Chàng trai xứ Nẫu 'đưa' ba mẹ đi khắp nước Nhật

Lê Đức Nhân (29 tuổi, xứ Nẫu - Bình Định) được biết đến là chàng trai ấm áp, vui vẻ và có nhiều tài lẻ. Không chỉ nấu ăn giỏi, anh còn vẽ tranh, trang trí nội thất. Đức Nhân sinh sống tại thị trấn Kusatsu - Gunma (Nhật Bản) trong ngành khách sạn - du lịch. Điều đặc biệt, chàng trai được biết đến nhiều hơn cả với việc đi du lịch cùng di ảnh của ba mẹ…

Lê Đức Nhân, chàng trai xứ Nẫu trên hành trình không gục ngã của mình.

Lê Đức Nhân, chàng trai xứ Nẫu trên hành trình không gục ngã của mình.

Hành trình “cõng cha mẹ lên trời”

Trên trang cá nhân “Nẫu ơi”, Nhân thường chia sẻ những chuyến đi, những câu chuyện của mình. 7 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, Lê Đức Nhân (sinh năm 1993) mang theo di ảnh của cha mẹ trên hành trình đi hết 47/47 tỉnh, thành của “xứ sở hoa anh đào”.

Năm 2014, Đức Nhân đặt chân đến Nhật Bản: “Đến giờ, mình vẫn không tin nổi bản thân đã đi du học Nhật, đã sinh sống tại đây được 8 năm. Bởi trước khi xuất ngoại, cuộc sống của mình đã trải qua nhiều biến cố với gam màu xám xịt”, Đức Nhân nói.

Năm Đức Nhân 11 tuổi, ba mẹ đều lần lượt qua đời vì tai nạn giao thông. Chỉ chưa đầy hai tháng, Nhân đã biết nỗi đau xé lòng khi hai người ruột thịt đã mãi mãi rời xa. Cuộc sống khi đó vốn đã khốn khó lại lao đao hơn gấp bội. Bố mẹ mất, 3 chị gái đều đã có gia đình riêng nên Đức Nhân được gửi đến ở nhà cậu mợ từ lớp 6 đến lớp 12.

Sau khi đã hoàn thành chương trình phổ thông, Đức Nhân được nhận vào nuôi ở Trung tâm bảo trợ xã hội và nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hướng Dương ở Bình Dương. Nhờ chăm chỉ học tập, Đức Nhân nhận được giấy báo đỗ vào Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM và tiếp đó là học bổng toàn phần của Báo Asahi (Nhật Bản).

Sang Nhật Bản, Đức Nhân theo học ngành du lịch và khách sạn quốc tế tại Trường Du lịch và Khách sạn JTB, Tokyo. Ngoài học tập tại trường, Đức Nhân phải trang trải cuộc sống bằng nhiều công việc khác nhau như phát báo, làm quán nhậu, bán mì, làm bếp,...

Nhiều năm sau đó, Đức Nhân chỉ ngủ khoảng khoảng 3-4 tiếng/ngày. Có những ngày, chàng trai phải ra khỏi nhà từ 8h sáng và trở về nhà vào 6h sáng hôm sau. Cũng có những ngày, Đức Nhân phải tranh thủ chợp mắt trong giờ nghỉ giải lao ở chỗ làm, tranh thủ học bài trên đường di chuyển trong tàu điện vì vừa học vừa làm 2-3 việc cùng lúc. Thế nhưng, Đức Nhân vẫn được trao bằng khen tỉ lệ đến lớp 100% không đi trễ hay nghỉ học dù là 1 buổi trong cả một năm học.

“Nhiều lúc, mình cảm thấy tủi thân bởi cuộc sống nơi đất khách không người thân, khi ốm khi đau phải tự mình làm hết mọi thứ. Lúc có chuyện vui, mình thường gọi về khoe với gia đình nhưng khi gặp chuyện buồn thì một mình mình giữ lấy và gặm nhấm. Cũng đã có lúc mình nghĩ rằng hay là bỏ cuộc, chấp nhận dừng lại và trở về. Nhưng những lần như thế mình lại tự hỏi lại lý do bắt đầu của bản thân là gì?”, Đức Nhân tâm sự.

Sau khi tốt nghiệp ĐH, Đức Nhân làm việc tại một khách sạn có tiếng ở tỉnh Gunma. Và không lâu sau đó, chàng trai được đề bạt làm phó quản lý bộ phận nhà hàng của khách sạn.

