Chánh án TAND Tối cao trả lời về vụ án Vũ 'nhôm' và cựu Chủ tịch Đà Nẵng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đã đặt hàng loạt câu hỏi cho Chánh án TAND Tối cao về việc xác định giá trị tài sản của 2 vụ án liên quan đến Vũ 'nhôm' và cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh.

Vì sao không thống nhất trong xác định trị giá tài sản thiệt hại?

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 20/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng).

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) góp ý về 2 vụ án của người dân liên quan đất đai xảy ra tại thành phố Đà Nẵng trong các năm 2011, 2012.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, qua nghiên cứu đơn và các bản án, bà nhận thấy có sự khó hiểu và khó lý giải về các bản án đã tuyên.

Vụ thứ nhất là vụ Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, được Tòa án nhân dân TP Hà Nội xử sơ thẩm Bán án số 48 ngày 30/1/2019 và Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao xử phúc thẩm ngày 13/6/2019 xác định thiệt hại của vụ án là 7 tài sản của Nhà nước mua, thuê trái phép, trị giá thiệt hại của tài sản được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là năm 2010 và 2011.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã kháng nghị bản án nói trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sửa bản án theo cách xác định trị giá thiệt hại tại thời điểm khởi tố.

Vụ thứ hai là vụ Trần Văn Minh và các bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về sử dụng, quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhận thấy, trong vụ án này, cả Bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội số 20 ngày 13/1/2020 và Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội số 158 ngày 12/5/2020 lại xác định trị giá tài sản thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án, tức là thời điểm năm 2018.

Dẫn hai vụ án nêu trên, bà Thúy nhận định cả hai vụ đều được TAND TP Hà Nội và TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử, đều liên quan tới ba tài sản Nhà nước tại TP Đà Nẵng (nhà đất số 319 đường Lê Duẩn, dự án Vệt ven biển đường Trường Sa, đất công viên An Đồn cũ) nhưng lại không thống nhất trong cách xác định trị giá thiệt hại của tài sản.

"Một vụ thì trị giá thiệt hại được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, một vụ thì xác định tại thời điểm khởi tố vụ án, trong khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành quyết định giám đốc thẩm số 14 (trước thời điểm xét xử vụ án Trần Văn Minh và đồng phạm) là đã xác định thiệt hại phải được tính từ thời điểm thực hiện hành vi phạm tội", bà Thúy nói.

Theo đại biểu đoàn TP Đà Nẵng, tại phiên họp thứ 21 ngày 20/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trả lời chất vấn của bà, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã tái khẳng định "theo quy định của luật hiện hành cũng như nguyên tắc khoa học pháp lý, hậu quả của các vụ án được xác định tại thời điểm phạm tội; tất cả tình tiết khách quan, động cơ, mục đích, hành vi và ngay cả thủ đoạn cũng phải tính cùng thời điểm. Nếu mà tính hậu quả hành vi vi phạm ở thời điểm khác thì không bảo đảm tính khoa học".

Theo bà Thúy, cùng tài sản, cùng tòa án nhưng mỗi vụ án lại tùy nghi xác định thiệt hại tại một thời điểm khác nhau là trái với khoa học pháp lý và luật hiện hành "như Chánh án đã từng trả lời".

Do đó, bà Thúy đề nghị Chánh án TAND Tối cao trả lời cho đại biểu Quốc hội và cử tri được biết vì sao tòa án lại áp dụng không thống nhất việc xác định trị giá tài sản thiệt hại đối với ba tài sản Nhà nước ở hai vụ án nói trên.

Bà Thúy cũng đặt câu hỏi tới Chánh án, quyết định giám đốc thẩm số 14 khẳng định một bản án phúc thẩm đã xử đúng thì bản án phúc thẩm còn lại có xử sai quy định pháp luật về xác định trị giá tài sản thiệt hại hay không?

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Hậu quả thiệt hại phải xác định tại thời điểm phạm tội

Trả lời nội dung này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nêu các căn cứ pháp lý để xác định hậu quả vụ án phục vụ công tác xét xử.

Ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định, phải xác định hậu quả thiệt hại của hành vi phạm tội tại thời điểm xảy ra, thay vì xác định hậu quả tại thời điểm phát hiện vụ việc.

Không thể có việc hành vi, động cơ, mục đích, thủ đoạn thì xác định ở thời điểm sự kiện tội phạm xảy ra, riêng hậu quả thì lại xác định tại thời điểm phát hiện vụ việc- khởi tố. Như vậy là không công bằng.

“Ví dụ một lô đất ở năm này là 100 tỉ, sang năm lên 200 tỉ, sang năm nữa lên 300 tỉ. Đó là do thị trường, chứ không phải do hành vi phạm tội gây ra. Nếu chúng ta xác định giá trị đất tại thời điểm phát hiện thì trong thực tế sẽ có những bất cập khác”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình lấy ví dụ.

Về hành lang pháp lý, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã có nghị quyết theo yêu cầu Quốc hội, hướng dẫn tất cả các vụ án sẽ xử xác định hậu quả tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, không phải theo thời điểm phát hiện. Vì có thể hành vi phạm tội xảy ra nhưng nhiều năm sau mới phát hiện.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, những vụ án xảy ra trước khi có nghị quyết của hội đồng thẩm phán, trái với nghị quyết, không đúng sẽ phải xem xét lại.

Tuy nhiên, đối với ý kiến đại biểu đưa ra một số vụ án cụ thể, ông Bình cho biết trình tự xem xét lại các vụ án đã xác định không đúng thời điểm xác định hậu quả phải theo trình tự của luật định.

“Đại biểu có đề nghị tòa án phải làm cái này cái khác. Nhưng việc xem xét một vụ án phải theo trình tự của luật định. Tòa án không thể căn cứ ý kiến tại hội trường hay của ai đó để xem xét mà phải căn cứ trình tự của pháp luật tố tụng”, ông Bình nói.

Phùng Đô

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chanh-an-tand-toi-cao-tra-loi-ve-vu-an-vu-nhom-va-cuu-chu-tich-da-nang-192231120105611383.htm