Chạnh lòng lương nghề giáo-nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý

Sau hàng chục năm công tác, mức lương của các giáo viên vẫn chỉ ở mức hơn 5 triệu đồng, trong khi công việc vất vả và nhiều áp lực. Trong 10 tháng đầu năm 2022 đã có 16.000 giáo viên nghỉ việc.

Giáo viên Trường Mầm non Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội dỗ trẻ trong ngày đầu đến lớp. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Giáo viên Trường Mầm non Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội dỗ trẻ trong ngày đầu đến lớp. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Sau 14 năm công tác, mức lương của cô Đặng Thị Thu Trang, giáo viên Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) chỉ vỏn vẹn hơn 5 triệu đồng mỗi tháng trong khi công việc của cô giáo mầm non rất vất vả, làm việc từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối.

Đây cũng là thực trạng chung của đời sống giáo viên mầm non nói riêng và giáo viên nói chung dù giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu và nghề giáo được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, là người ươm trồng những thế hệ tương lai đất nước.

Chạnh lòng lương nghề giáo

Những năm qua, chế độ lương, phụ cấp của nhà giáo dần được cải thiện, nhưng nếu so sánh với mặt bằng của nhiều ngành nghề khác, thì vẫn ở mức thấp. Vì thế, sau những giờ miệt mài cống hiến trên bục giảng, nhiều thầy cô lại phải đối mặt với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Thu nhập thấp khiến nhiều giáo viên không khỏi chật vật, nhất là với những giáo viên khó có điều kiện dạy thêm như giáo viên mầm non, giáo viên các môn được coi là môn phụ.

Cô Thu Trang cho hay mỗi ngày làm việc của cô liên tục từ sáng đến chiều muộn. Sáng sớm đến lớp kiểm tra đồ dùng đồ chơi, chuẩn bị bàn ghế sẵn sàng để 7 giờ 30 bắt đầu đón trẻ, vừa dạy học vừa vỗ về, chăm sóc trẻ từ việc chơi đến ăn, uống, ngủ, nghỉ, tới tận chiều muộn.

“Mức lương rất thấp, công việc thì quá vất vả và nhiều áp lực, nhưng tình yêu nghề, yêu trẻ nhỏ giúp tôi có thêm động lực tiếp tục theo nghề. Có giây phút chúng tôi rất chạnh lòng khi học lên đại học nhưng ra trường đi làm cả chục năm mà mức lương chưa đủ sống, phải làm thêm nhiều nghề để trang trải,” cô Trang trải lòng.

Công việc của giáo viên mầm non vất vả khi phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc trẻ. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Công việc của giáo viên mầm non vất vả khi phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc trẻ. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Đây cũng là nỗi niềm của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hòa, Trường Mầm non Tây Mỗ B, Hà Nội. “Mức thu nhập quá thấp nên cuộc sống rất khó khăn. Nếu không yêu nghề mến trẻ thì thực sự không thể theo nghề,” cô Hòa chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Thanh Mùi, Hiệu trưởng Trường mầm non Tây Mỗ B cho hay các giáo viên khi bắt đầu công tác trong ngành giáo dục đều xúat phát từ tình yêu nghề và yêu học sinh, tình yêu với từng ánh mắt trẻ thơ. “Nhưng khi vào thực trạng với nghề thì mới cảm nhận sâu sắc sự vất vả và phải yêu học sinh lắm mới có thể ở lại với nghề,” cô Mùi nói.

Không chỉ giáo viên mầm non, giáo viên các môn được coi là môn phụ ở các bậc học cao hơn cũng phải chật vật mưu sinh với đồng lương ít ỏi. Dù đã có thâm niên đến 17 năm nhưng cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên dạy môn địa lý của một trường ở tỉnh Thái Bình cũng chỉ có mức lương hơn 5 triệu đồng. “Nhiều khi cũng cảm thấy buồn vì đồng lương eo hẹp, còn thấp hơn lương công nhân làm ở mấy xưởng may nhỏ gần nhà, nhưng đã trót theo nghề, trót yêu nghề nên cũng đành cố gắng,” cô Thanh trầm ngâm nói.

Có thâm niên công tác và được vinh danh là giáo viên tâm huyết sáng tạo tiêu biểu của Thủ đô với hàng loạt sáng kiến dạy học tích cực, nhưng cô Phùng Thị Hà, giáo viên dạy môn kỹ thuật công nghiệp của Trường Trung học phổ thông Tiên Lãng (Mê Linh, Hà Nội) vẫn phải tranh thủ bán online đủ mọi mặt hàng, cóp nhặt để nuôi mình, nuôi nghề.

Bài toán tăng lương

Mức lương thấp trong khi công việc vất vả và nhiều áp lực đã khiến cho nhiều giáo viên nghỉ việc. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2022, trong tổng số 35.000 viên chức cả nước bỏ việc thì có tới 16.000 là giáo viên, chiếm hơn 40%. Trung bình cứ 100 giáo viên thì có một người bỏ nghề. Đáng quan ngại hơn là sự chuyển dịch này không phải từ công sang tư mà hoàn toàn ra khỏi ngành.

Tăng lương cho giáo viên vẫn đang là bài toán khó. (Ảnh minh họa: Phạm Mai/Vietnam+)

Tăng lương cho giáo viên vẫn đang là bài toán khó. (Ảnh minh họa: Phạm Mai/Vietnam+)

Theo phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lương giáo viên cần phải được nâng lên để thầy cô đủ sống. “Trong điều kiện kinh tế xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn thì nỗ lực nâng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua là rất đáng trân trọng. Dù vậy, mức lương không đủ sống vẫn là một thực tế cần phải tiếp tục được tháo gỡ bởi có thực thì đạo mới vực được đạo,” ông Nhĩ kiến nghị.

Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng ban hành năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã nêu rõ “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.” Tuy nhiên, tăng lương và phụ cấp cho giáo viên vẫn là bài toán khó và hầu như kỳ họp Quốc hội năm nào cũng được nhắc đến, đưa ra bàn thảo.

Là tư lệnh ngành, thu nhập của giáo viên cũng là vấn đề rất trăn trở của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Bộ trưởng cho hay trong điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn, để cải thiện đời sống, nâng lương cho một bộ phận chiếm hơn 70% viên chức cả nước sẽ phải từng bước. Tuy nhiên, trong chừng mực có thể, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ chính là nguồn động viên đối với lực lượng nhà giáo.

Cũng theo Bộ trưởng, Quốc hội đã thông qua việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1/7/2023, trong đó có nhà giáo, nhưng vẫn cần nâng cao hơn nữa phụ cấp cho nhà giáo để họ có thể gắn bó với nghề.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non. Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non đang tính 35%, nếu tốt nhất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở,” Bộ trưởng cho biết.

Đây cũng là điều mong mỏi của các nhà giáo. “Tôi cũng mong muốn các cấp trên sẽ quan tâm hơn đến giáo dục mầm non. Nếu được tăng phụ cấp, chúng tôi rất vui mừng và đó là động lực để chúng tôi tiếp tục công tác tốt hơn,” cô Đặng Thị Thu Trang nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tran-tro-ve-dai-ngo-cho-nghe-cao-quy-nhat-trong-nhung-nghe-cao-quy/830038.vnp