Ngoài mong muốn học hỏi được nhiều điều, Đức Nhân còn mang theo một ước mơ từ ngày đầu đặt chân đến Nhật Bản, đó là được đi du lịch khắp nước Nhật “cùng” bố mẹ. Đức Nhân kể, càng lớn, càng được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều người thì lại càng thấm thía hai chữ gia đình: “Khi mình nhìn thấy những gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau đi du lịch thì mình lại cảm thấy có một khoảng trống lớn trong tim. Mình nảy ra suy nghĩ sẽ mang di ảnh của bố mẹ đi khắp mọi nơi, vừa để bố mẹ thấy mình đã trưởng thành, đang sống hạnh phúc, vừa giúp mình cảm thấy bố mẹ vẫn luôn bên cạnh”.

Vậy nên, trong 8 năm sống tại Nhật Bản, Đức Nhân đã “đưa” bố mẹ đi khắp muôn nơi, đi ngắm cỏ chuyển sắc Kochia, đi tham quan Himeji - tòa lâu đài được công nhận là di sản văn hóa thế giới, ngắm tượng nàng Tatsuko tại hồ Tazawa,...

Một trong những chuyến đi khiến Đức Nhân nhớ nhất là lần “cõng” bố mẹ lên trời, chinh phục đỉnh Phú Sĩ. “Chuyến đi đó mình chỉ đi một mình chứ không có đồng đội. Khi lên gần đến đỉnh núi, trời tối đen như mực, vừa lạnh vừa mưa, thế nhưng mình vẫn quyết tâm chinh phục bằng được, vì mình tin rằng bố mẹ vẫn đang bên mình và luôn bên mình. Và cuối cùng, mình đã làm được”, chàng trai xúc động.

Sẽ trở về quê hương một ngày không xa

Trong 47 tỉnh, thành mà Đức Nhân đã đặt chân tới, Okinawa là tỉnh để lại cho anh nhiều cảm xúc nhất. Okinawa là tỉnh cực Nam của Nhật Bản. Nơi đây được mệnh danh là vua đảo vì sở hữu hàng trăm đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Ryukyu. Được thiên nhiên ưu đãi, nơi đây nổi tiếng là vùng đất của những bông hoa nhiều màu sắc, sở hữu các bãi biển nước trong xanh, bờ cát trắng.

Thế nhưng, “Điều khiến mình yêu Okinawa là vì nơi đây có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Mình cảm nhận văn hóa, cảnh vật, ẩm thực đều có gì đó rất thân thuộc. Đặc biệt, đây còn là nơi duy nhất tại Nhật Bản trồng cây chuối, loại cây mà nhìn thôi cũng khiến mình nhớ quê nhà”, Đức Nhân nói.

Mỗi một câu chuyện trong hành trình đi khắp nước Nhật cùng di ảnh bố mẹ đều được Đức Nhân cập nhật lên trang mạng xã hội như một cách lưu giữ kỷ niệm. Anh cho biết, thời gian đầu bị trầm cảm vì đọc được những bình luận tiêu cực như: “Bố mẹ nó mất đi để cho nó mấy tỉ thì nó làm gì chả được”; “Nó cầm ảnh bố mẹ nó đi để câu like đó”;...

Thế nhưng, bên cạnh những bình luận tiêu cực cũng có những lời cảm ơn, sự sẻ chia đối với câu chuyện của Đức Nhân. “Bây giờ thì mình nghĩ đó không còn là câu chuyện của cá nhân nữa, mà mình muốn chia sẻ cho mọi người và nhắn nhủ rằng hãy luôn yêu quý, kính trọng đấng sinh thành khi còn có thể. Đừng để đến một lúc nào đó khi nhìn lại, bản thân phải hối hận và nói: “Ước gì ngày đó,...”, Đức Nhân chia sẻ.

Trong ký ức của Đức Nhân thì hồi nhỏ nhà Nhân nghèo, đồ ăn, thức uống trong nhà chẳng mấy khi dồi dào nên bố mẹ đến tận lúc mất cũng chưa biết ăn ngon là gì. Bởi vậy, việc làm đồ ăn ngon của Nhân đôi khi cũng là để cổ vũ tinh thần cho chính mình, rằng bây giờ đã sống rất tốt để bố mẹ không phải lo lắng nữa. “Mình nghĩ vậy nên cái gì cũng tập cho biết để mai mốt còn phụ vợ. Mình ở một mình nhưng luôn cố gắng ngăn nắp, nhiều lúc hơi lười nhưng vẫn quyết phải nấu ăn. Và để cho cuộc sống không nhàm chán thì mình chọn Plating để làm mới những món ăn mà mọi người vẫn xem nó là bình dân trong những bữa ăn hàng ngày”.

