Chao đảo theo giá vàng
Thị trường vàng đang có biến động rất mạnh. Sau khi cán mốc 100 triệu đồng/lượng lần đầu tiên trong lịch sử vào ngày 19/3 lập đỉnh mới ở 100,5 triệu đồng, giá vàng sau đó đã giảm liên tục, hiện đã về vùng 97 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Địa điểm “nóng” nhất những ngày qua ở Hà Nội có lẽ là phố Trần Nhân Tông, nơi tập trung nhiều cửa hàng vàng.
Đua nhau mua, bán
Ngày 19/3, nhiều người dân xếp dài trước các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội, để mua vàng trong ngày giá lập kỷ lục lịch sử lên 100 triệu đồng/lượng. Các cửa hàng cũng giới hạn mỗi khách chỉ được mua 1 - 2 chỉ vàng. Nhiều người cho biết họ có thói quen mua vàng để tiết kiệm. Mặc dù nhân viên cửa hàng thông báo số lượng người đến xếp hàng quá đông, nhiều người xếp hàng sau có thể phải chờ 1 - 2 tiếng nhưng vẫn không ai bỏ về.
Vừa vào 5 phút đã quay trở ra vì tạm hết vàng, bà Nguyễn Thị Hòa (50 tuổi) tỏ vẻ thất vọng: “Vàng miếng SJC đã không còn, vàng nhẫn thì mỗi người chỉ được mua 1 chỉ/ngày. Chờ đợi khá lâu mới đến lượt nhưng tiệm lại tạm thời hết vàng. Tôi ra ngoài tiếp tục chờ đến khi có vàng trở lại, nhân viên sẽ gọi tên”.
Không ít người đổ xô mua vàng với tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội, kỳ vọng giá còn tiếp tục tăng cao hơn. Theo một số công ty vàng, việc giá vàng tăng theo chiều thẳng đứng những ngày qua phần nào cũng kích thích nhu cầu mua của người dân. Cùng với yếu tố nguồn cung có phần khan hàng vì nhiều năm qua không được nhập vàng nguyên liệu nên giá vàng trong nước liên tục được đẩy lên.

Hoạt động mua bán vàng tại cửa hàng trền phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Thế nhưng, thực tế giá vàng lại lao dốc ngay khi vừa lập đỉnh. Sau khi vọt lên 100,5 triệu đồng/lượng - mức cao kỷ lục trong lịch sử - giá vàng trong nước nhanh chóng quay đầu giảm mạnh chỉ sau vài phiên. Giá vàng tại các thương hiệu lớn trong nước đi xuống sau những phiên lập đỉnh ở mức 100 triệu đồng/lượng. Nhiều người dân Hà Nội lại xếp hàng để bán vàng. Ông Nguyễn Tùng trú tại Long Biên (Hà Nội) cho biết, giá vàng đang xuống nhanh, phải tranh thủ đi bán không để chậm lại lỗ.
Ghi nhận cuối tuần qua, số lượng người mang vàng đến bán đông đột biến. Theo quan sát, cứ 10 người vào giao dịch thì có 7 người đem bán. Các tiệm vàng cũng không giới hạn số lượng như những ngày trước mà cho khách mua nhiều hơn.
Nguy cơ thua lỗ vì mua vàng theo tâm lý “sợ bỏ lỡ”
Giá vàng tăng sốc rồi lại giảm sâu. Diễn biến này khiến người mua ở đỉnh đã thua lỗ nặng chỉ sau 2 ngày mua vào. Điều đáng nói, nếu như những ngày trước đó chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng hay vàng nhẫn SJC chỉ dao động khoảng 1,5 triệu đồng/lượng thì đến nay đã kéo giãn gấp đôi, lên 3 triệu đồng/lượng. Vì thế, dù giá vàng chỉ giảm 3 - 4 triệu đồng ở chiều bán ra từ mức đỉnh nhưng người mua đã lỗ đến gần 6 - 8 triệu đồng/lượng sau 1 ngày, tương đương mất gần 6%.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (Hà Nội) đã lỗ hơn 15 triệu đồng vì mua giá vàng trên đỉnh. Theo đó, anh vừa đi lao động nước ngoài về Việt Nam với hơn 300 triệu đồng tiền tích cóp. Vừa về nước, chưa biết đầu tư gì nên anh quyết định mua vàng để giữ tiền.
Khi giá vàng tăng người dân xếp hàng đi mua nhưng khi giá vàng giảm lại ồ ạt đi bán. Vấn đề là giá mua và giá bán chênh lệch nhau khá lớn nên mua để đợi tăng thêm chốt lời thường rất khó khi vàng đang lập đỉnh. Cơn sốt vàng đầu năm 2025 một lần nữa khơi lại ký ức năm 2011, khi hàng loạt người mua ở vùng đỉnh đã phải chờ cả thập kỷ để hoàn vốn. Chuyên gia cảnh báo, thiếu kiến thức tài chính sẽ khiến nhà đầu tư lặp lại sai lầm cũ.
