Ký hợp đồng chia sẻ sản phẩm dầu khí Lô 15-2, bể Cửu Long

Ngày 31/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cùng tổ hợp nhà thầu Japan Vietnam Petroleum Company Limited (JVPC - công ty con 100% của ENEOS Xplora, Nhật Bản) và Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) tổ chức lễ ký hợp đồng chia sẻ sản phẩm dầu khí (PSC) Lô 15-2, bể Cửu Long và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Các đại biểu chứng kiến lễ ký hợp đồng chia sẻ sản phẩm dầu khí Lô 15-2, bể Cửu Long.

Các đại biểu chứng kiến lễ ký hợp đồng chia sẻ sản phẩm dầu khí Lô 15-2, bể Cửu Long.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cho biết, hợp đồng có thời hạn 25 năm, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7/4/2025. Việc ký hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 15-2 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là hợp đồng dầu khí đầu tiên hiện thực hóa các điểm mới của Luật Dầu khí năm 2022, khẳng định sự đúng đắn của chính sách khuyến khích đầu tư trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.

“Sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình pháp lý về hoạt động dầu khí, mà còn thể hiện nỗ lực lớn của các bên trong việc thể chế hóa, hiện thực hóa, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ và khả thi trong tổ chức triển khai các hợp đồng dầu khí mới theo quy định pháp luật hiện hành”, ông Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn phát biểu tại lễ ký chia sẻ sản phẩm dầu khí.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn phát biểu tại lễ ký chia sẻ sản phẩm dầu khí.

Cũng theo ông Lê Ngọc Sơn, việc JVPC tiếp tục được chỉ định là người điều hành hoạt động dầu khí tại Lô 15-2 là một sự ghi nhận bề dày kinh nghiệm trong công tác vận hành cũng như những thành công được tạo dựng bởi sự nỗ lực bền bỉ của tập thể người lao động của JVPC trong suốt 33 năm qua.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cũng khẳng định: Với khoảng thời gian 96 ngày, kể từ khi Chính phủ Việt Nam phê duyệt chỉ định tổ hợp nhà thầu ký hợp đồng dầu khí mới tại Lô 15-2 (ngày 25/12/2024) đến hôm nay, ngày nhà thầu nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là khoảng thời gian kỷ lục. Đây là kết quả của sự quyết tâm của tổ hợp nhà thầu, sự hỗ trợ tích cực của Petrovietnam và sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan.

“Việc ký hợp đồng sẽ tạo cơ hội thuận lợi để hoạt động khai thác tại mỏ Rạng Đông và Phương Đông được duy trì ổn định, cùng với việc triển khai các hoạt động thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng tại diện tích hợp đồng. Theo kế hoạch, trong tháng 5/2025, nhà thầu sẽ khởi công chương trình khoan các giếng cam kết, các nghiên cứu EOR đã và đang được thực hiện. Ước tính giá trị đầu tư năm 2025 khoảng 55 triệu USD, tổng sản lượng khai thác tăng thêm khoảng 1.9 triệu thùng dầu và 8.0 tỷ bộ khối khí; mức độ thành công của giếng khoan đan dày và giếng thăm dò này là cơ sở có thể tiến hành phát triển và khoan khai thác thêm để sản lượng khai thác của các năm tiếp theo được cải thiện”, ông Lê Ngọc Sơn chia sẻ.

Lô 15-2 có diện tích khoảng 415,9 km², nằm ngoài khơi khu vực Đông Nam Bộ, thuộc phần trung tâm và phía Đông Bắc của bể trầm tích Cửu Long, gồm 2 mỏ dầu khí lớn là Rạng Đông và Phương Đông, có độ sâu trung bình 57-60 mét nước. Đây là phần diện tích còn lại của hợp đồng dầu khí trước đó, sau khi các bên đã hoàn tất nghĩa vụ hoàn trả theo quy định vào cuối giai đoạn thăm dò. Dự án được JVPC điều hành liên tục từ năm 1992, đến nay, JVPC và PVEP tiếp tục hợp tác triển khai dự án trong khuôn khổ hợp đồng PSC mới, trong đó JVPC nắm giữ 45% quyền lợi tham gia và tiếp tục đảm nhiệm vai trò người điều hành.

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki, trong 27 năm qua đã có 250 triệu thùng dầu thô được khai thác từ mỏ Rạng Đông và Phương Đông. Sản lượng dầu khí này chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài nhưng trong những năm gần đây đã được cung cấp cho nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nếu giả sử sản lượng này chỉ cung cấp hoàn toàn cho thị trường nội địa thì nó tương đương khoảng 2 năm tiêu thụ xăng của cả nước.

Với tổng sản lượng khai thác cộng dồn 251 triệu thùng dầu thô và 195 tỷ khối khí, trị giá 15 tỷ USD, trong đó, Việt Nam thu về khoảng 7,78 tỷ USD trong số hơn 15 tỷ USD, điều đó cho thấy Lô 15-2 đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác Nhật Bản,…

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc hợp tác với các công ty dầu khí quốc tế, đặc biệt là các đối tác mạnh như Nhật Bản trong thăm dò, khai thác dầu khí cùng với việc trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ không chỉ có ý nghĩa to lớn mà còn góp phần nâng cao vị thế của ngành dầu khí Việt Nam trên bản đồ năng lượng khu vực và thế giới.

Bên cạnh những thành quả đạt được, để phát huy hơn nữa thế mạnh của hai bên, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan và Petrovietnam phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư vào lĩnh vực dầu khí cũng như kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro” để bảo đảm lợi ích chính đáng cho tất cả các bên và lợi ích thiết thực cho Việt Nam,…

HOÀNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ky-hop-dong-chia-se-san-pham-dau-khi-lo-15-2-be-cuu-long-post869124.html