“Mình luôn tập thói quen yêu thương bản thân, yêu những người mình cần yêu thương và yêu những điều giản dị nhất xung quanh mình. Chỉ khi nào mình thật sự hạnh phúc từ chính bên trong bản thân thì khi đó mình sẽ đủ tự tin để mang lại hạnh phúc cho người đồng hành. Vì đơn giản là những điều xuất phát từ trái tim luôn chân thành và tuyệt đẹp”…

Lê Đức Nhân viết lời chú thích cho album ảnh đặc biệt trên Facebook cá nhân, rằng “Trong cuộc đời, rồi ai cũng sẽ viết riêng cho mình một cuộc hành trình. Con trai cũng vậy. Hành trình lớn nhất của con là đưa ba má đi khắp thế gian này. Không hiện hữu nhưng vẫn luôn ở bên nhau, con trai luôn tin là như thế...”.

Nhân cho biết, anh luôn muốn chia sẻ những điều tích cực đến mọi người. Anh sống một mình, cũng hay tự tạo niềm vui cho bản thân thông qua việc nấu nướng hay decor nhà cửa. Tất cả những kĩ năng về decor, nấu ăn hay chụp ảnh đều do anh tự tìm tòi, không học qua trường lớp nào.

Anh dành riêng một góc trong nhà để trưng bày những bức ảnh về hành trình du lịch cùng ba má và thành tích học tập. Mọi thứ đều thật chỉn chu và ngăn nắp, để mỗi ngày trôi qua, anh đều vui vẻ và hạnh phúc với nó.

Quan điểm sống của Đức Nhân gói gọn trong 4 chữ: tâm, tầm, tài, tình. Anh muốn sống bằng cả trái tim, luôn đặt cho mình những mục tiêu và cố gắng nhìn xa hơn mỗi ngày, không ngừng trau dồi những kĩ năng cũng như kiến thức. Đặc biệt là luôn yêu thương mọi thứ xung quanh.

Sau khi đã đi hết 47/47 tỉnh, thành của Nhật Bản, Đức Nhân dự định sẽ trở về Việt Nam sinh sống và làm việc. Bởi với Đức Nhân, điều hạnh phúc nhất trong cuộc sống là được ở bên gia đình, được cống hiến cho quê hương…

“Nẫu ơi, đừng gục ngã”

“Và giờ đây, nhìn lại hành trình 7 năm qua, dù có nhiều cảm xúc, vui buồn đủ cả, thành công, thất bại đều có. Nhưng sau tất cả Nẫu không hề cảm thấy hối hận hay hoài nghi về lựa chọn của bản thân mình và thầm cảm ơn vì mọi thứ. Nhớ lại những ngày tháng du học, những ngày chỉ ngủ 3, 4 tiếng suốt nhiều năm liền hay những lúc ăn vội, ngủ vội trên tàu điện để đến chỗ làm thêm hay đến lớp học. Những lúc cô đơn, lạc lõng một mình những ngày lễ, tết. Những khi nước mắt lưng tròng khi đau bệnh không một ai bênh cạnh. Nhớ lại những ngày tháng trời mùa đông lạnh đến thấu xương lái xe máy phát báo giữa tuyết trắng lúc 1,2h sáng mà đến giờ vẫn còn không hiểu vì sao mình có thể vượt qua được. Hay có những lúc đi làm thêm đói bụng chỉ mong dọn bàn còn đồ ăn thừa của khách để ăn. Mọi thứ thật sự không hề dễ dàng nhưng Nẫu luôn tin vào lựa chọn của mình, cũng bởi vì thế mà bản thân đã cố gắng vượt qua...

“Nẫu ơi, đừng gục ngã” sẽ là tự truyện viết về chính cuộc đời Nẫu, cuộc đời của một cậu bé mồ côi ba má từ rất sớm, trải qua nhiều mất mát và đau thương, cậu bé ấy luôn kiên cường, nỗ lực, vượt qua nghịch cảnh để sống một cuộc đời ý nghĩa nhất có thể. Và cả hành trình mang di ảnh ba má đi khắp thế gian đầy xúc động của cậu con trai Út dành cho đấng sinh thành của mình. Nẫu mong câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng sống tích cực, sống có lý tưởng tới những mảnh đời khó khăn, bất hạnh và cả những bạn trẻ đang mất phương hướng về cuộc sống. Dẫu biết cuộc sống nhiều lúc không như ta muốn nhưng tuyệt đối đừng gục ngã. Một ngày nào đó cuốn sách này có thể xuất bản thì 100% lợi nhuận thu được sẽ dành tất cả cho thiện nguyện”…

Miên Thảo

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chang-trai-xu-nau-dua-ba-me-di-khap-nuoc-nhat-post447878.html