Hiện giá vàng miếng giao dịch quanh mức 94,9 - 97,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán của vàng nhẫn đang là 2,8 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1 triệu đồng so với mức chênh lệch 1,6 triệu đồng hồi đầu tuần trước. Ngoài ra, giá vàng trong nước cao hơn thế giới 3,7 triệu đồng/lượng, đồng nghĩa người dân trong nước hiện phải bỏ nhiều tiền hơn để mua vàng. Đặc biệt, việc duy trì mua rẻ bán đắt khiến người mua từ mức đỉnh vẫn đang lỗ tới gần 6 triệu đồng/lượng.
Mức lãi suất tiết kiệm hiện nay khá thấp nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ. Tuy nhiên lãi suất duy trì ở mức thấp cũng dễ xảy ra khả năng dòng tiền chuyển dịch từ tiết kiệm sang vàng và bất động sản để kiếm lời.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh
Gần đây, khi thị trường sôi động, nhiều người mua vàng ở các cửa hàng chính thống không được, lại ra mua ở thị trường online, trôi nổi thì càng không thể nào kiểm định được chất lượng và trọng lượng. Kẻ gian lợi dụng bán vàng rẻ hơn công ty một chút để bán sản phẩm kém chất lượng, vàng giả mà người mua không thể nào biết được cho đến khi mang vàng đi bán.
Thị trường vàng "chợ đen" được khuyến cáo đầy rủi ro, nhưng nhiều người dân vẫn giao dịch sôi động do không cần hóa đơn và mất thời gian chờ đợi. Thậm chí, giá vàng "chợ đen" có lúc còn bị người bán "thổi" lên cao hơn hẳn giá trị thực để kiếm lời, đẩy thiệt hại về phía người mua.
Dự báo về vàng thận trọng hơn
Hiện giá mua bán vàng miếng SJC ở mức 94,9 - 97,4 triệu đồng/lượng, so với đỉnh cũ giảm 3,5 triệu đồng/lượng. Thị trường thế giới, giá vàng giao ngay giảm 0,6%, xuống còn 3.006,84 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ đóng cửa giảm 0,2%, ở mức 3.015,6 USD/ounce. So với mức đỉnh lập được từ tuần trước, giá kim loại quý đã giảm 45 USD/ounce. Việc giá vàng thế giới không thể vượt ngưỡng 3.050 USD/ounce không khỏi khiến cho nhiều nhà đầu tư dự báo về khả năng giá vàng thế giới sớm điều chỉnh.
Năm nay, giá vàng thế giới đã lập đỉnh mới 16 lần, chạm kỷ lục 3.057 USD phiên 20/3. Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay giảm 20 USD xuống 3.023 USD một ounce, trong phiên có thời điểm về 2.996 USD - thấp nhất 1 tuần.
Tuần này, giới đầu tư quốc tế thận trọng hơn về giá vàng. Phần nhiều dự báo vẫn cho rằng kim loại quý có thể tiếp tục đi lên song tâm lý thị trường trở nên thận trọng hơn. 18 nhà phân tích của phố Wall tham gia khảo sát của Kitco News về diễn biến giá vàng trong tuần này. Theo đó, 7 trên 18 chuyên gia kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng vài ngày tới trong khi 5 nhà phân tích dự đoán giá sẽ giảm và 6 chuyên gia còn lại nhận định xu hướng đi ngang. So với tuần trước, có ít chuyên gia và cá nhân nhận định xu hướng đi lên của kim loại quý, cho thấy tâm lý thận trọng hơn.
Ông Adrian Day - Chủ tịch Adrian Day Asset Management nhận định thận trọng về kim loại quý trong tuần này. Theo ông, sự điều chỉnh là cần thiết và có lợi cho kim loại quý, sau đà tăng mạnh gần đây. Ông dự báo đợt giảm này chỉ trong ngắn hạn và không quá mạnh, về cơ bản các yếu tố ủng hộ vàng vẫn không thay đổi.
Dự báo về diễn biến giá vàng năm 2025, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA) Huỳnh Trung Khánh nhận định, đây vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, song dư địa tăng không còn lớn như năm ngoái. Người chưa sở hữu vàng, theo ông Khánh, có thể phân bổ 10% danh mục vào kênh đầu tư này. Còn với người dân đã có vàng, ông khuyên nên cân nhắc nếu mua tiếp ở vùng giá cao.
Giá vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là biến động địa chính trị trên thế giới hiện nay nên rất khó dự báo. Thông thường, khi hàng hóa nào tăng quá cao sẽ có một đợt bán ra chốt lời. Giá vàng cũng đang trong tình trạng tương tự. Vì vậy việc chạy theo mua vàng bất chấp giá đã tăng mạnh dễ gặp nhiều rủi ro hơn. Đó là chưa kể chênh lệch giá mua bán trong nước thường dễ bị các công ty đẩy lên quá cao khi thị trường tăng nóng.
Chuyên gia Trần Duy Phương
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chao-dao-theo-gia-vang.html