Chàng trai khiếm khuyết và thế giới xe mô hình

Chúng tôi tìm đến nhà em Lê Tấn Phát (sinh năm 2004, ngụ ấp Mỹ Giang, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn), thanh niên bị bệnh câm, điếc bẩm sinh, được xóm làng yêu quý bởi tài năng chế tạo 'siêu xe' mi-ni một cách sáng tạo...

Mãi mê “tân trang” lại chiếc xe đạp cũ mua lại từ tuần trước để bán kiếm đồng lời, Phát không hay chúng tôi đến thăm, bởi em không nghe, cũng không nói được. Tất cả, chỉ nhờ vào sự “ra dấu” trợ giúp từ bà nội, là bà Nguyễn Thị Lệ Hoa (sinh năm 1957). “Từ khi sinh ra, Phát đã có những biểu hiện lạ, không nghe và không nói được. Khám tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ cho biết, cháu bị bệnh câm, điếc bẩm sinh, không thể chữa trị. Gác đi nỗi buồn, gia đình cố gắng chăm lo cháu thật tốt. Lớn lên, thấy cháu có năng khiếu vẽ, cả nhà rất mừng và luôn tạo điều kiện để khám phá bản thân qua từng nét vẽ. Song, biến cố gia đình ập đến, cha mẹ cháu ly hôn, mẹ bỏ đi, cha buồn quá cũng đi lập nghiệp xứ người, đến lễ, Tết mới về thăm con. Nhiều năm nay, chỉ có 2 bà cháu tôi nương tựa nhau nơi miền quê này” - bà Hoa chia sẻ.

Bà Hoa cho biết, có lẽ nhờ xem trên mạng xã hội mà Phát bắt đầu có hứng thú, đam mê chế tạo mô hình. Từ những ống nhựa cứng, những mảnh gỗ vụn, qua đôi bàn tay khéo léo của em, những chiếc xe mô hình sống động dần hình thành. Ban đầu, gia đình chỉ nghĩ đó là sở thích nhất thời, nhưng khi nhìn thấy những chiếc xe mô hình hoàn chỉnh, ai cũng rất ngạc nhiên. Thế là 4 năm nay, Phát say mê với việc “chế” xe mô hình. Mỗi chiếc xe mô hình của Phát đều mang một dấu ấn riêng. Có những chiếc Cup 50, Cup 70 nhỏ nhắn, năng động, có những chiếc xe Dream mang vẻ đẹp hoài cổ, cả những chiếc môtô phân khối lớn đầy mạnh mẽ và còn rất nhiều mẫu xe khác nữa...

Phát tự tìm tòi, chế tác xe mô hình với khả năng đặc biệt

Phát tự tìm tòi, chế tác xe mô hình với khả năng đặc biệt

Để hoàn thành một chiếc xe, Phát khó nhọc ra dấu cho biết phải mất khoảng 4 ngày, thậm chí cả tuần miệt mài sáng tạo mới hoàn thành sản phẩm. Khoảng sân nhỏ trước nhà trở thành “công xưởng” để em chế tác, với những dụng cụ đơn giản như kéo, kềm, giấy nhám. Theo lời bà nội Phát, ngày 2 buổi sáng - chiều, cậu đều chăm chỉ với công việc... chế tạo xe mô hình. Thói quen của Phát là làm một loạt nhiều chiếc xe cùng loại. Sau khi tạo khung, làm sườn thì sẽ gắn yên xe và các chi tiết nhỏ khác, sau cùng là sơn màu theo ý thích và gắn biển số xe...

Mỗi chiếc xe mô hình của Phát đều mang một câu chuyện riêng. Có chiếc xe được làm từ những mảnh nhựa màu xanh dương, gợi nhớ đến màu của biển cả. Có chiếc xe khác lại được phối màu tươi sáng, thể hiện sự hồn nhiên và trong sáng của tuổi trẻ. Những chiếc xe của Phát không chỉ đẹp mắt, mà còn rất chân thực, đến nỗi nhiều người lầm tưởng đó là những chiếc xe đồ chơi thật. Dù không thể giao tiếp bằng lời nói, nhưng Phát đã tìm thấy cách để thể hiện bản thân thông qua những tác phẩm nghệ thuật của mình.

Xe mô hình do Phát chế tạo

Xe mô hình do Phát chế tạo

Xe mô hình của Phát được người quen giới thiệu, từ đây Phát càng có thêm nghị lực để chế tạo thêm nhiều sản phẩm đẹp. Với giá bán từ 300.000 - 500.000 đồng/chiếc, những tác phẩm đã tìm được đường đến với người yêu thích xe mô hình. Dù chưa được biết đến rộng rãi, nhưng Phát luôn tin một ngày nào đó, xe mô hình của mình sẽ đến với nhiều người đam mê. Mỗi chiếc xe được bán ra không chỉ mang lại niềm vui cho người mua, mà còn giúp Phát có thêm động lực để tiếp tục sáng tạo.

Trưởng ban Nhân dân ấp Mỹ Giang (xã Thoại Giang) Trần Hoàng Giang cho biết: “Lê Tấn Phát là một cậu bé đặc biệt với đôi bàn tay khéo léo và một tâm hồn tràn đầy sáng tạo. Mặc dù gặp phải những khó khăn, khiếm khuyết về thính giác và ngôn ngữ nhưng Phát vẫn luôn tìm thấy niềm vui trong việc chế tác những chiếc xe mô hình từ những vật liệu tưởng chừng như vô dụng. Ngoài ra, để có thêm thu nhập, Phát còn mày mò sửa xe đạp, vá xe tại nhà với giá “lấy công làm lời” nên được nhiều người ủng hộ. Chúng tôi đang tạo trang cá nhân cho Phát trên các nền tảng mạng xã hội, giúp em giới thiệu sản phẩm đến với nhiều người hơn. Đồng thời, hỗ trợ trưng bày, quảng bá xe mô hình của Phát tại các sự kiện do địa phương tổ chức”.

Nhìn Phát cẩn thận cắt, uốn, mài từng chi tiết nhỏ, từ bánh xe, đèn pha, cho đến những đường nét tinh xảo trên thân xe...., hàng xóm muốn học nghề, nhưng không thể làm theo được. Ai cũng cảm nhận trong từng sản phẩm Phát làm ra là cả tinh thần lạc quan và nghị lực vượt khó. Dù gặp phải những khó khăn, em vẫn luôn giữ vững niềm tin vào bản thân và không ngừng sáng tạo.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chang-trai-khiem-khuyet-va-the-gioi-xe-mo-hinh-a408112.html