Chàng trai TP.HCM làm mô hình hổ Belgan giống thật khiến người trên phố hết hồn

Khi chú hổ Bengal của Đức Dự xuất hiện trong con hẻm, nhiều người giật bắn mình trước khi nhận ra đây là mô hình được làm theo tỷ lệ 1:1, giống y như thật.

Video: Quá trình tạo ra mô hình hổ Bengal theo tỷ lệ 1:1.

Nhìn dáng vẻ lững thững mà oai vệ của chú hổ đang lừ lừ tiến về phía trước, mắt chằm chằm, miệng mở ra để lộ những chiếc nanh sắc nhọn, nhiều người xem clip tưởng đây là một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo. Thật ra đó là mô hình được sản xuất hoàn toàn thủ công của anh Võ Đức Dự (sinh năm 1995, sống tại TP.HCM).

Giật mình gặp "chúa sơn lâm" trên phố

Đức Dự từng gắn bó với nghệ thuật tranh 3D và tranh phát sáng, nhưng với tinh thần luôn muốn thử thách bản thân, anh quyết định bắt tay vào chế tác mô hình động vật theo tỷ lệ thực. "Mình muốn tự đặt ra một thử thách lớn hơn khi quyết định dựng mô hình hổ Bengal theo tỷ lệ 1:1, mong tạo ra chú hổ toát lên vẻ uy nghi và sống động nhất", anh chia sẻ.

Quả thật, mỗi chi tiết trên mô hình hổ Bengal của Dự đều phản ánh sự tỉ mỉ và khéo léo. Chú hổ này cao hơn 1m, nặng khoảng 40-50kg. Anh bắt đầu bằng việc tạo hình khung xốp để định hình dáng vóc cho nó. Đây được xem là nền tảng cơ bản quyết định hình ảnh tổng thể của chú hổ.

Võ Đức Dự làm mô hình hổ với tỷ lệ 1:1 sống động như thật.

Võ Đức Dự làm mô hình hổ với tỷ lệ 1:1 sống động như thật.

Sau đó là khâu tạo hình cơ bắp bằng xi măng, công đoạn không chỉ đòi hỏi kỹ thuật tốt mà còn yêu cầu sự am hiểu về cấu trúc cơ thể động vật. Mỗi bộ phận trên thân thể hổ đều được đắp nặn bằng tay.

Khi cấu trúc cơ bản hoàn thiện, thử thách lớn nhất chính là phủ lông cho mô hình. Anh khá vất vả trong việc tìm kiếm vật liệu phù hợp nhằm tái hiện chân thực nhất hình ảnh hổ Bengal.

"Phủ lông là công đoạn tiêu tốn nhiều thời gian nhất. Mình phải thử nghiệm nhiều loại lông nhân tạo khác nhau, xem xét từ chất liệu, màu sắc đến độ dài, trước khi chọn được loại phù hợp. Nếu dán lông không đều sẽ bị lộ lớp xi măng, mà làm dày quá thì mất đi cảm giác thật. Mình dùng kéo nhỏ, lược, tông đơ y như đi cắt tóc thật để tạo độ mượt và độ chuyển giữa các vùng lông", anh chia sẻ.

Lớp lông hoàn thiện, Đức Dự chuyển sang công đoạn tô màu. Với con mắt của họa sỹ, anh tỉ mỉ pha màu và sơn phủ cẩn thận từ họa tiết lớn đến những chi tiết nhỏ nhất như mắt, miệng hổ. Mặt hổ là điểm nhấn quan trọng của mô hình, được anh chăm chút đặc biệt, từ đôi mắt sắc sảo đến cái miệng gầm gừ đều phải sống động, tái hiện chân thực sức mạnh và vẻ oai hùng của một con hổ thực sự.

Sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật giúp Võ Đức Dự tạo ra một tác phẩm hết sức ấn tượng. Anh và cộng sự hoàn thiện mô hình này trong 1 tháng với chi phí vài chục triệu đồng, chưa kể công sức.

Rất nhiều người dân đến check-in, chiêm ngưỡng mô hình hổ.

Rất nhiều người dân đến check-in, chiêm ngưỡng mô hình hổ.

Mô hình cao hơn 1m, nặng khoảng 40-50kg.

Mô hình cao hơn 1m, nặng khoảng 40-50kg.

Không ngạc nhiên khi mô hình hổ này nhanh chóng gây xôn xao cả con hẻm trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Nhiều người giật mình hốt hoảng khi bỗng nhiên nhìn thấy một chú hổ lớn đang nhe nanh, trừng mắt, dáng vẻ lững thững nhưng oai vệ ở rất gần mình. Khi nhận ra đây là hổ mô hình, ai nấy thích thú kéo đến quan sát, chạm vào "chúa sơn lâm" và trầm trồ vì quá giống thật.

Không chỉ gây sốt trong con hẻm nhỏ, hình ảnh mô hình hổ to như thật, giống như thật này còn lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Những bài đăng, video mà Đức Dự đăng tải đều thu hút lượng tương tác lớn với gần 4 triệu view và hàng nghìn bình luận. Trong video, anh còn sử dụng các hiệu ứng khiến mô hình chuyển động nên người xem không phân biệt được thật giả.

