Chanh sạch ổn định đầu ra trong đại dịch

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ giảm, nhiều loại nông sản rớt giá, khó tiêu thụ. Tuy nhiên, nhờ sản xuất theo hướng sạch và có liên kết tiêu thụ nên người trồng chanh không hạt ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An vẫn có lợi nhuận ổn định.

Chanh không hạt vẫn tiêu thụ ổn định trong mùa dịch

Chanh không hạt vẫn tiêu thụ ổn định trong mùa dịch

Với tổng diện tích chanh trên 7.100ha (tăng hơn 690ha so cùng kỳ năm 2020), trong đó có khoảng 3.000ha chanh không hạt sản xuất theo mô hình chất lượng cao, thời gian qua, sản phẩm chanh của Bến Lức được tiêu thụ rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính. Để đạt kết quả đó, nông dân đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng nông sản và sản xuất theo chuỗi liên kết.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức - Trần Duy Thuận cho biết: “Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá chanh giảm, thị trường tiêu thụ hạn chế. Hiện giá chanh không hạt ngoài thị trường chỉ còn từ 3.000-3.500 đồng/kg nhưng HTX vẫn thu mua của các thành viên với giá từ 4.500-5.500 đồng/kg. Với giá này, nông dân vẫn có lợi nhuận. Đây là dấu hiệu khả quan nếu so với các vùng trồng chanh khác trong và ngoài tỉnh vì không ít nhà vườn đã phải hái bỏ, chấp nhận thua lỗ để dưỡng cây”.

Bà Dương Thị Từ - thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức, chia sẻ: “Việc sản xuất chanh theo quy trình sạch giúp chúng tôi giảm được một phần chi phí và có đầu ra ổn định. Cụ thể, từ đầu mùa dịch đến nay, HTX vẫn hỗ trợ thu mua toàn bộ chanh với giá cao hơn thị trường từ 1.500-2.000 đồng/kg. Điều này làm cho chúng tôi rất phấn khởi”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam cho biết, thời gian qua, địa phương thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nông dân thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, hướng dẫn người trồng chanh chăm sóc theo các quy định nông nghiệp sạch, không sử dụng thuốc hóa học. Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng cho cây chanh và nhân rộng các mô hình sản xuất có chứng nhận VietGAP.

Bên cạnh đó, huyện sẽ thường xuyên hỗ trợ các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp để giúp sản phẩm chanh của địa phương có thể tiếp cận gần hơn với các thị trường khó tính, góp phần giúp nâng cao thu nhập của nông dân và phát triển chanh theo hướng ổn định, bền vững hơn./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chanh-sach-on-dinh-dau-ra-trong-dai-dich-a122951.html