Chàng trai viết thơ, vẽ tranh... bằng miệng trở thành diễn giả truyền cảm hứng
Sau sự cố ngã cây, chàng trai bị liệt toàn thân. Không ngại khó khăn, bằng nghị lực, ý chí 'tuy tàn nhưng không phế' chàng trai đã tự học, tự viết… bằng miệng. Với những nỗ lực của mình anh trở thành diễn giả truyền cảm hứng cho những người cùng cảnh ngộ.
Chàng trai trẻ mà chúng tôi muốn nói đến là anh Phạm Sỹ Long (SN 1988, ở thôn Hợp Thuận, xã Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Số phận nghiệt ngã
Pham Sỹ Long là con trai duy nhất trong gia đình thuần nông, có 4 anh em. Với tố chất thông minh, nhanh nhẹn, anh là niềm hy vọng của bố mẹ, người thân. Nhưng rồi cuộc đời trớ trêu khi một tai nạn bất ngờ ập đến khiến anh bỏ lỡ những ấp ủ, hoài bão của mình.
Vụ tai nạn xảy ra vào năm 2003 đã khiến cuộc đời cậu bé Hà Tĩnh thay đổi hoàn toàn. Anh Long kể, trong lúc đi chăn bò phụ giúp bố mẹ, vì tuổi trẻ hiếu động nên anh trèo cây không may bị ngã rơi xuống đất. Đi bệnh viện, bác sĩ kết luận, anh bị gãy 2 đốt sống cổ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có tiền để mổ kịp thời.
Sau gần một tuần gia đình vay mượn được tiền để phẫu thuật thì đã quá muộn. Dù vào viện nào thì sau khi thăm khám, gia đình cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu tuyệt vọng từ đội ngũ y, bác sĩ. Kể từ đó, Long bị liệt hoàn toàn, nằm bất động một chỗ. Từ một cậu bé hiếu động, anh trở thành gánh nặng cho gia đình. Cũng từ đây, chiếc xe lăn trở thành người bạn tri kỷ của anh.
Bị bại liệt nên mọi sinh hoạt của anh Long đều phải phụ thuộc vào người thân. Suốt mấy năm ròng nằm một chỗ, chỉ ăn ngủ và xem ti vi cũng khiến chàng trai tật nguyền này chán nản. Quãng thời gian anh nằm một chỗ, sinh hoạt khó khăn, mọi việc đều do chính bàn tay người mẹ gánh vác.
Trong một lần xem tivi, thấy người khuyết tật viết bằng chân, anh Long đã ước mình cũng có thể viết được. Người ta không có tay thì viết bằng chân, còn anh liệt cả tay lẫn chân thì viết bằng miệng. “Nghĩ là làm, tôi nhờ mẹ lấy sổ, bút để tập ngậm vào miệng và viết. Lúc đó, mọi người đều nghĩ tôi đang mơ mộng viển vông. Với quyết tâm của mình, tôi đã bắt đầu viết được những nét chữ đầu tiên", Long chia sẻ.
Bà Trần Thị Hà (SN 1959, mẹ anh Long) tâm sự: "Lúc mới học viết Long chỉ có thể uống nước cháo loãng vì miệng đau do ngậm bút quá nhiều. Mặc dù vậy Long không hề nản chí. Nhiều lúc thương con, nhưng thấy con quyết tâm nên đành động viên con cố gắng".
Theo anh Long, thời điểm mới học rất khó khăn, phải gần 2 năm anh sau mới viết thành thạo. Nhiều khi miệng đau, cổ mỏi rã rời nhưng Long vẫn cố tập. Những con chữ dần dần gọn gàng hiện trên tờ giấy trắng. Nhờ có ý chí, nỗ lực của bản thân và những bạn bè xung quanh, cuối cùng Long đã có thể viết tốt.
"Thời gian đầu học viết chữ bằng miệng, tôi không thể ăn được cơm vì miệng sưng phồng. Sau hơn 1 tháng rèn luyện thì miệng quen dần, viết chữ cũng bắt đầu nhanh hơn và không còn đau nữa", anh Long chia sẻ.
Nói về những khó khăn của bản thân, Phạm Sỹ Long cho biết, trở ngại lớn nhất của anh là vấn đề vệ sinh cá nhân, bởi anh không tự chủ được.
Không chỉ dừng lại ở tập viết, tập vẽ, Phạm Sỹ Long bắt đầu nghĩ đến việc làm thơ, viết truyện ngắn. Năm 2010, anh Long bắt đầu viết cuốn hồi ký bằng miệng dài gần 800 trang về cuộc đời của mình. Năm 2013, được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, Phạm Sỹ Long đã xuất bản tập thơ “Miền khát vọng” với 32 bài thơ và năm 2020 xuất bản truyện dài “Không chỉ là giấc mơ”.
Cuộc đời anh Long nếu không có những vần thơ, những bức tranh thì chắc sẽ chuyển sang một ngã rẽ khác. Với anh lúc đó mọi thứ xung quanh đều là một màu đen tối. Anh tâm sự: "Thú thật thời gian đầu nằm một chỗ đó tôi chỉ nghĩ đến cái chết để bớt gánh nặng cho gia đình. Những ngày tháng đó tôi không bao giờ muốn nghĩ lại".
Trong vòng 3 năm, anh đã sáng tác gần 50 bài thơ về tình yêu, cuộc sống và con người. Dù thơ chưa hay, không có quy tắc, nhiều khi không vần, không niêm luật nhưng đó là nỗi lòng của anh, được viết ra từ trái tim khát khao được sống và cống hiến, với bầu nhiệt huyết đầy ắp của tuổi trẻ.
Diễn giả truyền cảm hứng
Nằm một chỗ nhưng anh Long còn tham gia các khóa luyện giọng nói, MC, đào tạo diễn giả qua mạng. Sau khi tốt nghiệp, anh tự mở khóa luyện giọng nói, đào tạo MC và thuyết trình qua mạng.
Với mong ước truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khuyết tật, anh còn mở lớp hỗ trợ cho các bạn đồng cảnh, giúp các bạn tự tin hòa nhập và có việc làm qua câu lạc bộ “Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn”.
Nhiều người tìm đến Phạm Sỹ Long không chỉ để học một số kỹ năng cơ bản trong giao tiếp, thuyết trình mà còn mong muốn được nghe anh truyền cảm hứng sống. Sự xuất hiện bất ngờ của chính những học viên trong lớp học ấy tại trường quay của chương trình "Trạm yêu thương" đã mở ra nhiều câu chuyện thú vị về chàng trai khuyết tật giàu nghị lực.
Và để trở thành một diễn giả truyền cảm hứng như bây giờ, Long đã phải mất gần nửa năm vùi đầu vào học tập và rèn luyện. Phạm Sỹ Long cho biết, trong tương lai anh sẽ tiếp tục hành trình truyền cảm hứng của mình, đặc biệt là giúp những bạn trẻ, những người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.
Đến thời điểm hiện tại, anh đã tổ chức được 9 khóa học với số lượng học viên trên 90 người. Anh Long miễn học phí cho các học viên là những người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn.
Với ý chí vượt lên nghịch cảnh, anh Phạm Sỹ Long được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2022 và vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.