Chánh án TAND Tối cao báo cáo Quốc hội nhiều con số đáng chú ý về án tham nhũng
Các tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 71 vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền và tài sản trên 32.399 tỷ đồng. Trong đó có 50 vụ với 243 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản trên 30.321 tỷ đồng.
Theo báo cáo về công tác tòa án (từ ngày 1/10/2024 đến ngày 31/3/2025) tại kỳ họp thứ 9, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết nhiều thông tin đáng chú ý trong công tác thụ lý, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ.
Án tham nhũng: Thụ lý gần 3.400 vụ, xét xử 2.216 vụ
Cụ thể, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 3.399 vụ với 8.297 bị cáo; đã xét xử 2.216 vụ với 4.620 bị cáo. So với cùng kỳ năm 2024, thụ lý tăng 537 vụ với 1.846 bị cáo, xét xử tăng 306 vụ với 866 bị cáo.
Số vụ thụ lý theo thủ tục phúc thẩm là 878 vụ với 2.116 bị cáo, đã xét xử 448 vụ với 1.179 bị cáo. Số vụ thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là 12 vụ với 21 bị cáo, đã xét xử 2 vụ với 6 bị cáo.
Theo nhận định của Tòa án nhân dân tối cao, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế…

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Quốc hội
Các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ mà tòa án đã xét xử chủ yếu phạm các tội về “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”...
Các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung.
Các Tòa án đã tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước đối với những khoản tiền nhận hối lộ, được hưởng lợi từ việc phạm tội hoặc phải bồi thường, khắc phục hậu quả đối với những khoản tiền bị thất thoát, chiếm đoạt.
Cụ thể, đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 71 vụ với 336 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền và tài sản trên 32.399 tỷ đồng. Trong đó có 50 vụ với 243 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt trên 30.321 tỷ đồng.
Với các vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các tòa án đã thụ lý 1.201 vụ án với 2.373 bị cáo; đã xét xử theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm đối với 756 vụ án với 1.672 bị cáo.
Các tòa án đã phối hợp với liên ngành tố tụng ở Trung ương chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo như: vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty chè Việt Nam, Tập đoàn Thái Dương...
Kết quả, đã xử lý nghiêm nhiều vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội, được dư luận đánh giá cao.
7.029 vụ án hành chính là người bị kiện là UBND, chủ tịch cấp tỉnh, cấp huyện
Về giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các tòa án đã thụ lý 334.716 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 164.006 vụ việc; đạt tỷ lệ 49% . So với cùng kỳ năm 2024, số thụ lý tăng 19.808 vụ; giải quyết, xét xử tăng 8.847 vụ.
Thực tiễn giải quyết cho thấy, các tranh chấp dân sự chủ yếu là tranh chấp liên quan đến đất đai, thừa kế tài sản, tranh chấp hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tín dụng... Tính đến 31/3, không có vụ việc nào để quá thời hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan.
Về giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, các tòa án đã thụ lý 9.878 vụ; đã giải quyết, xét xử được 3.542 vụ; đạt tỷ lệ 35,9 % (so với cùng kỳ năm 2024, thụ lý tăng 742 vụ, giải quyết, xét xử tăng 786 vụ). Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy là 3,95% (do nguyên nhân chủ quan là 2,03%); bị sửa là 3,61% (do nguyên nhân chủ quan là 2,34%).
Trong số 9.878 vụ án hành chính đã thụ lý, có 7.029 vụ án hành chính người bị kiện là chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện; UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Các tòa án đã giải quyết, xét xử 2.360 vụ án.
Thực tiễn giải quyết cho thấy, các vụ án hành chính chủ yếu liên quan tới khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai. Quá trình giải quyết, các tòa án đã chú trọng tổ chức đối thoại giữa các bên, khắc phục triệt để việc để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tính đến ngày 31/3, không có vụ án hành chính nào để quá thời hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan. Bên cạnh đó, các tòa án đã tăng cường xét xử trực tuyến, hạn chế việc xét xử vắng mặt người bị kiện, giảm bức xúc cho người khởi kiện.