Chàng trai 9X thiết kế quần áo... cổ
Lướt từ đầu đến chân, Nguyễn Đức Lộc không có vẻ gì gợi 'cổ', không nhuộm răng đen như nhà thư pháp nọ, cũng không nuôi tóc dài như nho sinh xưa, áo quần cập nhật xu hướng. Nhưng nhiều năm nay, Lộc cuốn vào đam mê cổ phục Việt. 9x sinh ra và lớn lên ở Hà Nội chính là người sáng lập và điều hành Ỷ Vân Hiên, một 'thương hiệu' cổ phục được giới trẻ tìm đến, được nhiều nghệ sỹ phim ảnh, ca nhạc 'chọn mặt gửi vàng'.
Khởi nghiệp từ tiếng gọi đam mê
Nguyễn Đức Lộc hẹn tôi tới cửa hàng của Ỷ Vân Hiên. Căn phòng đậm màu hoài cổ hút mắt tôi, trang phục của chốn vương triều khuê các xen lẫn những món đồ giả cổ vừa thẩm mỹ, vừa độc đáo… Trong thoáng giây tôi bỗng quên đi cảnh “phố phường chật hẹp, người đông đúc” mà mình vừa trải qua trên đường đến điểm hẹn.
Tiếp xúc với Lộc chắc ai cũng ấn tượng ở sự hoạt ngôn của anh. Bất kể câu hỏi nào đặt ra, Lộc cũng giải đáp nhanh chóng, nói nhanh mà không vấp. Hóa ra, người sáng lập Ỷ Vân Hiên từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Truyền hình, từng làm ở một đài truyền hình lớn trong vài năm. Nhưng ngay cả ngành nghề đào tạo hay đài truyền hình cũng không đủ sức níu chân Lộc. Có một thứ đam mê khác còn lớn hơn trong anh, chỉ chờ một mồi lửa là bùng cháy. “Tôi vốn là dân chuyên sử thời còn học phổ thông, nhà lại có truyền thống làm may, bản thân rất yêu thích thời trang… Tình yêu cổ phục Việt trong tôi được khơi nguồn cảm hứng có lẽ từ cuốn sách của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức “Ngàn năm áo mũ”, Nguyễn Đức Lộc tâm sự.
Từ sự lan tỏa của “Ngàn năm áo mũ” (năm 2014), nhiều hội nhóm tập hợp những người cùng chung đam mê văn hóa dân tộc ra đời, trong đó có “Đại Việt Cổ Phong”. Fanpage này hoạt động tích cực, tạo thành một diễn đàn để các bạn trẻ yêu văn hóa cổ Việt Nam nói chung, yêu cổ phục Việt nói riêng, cùng chia sẻ kiến thức, với “mong ước tái hiện lại văn vật của nước Việt xưa một cách chuẩn xác nhất”. Nguyễn Đức Lộc là một trong những thành viên đầu tiên tham gia sân chơi này. Đi sâu vào văn hóa cổ, dần dần, anh tìm ra con đường của riêng mình. Từ bỏ công việc là mơ ước của nhiều bạn trẻ, Lộc quyết định khởi nghiệp với cổ phục Việt. Tháng 8 năm 2018, thương hiệu Ỷ Vân Hiên ra đời. Hiện nay Lộc đảm trách vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Ỷ Vân Hiên.
“Để khôi phục được hệ thống cổ phục Việt Nam qua các triều đại, không phải chuyện một sớm một chiều”
Nhà thiết kế trẻ Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.
Sự nhạy cảm, năng động của một người trẻ tuổi mách bảo Lộc rằng: Kinh doanh cổ phục Việt là mảnh đất màu mỡ, chưa mấy ai cày xới. Đừng nghĩ chỉ phim ảnh, sân khấu, ca nhạc mới cần đến chúng. Ăn hỏi, cưới xin, lễ lạt… đều cần. Việc phải làm là kích thích sự quan tâm, yêu thích của khách hàng với sản phẩm văn hóa đặc biệt này, để tạo ra “xu hướng”.
Đôi năm trở lại đây, nhiều người trẻ thích dùng trang phục của các triều đại phong kiến Việt Nam vào những nghi lễ lớn của cuộc đời, như đám cưới chẳng hạn. Công ấy của Ỷ Vân Hiên không ít. Song để khoác trên nguời cổ phục Việt mang thương hiệu Ỷ Vân Hiên bạn trẻ phải trả giá thuê hoặc sở hữu cao hơn so với những sản phẩm không nhãn mác bày bán nhan nhản trên thị trường. Lý do, mỗi sản phẩm, mỗi bộ sưu tập của Nguyễn Đức Lộc ra đời thấm đượm mồ hôi, công sức, không sản xuất đại trà: “Chúng không dừng ở câu chuyện thời trang mà là câu chuyện về văn hóa, lịch sử. Với cổ phục Ỷ Vân Hiên, tính lịch sử và tính thời trang phải kết hợp hài hòa. Yếu tố khoa học, yếu tố sáng tạo cùng song hành”.
Nuôi tham vọng lớn
Mảnh đất màu mỡ cổ phục Việt cũng tiềm ẩn không ít thách thức. Nhiều năm trước tài liệu về cổ phục Việt rất khan hiếm. Đến “ngài Google” cũng… bó tay. Nay mọi chuyện đã khác, khi đông người quan tâm đến cổ phục Việt thì nguồn cung lập tức dồi dào. Chẳng có gì khó hiểu! Nhưng với công chúng, trang phục cổ của ta vẫn là một trong những thứ bị soi xét kỹ lưỡng, bình phẩm rộn ràng.
