn mạng máy tính tại Đại học Aizu sau khi hoàn thành chương trình sau Tiến sĩ - Ảnh: T.P

Hành trình vượt khó

Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là giáo viên, Lê Doãn Hoàng - tên của chàng Tiến sĩ mới 30 tuổi này - được thừa hưởng niềm yêu thích với con đường học hành từ nhỏ. Trước khi rời Việt Nam qua Nhật Bản học chương trình Thạc sĩ từ năm 2017, Hoàng cũng đã có hàng loạt thành tích trong nhà trường. Nhưng chàng trai này vẫn rất khiêm tốn khi kể về hành trình chinh phục nước Nhật của mình.

Hoàng là cựu học sinh của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Ở đây, Hoàng theo học lớp chuyên Vật lý và từng được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia. Sau đó, Hoàng chọn vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Với những thành tích nổi bật trong học tập, anh được chọn làm đội trưởng đội Olympic Vật lý của trường và từng giành hai huy chương vàng toàn quốc năm 2013 và 2014.

Tốt nghiệp đại học loại giỏi nên Hoàng được cấp học bổng thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành mạng máy tính tại Đại học Aizu (Nhật Bản). “Đây vừa là kết quả của quá trình cố gắng không ngừng nghỉ suốt nhiều năm học đại học, vừa là một cơ hội lớn với tôi để bước ra thế giới nên tôi đi Nhật ngay”, Hoàng kể.

Qua Nhật Bản, những mới mẻ trong cuộc sống cũng như khác lạ về văn hóa cũng gây cho chàng trai này nhiều khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, quyết tâm học tập, quyết tâm chinh phục đỉnh cao tri thức đã giúp Hoàng vượt qua tất cả. Hoàng hoàn thành chương trình Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ ở Đại học Aizu nhưng vẫn chưa chịu dừng lại. Hoàng tiếp tục học thêm chương trình sau Tiến sĩ cũng tại trường này. Và sau một năm rưỡi, chàng trai này hoàn thành chương trình khi mới 29 tuổi.

Lê Doãn Hoàng (bên phải) cùng bạn Nguyễn Văn Tỉnh, người được anh giúp đỡ hướng dẫn khi qua làm Thạc sĩ tại Nhật - sĩ tại Nhật - Ảnh: T.P

Lê Doãn Hoàng (bên phải) cùng bạn Nguyễn Văn Tỉnh, người được anh giúp đỡ hướng dẫn khi qua làm Thạc sĩ tại Nhật - sĩ tại Nhật - Ảnh: T.P

Và sự cố gắng của Hoàng đã được đền đáp khi ở cùng thời điểm, Trường Đại học Aizu có thông báo tuyển dụng vị trí giáo sư (cách gọi ở Nhật với người vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học). Vì là một trường đại học quốc tế rất uy tín của Nhật về công nghệ thông tin, nên điều kiện tuyển dụng vô cùng khắt khe. Hoàng phải trải qua 2 vòng thi cùng nhiều người khác. Vòng đầu là xét hồ sơ, vòng sau là phỏng vấn và giảng thử. Điều kỳ diệu đã đến vào đầu năm 2023 khi Hoàng là người được chọn.

Giáo sư Phạm Tuấn Anh - Trường Đại học Aizu: Lê Doãn Hoàng là một trong những sinh viên xuất sắc mà tôi may mắn được hướng dẫn và rất vui khi chúng tôi sớm thành đồng nghiệp. Điểm nổi bật nhất ở bạn là năng lực tập trung, kiên định với mục tiêu trong thời gian dài. Tôi hy vọng Hoàng sẽ tiếp tục duy trì được năng lực này để tiến xa hơn nữa trong môi trường học thuật.

Tại đây, Hoàng được phân công dạy các môn về internet, mạng máy tính. Sinh viên ở trường thì đến từ nhiều nước trên thế giới. Hoàng còn nghiên cứu chuyên sâu về internet tốc độ cao, bảo mật mạng internet sử dụng mật mã khóa lượng tử; sử dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hiệu năng của mạng internet và các giải pháp cho mạng truyền thông khôi phục sau thảm họa bão lũ, động đất...

Luôn hướng về quê hương

Khi đang là nghiên cứu sinh, chàng trai này còn làm được điều kỳ diệu hơn khi có đến 28 bài báo được công bố trên các tạp chí và hội thảo quốc tế. Đa số các bài báo đó được công bố trên các tạp chí uy tín về truyền thông vô tuyến của tổ chức IEEE với chất lượng Q1. Trong đó, có một bài được đăng trên tạp chí IEEE Communications Surveys and Tutorials - là tạp chí được xếp hạng hàng đầu về kỹ thuật điện và điện tử (theo Scopus) cùng hai giải thưởng “Bài báo xuất sắc nhất” tại các hội thảo quốc tế.

