Chàng trai 'vác tù và' môi trường với dự án ống hút tre và sản phẩm từ sợi rơm lúa mạch

Khi bắt tay vào làm các dự án về môi trường mình đều xác định sẽ rất khó khăn. Khó nhưng phải có người làm, mình chọn làm. Không đặt kỳ vọng lợi nhuận, mà mong muốn sẽ dần thay đổi thói quen tiêu dùng. Đến thời điểm hiện tại những người xung quanh mình đã dần 'tử tế' với môi trường đó chính là lợi nhuận lớn nhất mình có được.

Nguyễn Tấn Lộc (SN 1983, Hải Châu, Đà Nẵng) tốt nghiệp đại học một chuyên ngành về kỹ thuật nhưng anh lại dành cả tuổi trẻ của mình cho những dự án môi trường phi lợi nhuận. “Không làm được việc gì to lớn cho xã hội thì mình làm những việc nhỏ, thiết thực, nhiều việc nhỏ gộp lại nó thành việc lớn”, xuất phát từ quan điểm khác biệt như vậy, anh Lộc bắt tay vào thực hiện những dự án môi trường, ví dụ như dự án thu gom pin cũ mà anh là một trong những người tiên phong thực hiện tại TP. Đà Nẵng.

Bộ sản phẩm ống hút tre của dự án EcoLution

Bộ sản phẩm ống hút tre của dự án EcoLution

Ấp ủ những dự án về môi trường nơi mình sinh sống, TP. Đà Nẵng – thành phố môi trường, anh Lộc quyết định theo đuổi “tham vọng” thay đổi thói quen tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần của người tiêu dùng với dự án EcoLution (Hệ sinh thái).

Anh Lộc cho rằng muốn chống rác thải nhựa phải nắm được 3 yếu tố chính thứ nhất là hiểu rõ bản chất, thông tin về nhựa, trong đó, tiếp cận dưới góc độ rác thải nhựa nguy hại và “đầu độc” môi trường do con người lạm dụng đồ nhựa dùng một lần; thứ hai, yếu tố kiên quyết là chuyển biến ý thức và thay đổi thói quen của người tiêu dùng; và thứ 3 là phải có sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa.

Dự án EcoLution chia làm 2 phần gồm thay đổi thói quen tiêu dùng đồ nhựa dùng một lần, trong đó, lấy giới trẻ làm trung tâm thay đổi thói quen sử dụng ống hút nhựa; và đưa sản phẩm thân thiện với môi trường đến gần với người tiêu dùng với sản phẩm đồ tiêu dùng bằng sợi rơm lúa mạch.

Chọn giới trẻ là đối tượng tiếp cận đầu tiên trong chiến dịch “tử tế với môi trường”, anh Lộc cho biết giới trẻ chính là tương lai của đất nước, của toàn cầu. Người trẻ cũng là đối tượng nhiệt huyết và tạo hiệu ứng lan tỏa thông điệp nhanh, mạnh mẽ nhất.

Quan sát các bạn trẻ, anh Lộc nhận thấy nhu cầu sử dụng ống hút của đối tượng này là vô cùng lớn. Mua 1 ly nước cầm đi sẽ có một ly nhựa, một nắp nhựa, một ống hút nhựa và một túi nilon đựng. Tất cả 4 sản phẩm nhựa này đều là nhựa dùng một lần.

“Làm sao phải có ống hút thay thế ống hút nhựa, có độ bền có thể sử dụng nhiều lần, giá cả phải chăng và quan trọng nhất là thân thiện với môi trường”, suy nghĩ về điều đó, anh Lộc chọn khởi nghiệp với ống hút tre.

Tre lồ ô có vòng đời từ khi trồng đến thu hoạch làm ống hút vào khoảng 8 – 10 tháng, sau khi thu hoạch xong lại trồng trở lại. Hiện tại dự án đang ở giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm nên nguồn nguyên liệu anh Lộc sử dụng tạm thời ở Thanh Hóa. Anh Lộc đang tìm hiểu, nghiên cứu để xây dựng vùng nguyên liệu tại TP. Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam) khi dự án chính thức đi vào hoạt động ổn định.

Bộ sản phẩm ống hút tre gồm 3 loại ống hút với các kích cỡ khác nhau cùng 1 cọ rửa. Để tạo tính lan tỏa sản phẩm, dự án đã thực hiện phát miễn phí ống hút cho các bạn học sinh sinh viên như trường ĐH Ngoại Ngữ, Trường SIS (Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng). Sau hơn 3 tháng khởi nghiệp với ống hút tre, đã có hơn 1.200 bộ ống hút được phát miễn phí.

Anh Lộc cho biết, lợi nhuận của dự án ống hút ở thời điểm hiện tại là bằng 0 về vật chất, nhưng lại có giá trị rất lớn về tinh thần. “Giá trị của sản phẩm ống hút tre khi bạn cầm vào một quán nước, một quán trà sữa nó không phải là giá trị tiền bạc mà nó là giá trị về ý thức”.