Cứ nhìn dòng phim cổ trang Việt, còn non nớt lắm nhưng đã nhận bao nhiêu “gạch đá”. Còn nhớ, khi nhận trách nhiệm làm phục trang cho bộ phim “Phượng khấu”, Giám đốc Ỷ Vân Hiên đã lên tiếng: Sẵn sàng đón nhận mọi khen, chê về phục trang. May mắn, tuy nội dung “Phượng khấu” còn lời ra tiếng vào song phục trang lại nhận nhiều tràng pháo tay. Có lời đồn phục trang cho “Phượng khấu” ngốn khoảng dăm, bảy tỷ đồng. Người sáng lập Ỷ Vân Hiên tiết lộ: Khoảng gần 3 tỷ đồng. Đó đã là một con số lớn với một doanh nghiệp mới sinh được vài năm.
Không chỉ lo phục trang cho phim cổ trang Việt, Ỷ Vân Hiên còn đứng sau MV thành công của Hòa Minzy “Không thể cùng nhau suốt kiếp”, khai thác mối tình của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Ỷ Vân Hiên đảm trách phần cổ phục cho MV này. Công ty của Lộc cũng cung cấp trang phục cho sân khấu Lệ Ngọc trong vở “Huyền thoại Gò Rồng ấp”. Để được “chọn mặt gửi vàng” trong những dự án nghệ thuật, Ỷ Vân Hiên, đứng đầu là Nguyễn Đức Lộc đã học hỏi không ngừng.
Tự tin ngược thời gian trở về quá khứ, khám phá trang phục của cha ông, bởi Lộc đã trang bị cho mình hành trang kiến thức về lịch sử, về văn hóa. Anh còn học thêm Hán Nôm. Muốn đi tìm “kho báu” mà cha ông để lại không thể không học, không đọc. Đam mê, tình yêu của Lộc đã nhận được sự cổ vũ, cộng tác nhiệt tình từ những nhân vật tiếng tăm như tác giả “Ngàn năm áo mũ”, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức; Họa sỹ, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Mạnh Đức (tức Đức Nhà sàn); nghệ nhân, nhà phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc, hay chắt nội của vua Minh Mạng, một nghệ nhân đã ngoài 90 tuổi… Trước khi quyết định khởi nghiệp, Nguyễn Đức Lộc cất công lặn lội trên nhiều vùng đất, tìm đến những di tích, những làng nghề, gặp gỡ nghệ nhân. Họ chính là những người giữ gìn văn hóa cổ, trong đó có cổ phục.
Từ một người không được đào tạo về kinh doanh, phải học từ đầu những kiến thức về thị trường, quản lý kinh doanh… nhưng Lộc vẫn vận hành tốt Ỷ Vân Hiên: “Thời chưa dịch chúng tôi làm không hết việc”, anh nói. Hiện nay, Công ty của Lộc đang tham gia “Hùng thiêng Đất Việt”, dự án phim về lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ, từ các triều đại phong kiến đến các cuộc khởi nghĩa chống Pháp.
Cũng như nhiều doanh nghiệp, Ỷ Vân Hiên gặp không ít khó khăn trong 2 năm đại dịch hoành hành. May mắn họ vẫn đủ sức vượt qua. Mong ước của Lộc là khôi phục toàn bộ hệ thống cổ phục Việt Nam qua các triều đại. “Đó là tham vọng lớn đòi hỏi nguồn lực khổng lồ”, Lộc xác nhận. Vì thế, cần thiết có lộ trình để từng bước đi tới ước mơ: “Tôi sẽ đi từ triều đại gần với mình nhất, còn nhiều tư liệu để tham khảo nhất, rồi ngược trở lại quá khứ. Để khôi phục được hệ thống cổ phục Việt Nam qua các triều đại, không phải chuyện một sớm một chiều”, doanh nhân, nhà thiết kế trẻ chia sẻ tâm tư.
Muốn kiếm tiền từ cổ phục Việt
Lộc không che giấu mục đích kiếm tiền bằng kinh doanh cổ phục Việt, bởi kinh doanh chân chính, đàng hoàng, có gì phải xấu hổ? Nếu nói miệt mài với cổ phục Việt chỉ vì tình yêu, đam mê, mới là không thật thà: “Ai cũng cần phải sống”, Lộc giải thích ngắn. Nhưng chỉ cần cổ phục Việt có chỗ đứng với khách hàng Việt, nghĩa là Lộc đã cùng với thương hiệu của mình góp phần lan tỏa tình yêu với một mảnh của văn hóa xưa trong nhịp sống bộn bề hôm nay.
Một ngày của Nguyễn Đức Lộc khá bận rộn. Anh tham gia vào nhiều công việc liên quan đến cổ phục nên cứ phải “xê dịch” suốt. Về những tranh luận của một bộ phận khán giả quanh phục trang trong phim cổ trang Việt, Lộc chỉ muốn nói một điều: Đừng vội vã kết tội trang phục ấy giống Hàn hay giống Trung. Hãy nhớ văn hóa có tiếp biến. Nhìn tổng thể có thể giống song đi vào chi tiết lại thấy khác, thì sao? Sự bình tĩnh của khán giả khi đón nhận cổ phục, cũng giúp cho những người như Lộc thêm tự tin để đi đến tận cùng đam mê. Về đời sống riêng tư, doanh nhân sinh năm 91 vẫn trong tình trạng “độc thân vui vẻ”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chang-trai-9x-thiet-ke-quan-ao-co-post1433123.tpo