Đạt được nhiều thành tích ở Nhật Bản, gây được sự chú ý của quốc tế trên các bài báo nhưng chàng trai này vẫn không quên hướng về quê hương.

Đợt lũ năm 2020, khi đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Hoàng như thắt ruột khi thấy những hình ảnh người dân ở quê lao đao trong cơn lũ lịch sử. Sau đó, Hoàng lên mạng kêu gọi bạn bè khắp nơi trên thế giới quyên góp giúp đỡ những người dân ở Quảng Trị và Quảng Bình bị thiên tai. Hơn 80 triệu đồng quyên góp được thời điểm đó, Hoàng gửi về nhờ bố mẹ ở Vĩnh Linh mua lương thực, thực phẩm đi cứu trợ cho đồng bào bị nạn ở Gio Linh và Lệ Thủy (Quảng Bình).

Sau khi hoàn thành chương trình sau Tiến sĩ và được nhận vào giảng dạy tại Trường Đại học Aizu, Hoàng trở lại giúp đỡ những sinh viên Việt Nam qua Nhật học tập. Nguyễn Văn Tỉnh (quê Thanh Hóa) - sinh viên năm 3 ngành kỹ thuật máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong số những sinh viên Việt Nam đang được Hoàng hỗ trợ ở Nhật.

Hy vọng kết nối Quảng Trị - Nhật Bản

Không chỉ hướng tới chương trình đào tạo Thạc sĩ 1+1, Hoàng còn đề ra mục tiêu xa hơn cho bản thân khi ấp ủ kế hoạch thực hiện chương trình hợp tác và kết nối cho các bạn sinh viên đang học đại học có thể qua Nhật học sớm hơn. Mới đây, Hoàng có theo dõi đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị và Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị để thành một trường đại học riêng. “Nếu Quảng Trị có trường đại học này, tôi cũng sẽ kết nối để tương lai nhiều sinh viên Quảng Trị có cơ hội được qua Nhật học tập”, Hoàng bày tỏ.

Học xong năm 3, Tỉnh xin được học bổng để qua Trường Đại học Aizu học 2 năm còn lại. Qua Nhật, Tỉnh được Hoàng hỗ trợ làm quen với cuộc sống và trở thành chỗ dựa tinh thần của Tỉnh nơi đất khách. Sau khi hoàn thành 2 năm đại học, Tỉnh đang tiếp tục học lên Thạc sĩ cũng ở trường này dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của Hoàng.

Cũng từ sự hỗ trợ này, Tỉnh đã giành được 3 giải thưởng, trong đó có 2 giải thưởng tại hai hội nghị quốc tế và 1 giải thưởng tại diễn đàn sinh viên nghiên cứu khoa học ở Nhật. “Nhiều sinh viên từ Việt Nam qua Nhật cũng bỡ ngỡ như chính tôi khi bắt đầu hành trình nên tôi đứng ra giúp các bạn, kể cả chuyện ăn ở sinh hoạt và học tập. Nếu làm điều chi tích cực và đóng góp cho quê hương thì tôi luôn sẵn lòng”, Hoàng chia sẻ.

Điều ước của Hoàng là càng có nhiều sinh viên qua Nhật học. Đặc biệt là sinh viên ở miền Trung và quê nhà Quảng Trị. Hoàng sẵn sàng hỗ trợ hết sức để những sinh viên này có kiến thức và tương lai rộng mở hơn. Tháng 10/2023, Hoàng vừa về nước tham gia Hội nghị ATC tại Đà Nẵng.

Tại đây, Hoàng đã đề xuất hợp tác với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thực hiện chương trình Thạc sĩ mô hình 1+1 để điều ước này gần với hiện thực hơn. Theo chương trình này, sinh viên tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có nguyện vọng học lên Thạc sĩ thì đăng ký chương trình. Sau đó, những người này sẽ học Thạc sĩ 1 năm ở Trường Bách khoa Đà Nẵng, năm còn lại thì sang Nhật học và nhận bằng của Nhật.

“Lúc sang Nhật, tôi sẽ đề xuất trường cấp học bổng toàn phần cho các bạn trong một năm. Ngoài ra, tôi cũng sẽ hỗ trợ hết lòng cho các bạn trong học tập, nghiên cứu và nhiều lĩnh vực khác. Càng nhiều bạn trẻ ở quê hương được học tập ở môi trường tốt tôi càng thấy vui”, Hoàng nói.

Thiên Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/chang-tien-si-mien-dat-lua-va-hanh-trinh-chinh-phuc-nuoc-nhat/183385.htm