Chàng trai đất Mỏ 'hô biến' rác thủy tinh thành sản phẩm nghệ thuật

Từ 3 năm trước, chàng trai Hứa Duy Thanh (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, Quảng Ninh) bắt đầu hành trình hồi sinh rác thủy tinh thành những sản phẩm nghệ thuật ấn tượng.

Hành trình mang tên “chông gai”

Chàng trai Hứa Duy Thanh và bức tranh nữ minh tinh Marilyn Monroe được làm bằng thủy tinh tái chế.

Chàng trai Hứa Duy Thanh và bức tranh nữ minh tinh Marilyn Monroe được làm bằng thủy tinh tái chế.

Mở đầu cuộc trò chuyện về hành trình hồi sinh rác thủy tinh, anh Hứa Duy Thanh cho chúng tôi chiêm ngưỡng bức tranh về nữ minh tinh Marilyn Monroe của mình. Thoạt nhìn, ngỡ tưởng đây là bức tranh vẽ bằng các chất liệu quen thuộc, thế nhưng khi nhìn kỹ lại, chúng tôi phát hiện ra chân dung nữ minh tinh được ghép hoàn toàn bằng những mảnh thủy tinh tái chế.

Những sắc độ, tỷ lệ và đường nét của bức tranh mang đến cảm giác thu hút, tạo ấn tượng về thị giác. Để tạo nên bức tranh này, anh chàng phải mất hơn 1 tuần để lên bố cục, sắp xếp và ghép những mảnh thủy tinh. Tùy theo mỗi vị trí sẽ cần những mảnh thủy tinh có kích thước phù hợp, tạo nên những hình khối hài hòa, chính xác.

Những mảnh thủy tinh được sắp xếp, sau đó dính keo vào để cố định trên khung tranh.

Những mảnh thủy tinh được sắp xếp, sau đó dính keo vào để cố định trên khung tranh.

Để tạo nên những mảnh ghép thủy tinh hoàn thiện và tinh xảo như hiện nay, anh Thanh đã mất gần 3 năm để tự mày mò, nghiên cứu và chế tạo ra công cụ để xử lý thủy tinh. Từ những chai, lọ thủy tinh bỏ đi, anh chàng tiến hành đập vỡ, sau đó cho vào máy mài để bo tròn góc cạnh của những miếng thủy tinh trở nên nhẵn nhụi.

Nhớ về khoảng thời gian “khủng hoảng” khi không tìm được cách mài thủy tinh phù hợp, anh chàng chia sẻ: “Có lần máy mài mãi mà thủy tinh vẫn sắc, không đạt chất lượng mong muốn nên tôi phải mất rất nhiều thời gian để thử nghiệm các loại cát mài khác nhau. May mắn cuối cùng tìm ra được loại cát kim cương để mài, thành phẩm cho ra rất đẹp, nhẵn nhụi”.

Tìm ra được loại cát phù hợp nhưng vấn đề đặt ra vẫn còn rất nhiều, như làm sao để động cơ máy mài hoạt động liên tục từ 4-5 ngày, cách giảm tiếng ồn, tiết kiệm điện…. Mặc dù bắt tay vào tái chế thủy tinh được khoảng 3 năm, thế nhưng chỉ mới khoảng 3-4 tháng gần đây, mọi công đoạn mới bắt đầu trơn tru, số lượng thủy tinh sau tái chế nhiều hơn và từ đó các tác phẩm nghệ thuật ngày càng đa dạng, ấn tượng.

Theo anh Hứa Duy Thanh, để hoàn thiện tác phẩm bằng thủy tinh tái chế cần rất nhiều thời gian.

Theo anh Hứa Duy Thanh, để hoàn thiện tác phẩm bằng thủy tinh tái chế cần rất nhiều thời gian.

Từ những mảnh thủy tinh tái chế, anh Thanh cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng như vòng cổ, tranh ghép… Sau khi đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội, những sản phẩm bằng thủy tinh tái chế đã thu thút được đông đảo sự quan tâm, theo dõi.

“Khi thấy sự kỳ công, độc lạ của sản phẩm, nhiều người đã liên hệ để đặt mua. Hiện nay, mức giá của mỗi sản phẩm dao động từ 150.000 đồng trở lên, đối với bức tranh chân dung cầu kỳ thì mức giá có thể lên tới trên 1.000.000 đồng”, anh Thanh chia sẻ. Tuy nhiên, vì đây hoàn toàn là sản phẩm thủ công nên anh Thanh chưa thể mở rộng quy mô sản xuất, số lượng đơn hàng vẫn rất giới hạn.

Hành động nhỏ, ý nghĩa

Những bức tranh được ghép bằng thủy mang tính độc bản, khơi gợi trí tượng tưởng của người xem.

Những bức tranh được ghép bằng thủy mang tính độc bản, khơi gợi trí tượng tưởng của người xem.

Chia sẻ về hành trình tái chế rác thủy tinh của mình, anh Hứa Duy Thanh nói: “Thủy tinh là vật liệu cần rất nhiều thời gian để phân hủy, cùng với đó, bản thân tôi nhiều lần chứng kiến những mảnh thủy tinh gây nguy hiểm cho con người. Từ đó, tôi nung nấu ý nghĩ tái chế thủy tinh, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa mang đến những sản phẩm nghệ thuật ấn tượng”.

Để lan tỏa ý nghĩa của mô hình tái chế rác thủy tinh, anh Thanh đã kết hợp cùng một số trường học để mở ra những buổi ngoại khóa dành cho các em nhỏ. Buổi học không chỉ cung cấp kiến thức về tái chế, bảo vệ môi trường mà còn khơi gợi sự sáng tạo, trí tượng tưởng để các em tự sắp xếp, làm thành một bức tranh bằng thủy tinh hoàn chỉnh theo ý tưởng của mình.

Các em học sinh hào hứng với buổi ngoại khóa về tái chế rác thủy tinh và thực hành làm tranh từ thủy tinh tái chế.

Các em học sinh hào hứng với buổi ngoại khóa về tái chế rác thủy tinh và thực hành làm tranh từ thủy tinh tái chế.

Trong thời gian tới, anh Thanh ấp ủ kế hoạch sẽ kết hợp để mở không gian trưng bày những sản phẩm làm từ thủy tinh tái chế. Tại đây, mọi người sẽ được hiểu hơn về mô hình và có cơ hội trực tiếp trải nghiệm quy trình làm ra thủy tinh tái chế, sáng tạo các sản phẩm nghệ thuật.

“Tôi mong rằng thủy tinh tái chế sẽ ngày càng được nhiều người biết đến, từ đó lan tỏa nhiều hơn nữa ý thức về bảo vệ môi trường và tái chế rác thải. Dẫu bây giờ mới chỉ đóng góp được một phần công sức nhỏ bé trong việc tái chế rác thủy tinh, thế nhưng tôi có niềm tin và sự kỳ vọng về việc phát triển mô hình tái chế của mình”, anh Thanh bày tỏ.

Thanh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chang-trai-dat-mo-ho-bien-rac-thuy-tinh-thanh-san-pham-nghe-thuat-10274558.html