Anh Nguyễn Tấn Lộc giới thiệu những sản phẩm từ sợi rơm lúa mạch, thân thiện với môi trường, có khả năng chịu nhiệt từ âm 20 độ C đến 130 độ C và có thể để trong lò vi sóng

Anh Nguyễn Tấn Lộc giới thiệu những sản phẩm từ sợi rơm lúa mạch, thân thiện với môi trường, có khả năng chịu nhiệt từ âm 20 độ C đến 130 độ C và có thể để trong lò vi sóng

Bên cạnh dự án ống hút nhựa, anh Lộc và cộng sự tích cực đưa các sản phẩm thân thiện với môi trường tiêu dùng hàng ngày như những chai nước, bình nước, bình nước, lược chải đầu, box đánh răng đến với người tiêu dùng. Các sản phẩm của EcoLution được tạo lên bởi thành phần chủ yếu là sợi rơm lúa mạch, và có một phần rất nhỏ là nhựa sinh học để tạo chất kết dính (nhựa số 5 PP, chịu nhiệt tốt nhất, có thể phân hủy sau khi không sử dụng nữa).

Các sản phẩm tiêu dùng của EcoLution có thể chịu khả năng chịu nhiệt từ âm 20 độ C đến 130 độ C, có thể đặt trong lò vi sóng, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Sản phẩm đã được cấp chứng nhận của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và chứng nhận an toàn của Thụy Sĩ (SGS). “Hiện tại ở Việt Nam mới có rất ít các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa mà thân thiện với môi trường mà đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn thực phẩm như sản phẩm của Eco Lution, mình kỳ vọng các sản phẩm này từ sợi rơm lúa mạch có thể đến gần hơn với người tiêu dùng”.

Ống hút được phát miễn phí cho các bạn học sinh, sinh viên để tạp tính lan tỏa thông điệp "nói không với ống hút nhựa dùng một lần"

Ống hút được phát miễn phí cho các bạn học sinh, sinh viên để tạp tính lan tỏa thông điệp "nói không với ống hút nhựa dùng một lần"

Chia sẻ về khó khăn khi khởi nghiệp với các dự án về môi trường, anh Lộc cho biết khi xác định gắn bó đã xác định độ rủi ro rất cao. Vì các sản phẩm khởi nghiệp đều là sản phẩm mới chưa mấy người biết đến. “Người ta kinh doanh vẫn còn nặng tính lợi nhuận nên họ thường chọn sản phẩm nào chi phí thấp nhất, nhiều của hàng vẫn chọn ống hút nhựa phục vụ khách chứ chưa sử dụng sản phẩm thay thế, ví dụ như ống hút tre. Hay như sản phẩm từ sợi rơm lúa mạch, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ là nhựa sinh học có thể phân hủy được, nhưng nhiều người khi nghe nói có thành phần là nhựa thì lại e dè, nghĩa là, họ chống rác thải nhựa nhưng chưa hiểu, chưa biết những thông tin cơ bản về nhựa”, anh Lộc nói và cho biết thêm “Thay đổi thói quen tiêu dùng của mọi người là một điều cực kỳ khó khăn. Ngay ban đầu mình đã xác định là cố gắng làm sao để cho hoàn vốn. Mình thực hiện các dự án về môi trường mà mọi người tiếp nhận sản phẩm của mình, sử dụng sản phẩm của mình thì đó đã là một thành quả. Cái chính là mình là được một cái gì đó cho xã hội. Còn lợi nhuận thì mình cũng mong muốn, nếu có thì tốt còn nếu không có thì mình cũng vui”.

Nhiều khó khăn là vậy, nhưng anh Nguyễn Tấn Lộc vẫn lạc quan bởi tâm niệm rằng "khi bắt tay vào làm thì làm bằng chính cái tâm của mình. Chắc chắn là khó khăn, nhưng khó khăn cũng phải có người làm. Bước đầu cũng đã có những hiệu quả nhất định, những người xung quanh mình bây giờ cũng dần thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đó là lợi nhuận lớn nhất bây giờ mình có”. Anh Lộc cho hay, sắp tới anh và các cộng sự vẫn sẽ tiếp tục tặng ống hút tre cho các bạn sinh viên. Những bạn nào có tâm với môi trường anh sẽ “lôi kéo” vào dự án để cùng tạo tính lan tỏa cho sản phẩm. Đối với những sản phẩm từ sợi rơm lúa mạch, nhóm EcoLution cho biết vẫn sẽ tiếp cận, cần mẫn làm việc để giải thích, mưa dầm thấm lâu, để mọi người thay đổi thói quen. TP. Đà Nẵng – thành phố môi trường và TP. Hội An – Thành phố du lịch sẽ là thị trường trọng điểm nhóm dự án sẽ hướng đến “chinh phục”.

Khách du lịch tìm đến để mua sản phẩm của dự án

Khách du lịch tìm đến để mua sản phẩm của dự án

“Mong muốn lớn nhất của mình và các bạn trong dự án là ngày càng có nhiều người sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham vọng hơn nữa là dùng sản phẩm ống hút tre và sản phẩm từ sợi rơm lúa mạch của dự án”, anh Lộc bộc bạch.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chang-trai-vac-tu-va-moi-truong-voi-du-an-ong-hut-tre-va-san-pham-tu-soi-rom-lua-mach-127228.html