Chàng trai người Thái đam mê nghiên cứu chữ viết của dân tộc
Mới đây, chúng tôi có dịp gặp Sầm Công Danh (28 tuổi) khi anh đang miệt mài nghiên cứu ngôn ngữ, chữ viết của người Thái Dọ, một nhánh của dân tộc Thái ở Việt Nam.
Là người con của đồng bào dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở bản Đồng Minh, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), ngay từ khi còn là học sinh, Sầm Công Danh luôn đam mê nghiên cứu ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình. Đến nay, Danh đã có nhiều bài báo và bài nghiên cứu thuyết trình tại các hội nghị về ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Thái.

Sầm Công Danh tìm hiểu về ngôn ngữ, chữ viết của người Thái từ những người lớn tuổi.
Chia sẻ về hành trình theo đuổi đam mê nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái, Công Danh cho biết: “Trước đây, trong bản tổ chức lớp dạy chữ Thái cho người dân, thế là tôi đăng ký xin theo học. Những năm học THPT, được sử dụng máy vi tính nên tôi có cơ hội tra cứu tài liệu, tìm đọc những bài nghiên cứu về ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Thái. Càng nghiên cứu, càng tìm hiểu, tôi càng nhận ra được những điều lý thú và rất độc đáo trong văn hóa và chữ viết của đồng bào Thái”.
Từ tình yêu với văn hóa và chữ viết của dân tộc Thái, sau khi tốt nghiệp THPT, Sầm Công Danh quyết định đăng ký theo học chuyên ngành Ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cho tới bây giờ, với Công Danh, đây vẫn là quyết định cực kỳ đúng đắn. “Ngành Ngôn ngữ học đã cho tôi những “chìa khóa” khác nhau để có thể hiểu về tiếng mẹ đẻ một cách sâu sắc hơn. Khi bắt đầu học đại học, tôi biết thêm rằng các nhóm người Thái ở Việt Nam đều có chữ viết riêng, điều đó càng khiến tôi thêm hào hứng nghiên cứu và tìm hiểu. Hơn nữa, cũng vì một thực tế là có ít người trẻ hiện nay muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc, do vậy, tôi càng thấy sự lựa chọn của mình đối với con đường nghiên cứu ngôn ngữ, chữ viết của người Thái là cần thiết”, Công Danh chia sẻ.
Trong quá trình nghiên cứu chữ viết và văn hóa của người Thái, Sầm Công Danh được tiếp xúc với những cá nhân, gia đình còn lưu giữ những văn bản chữ Thái. Phần lớn họ đều rất nhiệt tình trong việc cung cấp tư liệu cho anh. Cùng với đó, anh luôn nhận được sự giúp đỡ, những lời khuyên hữu ích từ các nhà nghiên cứu đi trước trong cùng lĩnh vực. Đó là những may mắn mà theo Danh không phải người làm nghiên cứu nào cũng có được.
Chia sẻ những về dự định của mình, Công Danh cho biết, thời gian tới, anh vẫn sẽ tiếp tục thực hiện những nghiên cứu sâu hơn về ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Thái, mà trước hết là với nhóm Thái Dọ.