Chàng trai hoãn kế hoạch xuyên Việt, ở lại Đà Lạt hơn 2 tháng
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã 2 tháng nay, Trương Thanh Duy bị kẹt lại Đà Lạt (Lâm Đồng). Với chàng trai 25 tuổi, đây là cơ hội để sống chậm và cảm nhận nhiều hơn.
Thời gian gần đây, Trương Thanh Duy, 25 tuổi, nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng khi thường xuyên đăng tải hình ảnh, clip ghi lại cuộc sống thường nhật, các điểm du lịch nên thơ tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Khoảnh khắc thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và nhiều bình luận tích cực.
Chia sẻ với Zing, Duy cho biết Đà Lạt là điểm đến bất ngờ, sau khi kế hoạch cắm trại từ Nam ra Bắc dài 3 tháng của anh dở dang do dịch bệnh. Chàng trai người Hậu Giang kẹt lại phố núi và có nhiều cơ hội hơn để khám phá vùng đất này.
Chuyến đi xuyên Việt dở dang vì dịch
3 tháng trước, sau quyết định nghỉ việc văn phòng, Duy cùng 2 người bạn lên kế hoạch du lịch từ Nam ra Bắc. Chàng trai 25 tuổi muốn dành cho bản thân khoảng thời gian làm điều mình thích khi không còn hứng thú trong công việc.
Trước đó, vào những năm đại học, khi cùng hội bạn cắm trại qua đêm ở mũi Kê Gà (Bình Thuận), Trương Thanh Duy đã ấp ủ ý định cho những chuyến đi tận hưởng thiên nhiên xa và dài ngày hơn. "Trải nghiệm đầu tiên để lại trong tôi nhiều cảm xúc, khi được hòa mình với thiên nhiên và gặp gỡ nhiều bạn mới", Duy nói.
Cũng vì thế, anh chọn những nơi phong cảnh đẹp, vắng vẻ và dựng lều nghỉ qua đêm. Hành trình được chuẩn bị kỹ từ địa điểm dừng chân tới kinh phí. Tuy vậy, 3 người chỉ mới rong ruổi được một tuần qua Gia Nghĩa (Đắk Nông), Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Buôn Đôn (Đắk Lắk) thì đành bỏ ngang.
Để đảm bảo an toàn, anh ở lại homefarm của người quen tại Buôn Đôn khoảng một tháng chờ ổn định và tiếp tục di chuyển. Từng tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, Duy tranh thủ giúp đỡ công việc trồng trọt của anh chị, mỗi ngày đều lên rẫy dọn cỏ, trồng cây.
Sau đó, nhóm chọn Đà Lạt làm điểm đến tiếp theo và đã ở đây hơn 2 tháng vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Sống chậm ở Đà Lạt
Thời gian này, 3 chàng trai kết thân với 2 người bạn nữa và cùng đi cắm trại, khám phá vài địa điểm mới, hấp dẫn như đồi thông khu Mê Linh, hồ Suối Vàng, cầu La Bá, đường hầm Hỏa Xa… Lúc đó, Đà Lạt chưa có lệnh giãn cách nhưng du khách khó trở về TP.HCM vì các tuyến xe đã ngừng hoạt động.
Nhóm thuê một căn homestay kiểu biệt thự nhỏ gần trung tâm, mức giá khá rẻ trong mùa dịch. Nhà có phòng khách, nhà bếp, 3 phòng ngủ, chỗ tập thể dục và một chú chó fox thân thiện.
Để tiết kiệm chi phí và hạn chế tiếp xúc bên ngoài, 5 người chia nhau mua thực phẩm, nấu nướng. Các bữa ăn tự chuẩn bị có phần vụng về, không trau chuốt về hình thức nhưng luôn vui vẻ và ý nghĩa.
Những ngày sống chậm ở Đà Lạt giúp Duy cải thiện cơ thể. Anh tập làm quen với cách sống khoa học hơn sau nhiều năm đi làm, ăn uống vội vàng, không kiểm soát. Một ngày của Duy thường bắt đầu từ 6h sáng, tập thể dục, nấu ăn, sản xuất và chỉnh sửa video, thỉnh thoảng chăm cây ở sân vườn.
Duy hào hứng cho biết mình đã học được cách nhìn trời đoán thời tiết, nhớ tên và thành thạo những con đường ở thành phố sương mù.
Dịch bệnh xa nhà khá buồn vì phải để ba mẹ lo lắng. Song, trải nghiệm mấy tháng qua với anh là không điều gì đánh đổi được. Đó là những điểm đến ấn tượng, người bạn mới gặp trên đường...
"Không khí ở đây khiến tâm trạng và cuộc sống của tôi cũng nhẹ nhàng hơn hẳn. Đặc biệt những ngày sắp vào thu này, Đà Lạt khoác lên mình màn sương lãng đãng buổi sáng sớm đáng để tận hưởng", Thanh Duy nói.
Hơn 2 tháng mắc kẹt, Duy nhận ra mình thích vùng đất này. Anh chia sẻ ý định sinh sống lâu dài và tìm một công việc phù hợp tại phố núi.