Chàng trai hoảng hốt khi biết món đồ trên tay là 'kẻ giết người đẹp nhất đại dương'
Một chiếc vỏ ốc sặc sỡ, tưởng chừng chỉ là món quà từ biển khơi nhưng lại suýt cướp đi mạng sống của một chàng trai người Úc.
Vào tháng 3 năm 2021, tại bãi biển bang Queensland, Úc, chàng trai 17 tuổi tên Jono đã có một trải nghiệm kinh hoàng.
Trong khi dạo chơi và tìm kiếm những chiếc vỏ ốc đẹp, cậu bé đã tình cờ nhặt được một chiếc vỏ ốc xoắn hình nón. Chiếc vỏ này nổi bật với màu sắc sặc sỡ và hoa văn tinh xảo, tựa như một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng.

Hào hứng với phát hiện này, Jono đã cầm chiếc vỏ lên bằng tay trần mà không hề hay biết rằng, cậu đang nắm giữ một trong những sinh vật độc nhất hành tinh.
Khi đăng hình chiếc vỏ ốc lên mạng, một dòng bình luận lạnh gáy xuất hiện: “Cậu đang cầm cái chết trong tay đấy”
Sinh vật đẹp như mơ nhưng nguy hiểm
Chiếc vỏ mà Jono nhặt được thuộc về loài ốc nón dệt (Conus textile), một thành viên trong họ ốc nón (Conidae), được mệnh danh là “kẻ giết người đẹp nhất đại dương”. Loài sinh vật này sống chủ yếu ở vùng biển nhiệt đới và á nhiệt đới, ẩn mình dưới lớp cát hoặc rạn san hô.
Mặc dù phần vỏ ốc đã trống rỗng không gây hại nhưng nếu bên trong vẫn còn phần thịt sống, người chạm vào có thể gặp nguy hiểm. Cụ thể, ốc có thể phóng ra một vòi nhỏ giống như kim tiêm, đâm xuyên qua da và tiêm nọc độc thần kinh cực mạnh.

Một con ốc nón còn sống, có đuôi ở phía bên phải.
Nọc độc của ốc nón chứa hàng trăm loại conotoxin, nhóm độc tố tấn công vào hệ thần kinh, gây tê liệt cơ bắp, khó thở và tử vong do ngừng hô hấp. Các nhà khoa học đã ghi nhận ít nhất 36 ca tử vong do ốc nón, trong đó 5 trường hợp là do loài ốc nón dệt gây ra. Vì tốc độ tử vong nhanh đến mức có người ví von: “Bị đốt bởi ốc nón, bạn chỉ kịp hút điếu thuốc cuối cùng”.
Vào năm 1935, tại Queensland, Charles Hugh Garbutt đã phát hiện một chiếc vỏ ốc nón (Conus geographus), loài ốc nón được biết đến với nọc độc mạnh nhất trong họ ốc nón.

Conus geophytes với mõm dài.
Ban đầu, ông không cảm thấy gì nghiêm trọng nhưng chỉ vài phút sau, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện như tê liệt tay chân, mờ mắt, khó thở. Dù được đưa đi cấp cứu, ông đã qua đời chỉ sau 2–3 giờ vì suy hô hấp do độc tố gây ra. Vỏ ốc gây chết người của ông hiện vẫn đang được trưng bày tại Bảo tàng Queensland.
Nọc độc mạnh gấp hàng chục lần rắn hổ mang
Ốc nón sử dụng một cái “vòi phóng” như phi tiêu nhỏ để tiêm độc vào con mồi, thường là cá bơi nhanh. Để hạ gục con mồi chỉ trong nháy mắt, chúng phát triển nọc độc với hơn 200–300 loại chất độc khác nhau.
Thí nghiệm trên chuột cho thấy độc tính (LD50) của ốc nón chỉ từ 0.012–0.03 mg/kg, tương đương với rắn taipan nhỏ, sứa hộp và gấp 30–80 lần bạch tuộc đốm xanh.
Bất ngờ thay, từ chính chất độc của ốc nón, các nhà khoa học đã chiết xuất thành công một loại thuốc giảm đau mang tên Ziconotide, hoạt chất chính trong thuốc Prialt, được FDA (Mỹ) cấp phép năm 2004.

Mẫu vật ốc nón chết người được lưu trữ trong viện bảo tàng.
Ziconotide không gây nghiện như morphine nhưng có hiệu quả gấp 1.000 lần, mở ra hướng đi mới trong điều trị đau mãn tính, đau ung thư và đau thần kinh.
Trở lại với Jono, cậu thiếu niên may mắn không bị đốt bởi con ốc vì nó đã chết khi bị sóng đánh lên bờ. Tuy nhiên, nếu đó là ốc còn sống, chỉ một cú chạm nhẹ có thể khiến cậu trở thành nạn nhân tiếp theo trong danh sách tử vong.
Đối với các nhà sưu tập, du khách hay thợ lặn, hãy luôn đeo găng tay khi nhặt vỏ ốc, không bao giờ chạm tay trần vào ốc sống và tuyệt đối tránh xa những sinh vật biển mà bạn không biết rõ.