Ngoài hổ Bengal, Võ Đức Dự còn chế tác mô hình đầu sư tử treo tường cực kỳ sống động, chân thực đến từng chi tiết nhỏ, từ đôi mắt uy nghi, chiếc bờm bồng bềnh đến thần thái vừa tĩnh lặng vừa oai vệ.

Nhiều người hỏi giá, tuy nhiên Đức Dự cho biết anh quyết định chưa bán tác phẩm của mình: "Mình dự định sẽ trưng bày nó tại xưởng vẽ mới để khách hàng có thể chiêm ngưỡng. Đây cũng là tác phẩm đầu tay về một con vật như thật, nên tôi muốn giữ lại làm kỷ niệm".

Mô hình đầu sư tử gắn tường đầy ấn tượng.

Chàng trai 'phù phép' những bức tường

Từng theo học ngành thiết kế tại Hà Nội nhưng Đức Dự quyết định đổi hướng, theo đuổi đam mê vẽ tranh 3D. Anh chưa từng được đào tạo chính quy về hội họa. Vào TP.HCM, Dự tự mình nghiên cứu, tìm tòi qua sách báo và các nguồn tài liệu trên mạng để nâng cao tay nghề, tham gia các hội nhóm mỹ thuật để học hỏi từ thực tế.

Những ngày đầu lập nghiệp tại thành phố lớn, chàng trai miệt mài vẽ đến quên ăn quên ngủ.

"Trước đây, cha mẹ và họ hàng ở quê nhà Đắk Lắk không hiểu rõ nghề tôi đang làm, mọi người muốn tôi làm một nghề ổn định. Tôi đã dành nhiều năm nỗ lực để gia đình hiểu rõ nghề của mình. Thời điểm đó tôi có thể tập vẽ cả ngày mà không biết mệt vì xác định nghệ thuật là đam mê và bắt đầu chinh phục nó", Dự nhớ lại.

Tranh tường 3D phát sáng do Đức Dự vẽ.

Tranh tường 3D phát sáng do Đức Dự vẽ.

Tranh rồng rồng dài 14m mình vẽ trên vải coton.

Tranh rồng rồng dài 14m mình vẽ trên vải coton.

Bước ngoặt đến với Dự vào năm 2014 khi anh đang ngồi nghiên cứu tư liệu trong một quán cà phê. Chủ quán biết đến đam mê của anh và đề nghị Dự vẽ một bức tranh phong cảnh quê hương trên tường. Dù bức tranh không quá ấn tượng về mặt kỹ thuật, nó giúp Dự nhận được những lời động viên quý giá, thúc đẩy sự tự tin để tiếp tục hướng đi đã chọn.

Dự cho biết, quy trình làm tranh 3D gồm các khâu lên ý tưởng, thiết kế, xử lý hiện trạng của bức tường, dựng hình, lên màu, phủ keo bảo vệ, tất cả đều cần sự chuyên tâm và kỹ năng. Bức tranh 3D hoàn chỉnh phải có chiều sâu, phối cảnh rõ ràng và tỷ lệ chuẩn để tạo nên sự sống động, chân thực nhất. Tùy vào diện tích và độ phức tạp, thời gian hoàn thiện một bức là từ vài ngày đến cả tháng, chi phí dao động từ 500 nghìn - 2,5 triệu đồng mỗi mét vuông.

Dưới bàn tay của chàng trai Đắk Lắk, những bức tường cũ kỹ, những chiếc cửa cuốn khô khan biến thành khung cảnh 3D sống động khiến nhiều người đi qua phải dừng chân chiêm ngưỡng.

Một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của anh là tranh 3D vẽ trên cửa cuốn kết hợp với gốc hoa giấy trước cổng. Tác phẩm này thu hút hơn 8 triệu lượt xem trên mạng xã hội, cùng vô số lời khen ngợi về sự tinh tế và khéo léo trong từng nét vẽ. Mỗi khi cửa cuốn được hạ xuống, bức tranh trở thành tâm điểm chú ý của bất cứ ai đi ngang qua.

Vẽ tranh 3D trên cửa cuốn khó hơn trên tường vì chất liệu là sắt thép, Dự phải đặt sản xuất loại loại sơn đặc biệt cho chất liệu này.

Dưới bàn tay của Võ Đức Dự, những bức tường cũ kỹ hay những chiếc cửa cuốn khô khan biến thành tranh 3D sống động.

Dưới bàn tay của Võ Đức Dự, những bức tường cũ kỹ hay những chiếc cửa cuốn khô khan biến thành tranh 3D sống động.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề, số tranh 3D anh vẽ nhiều không thể nhớ hết. Anh còn từng vẽ và chuyển tranh 3D cho nhiều khách hàng ở nước ngoài, chẳng hạn chủ các quán ăn hay tiệm nail ở Mỹ.

Video: Tranh 3D vẽ trên cửa cuốn nhận được hơn 8 triệu lượt xem.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chang-trai-tp-hcm-lam-mo-hinh-ho-belgan-giong-that-khien-nguoi-tren-pho-het-hon-ar943338.html