Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn lần thứ IV Diện mạo mới ở vùng cao Khánh Sơn

Những năm qua, công tác dân tộc, chính sách dân tộc được huyện Khánh Sơn triển khai hiệu quả. Qua đó, đã làm thay đổi căn bản diện mạo các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), đời sống các hộ dân ngày càng được nâng cao. Đây cũng là nền tảng quan trọng để địa phương củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn để cùng nhau xây dựng Khánh Sơn trở thành “tiểu đô thị sinh thái núi rừng” trong tương lai.

Chăm lo đời sống người dân

Ngược ngàn lên vùng cao Khánh Sơn trong mùa săn mây cũng là lúc cây trái đang lúc lỉu quả - mùa đẹp nhất ở vùng cao. Từ đỉnh đèo nhìn về phía thung lũng Tô Hạp, trong tầm mắt là Khu tái định cư Dốc Trầu - nơi 30 hộ ĐBDTTS Raglai xã Ba Cụm Bắc được bố trí tái định cư tại đây vào năm 2020. Ngày trước, các hộ này từng chật vật sinh sống ở phía đông đèo Khánh Sơn. Trò chuyện với ông Mấu Sánh đang sinh sống tại khu tái định cư, ông bộc bạch: “Đã 4 năm kể từ khi chuyển về sinh sống tại đây, cuộc sống của chúng tôi đã ổn định hơn rất nhiều. Ở đây, chúng tôi có nhà xây kiên cố, điện, nước sinh hoạt đều được kéo đến từng gia đình; đường bê tông rộng rãi, có nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi thể thao… phục vụ cho các hoạt động chung của người dân; trẻ em đi học rất gần; người già ốm đau ra trạm y tế xã cũng thuận lợi…”. Không riêng gia đình ông Sánh, các hộ ĐBDTTS ở xã Ba Cụm Bắc đã được “an cư” nay thêm phần “lạc nghiệp” khi đều được địa phương bố trí đất tái định canh với định mức 1ha/hộ để lập vườn trồng cây ăn quả. Theo đó, nhiều hộ đã trồng sầu riêng năm thứ 3, thứ 4, chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ thu được quả ngọt.

Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự lễ khởi công 100 căn nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo huyện Khánh Sơn năm 2024.

Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự lễ khởi công 100 căn nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo huyện Khánh Sơn năm 2024.

Rời Khu tái định cư Dốc Trầu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Mấu Hồng Sỹ (thôn Chi Chay, xã Sơn Trung). Ông chia sẻ: “Trước đây, 80 - 90% hộ ĐBDTTS trong thôn đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, thôn chỉ còn 36 hộ nghèo trong số 109 hộ của thôn. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, ý chí vươn lên của chính người dân. ĐBDTTS trong thôn đã thi đua lao động, phát triển sản xuất, biết giúp đỡ nhau cùng vươn lên thoát nghèo. Như gia đình tôi hiện có 1,3ha sầu riêng, trong đó 64 cây đã cho thu hoạch, hơn 100 cây gần 3 năm tuổi và 0,2ha mía tím. Mỗi năm, gia đình tôi thu lãi được 180 - 200 triệu đồng; đời sống vật chất, tinh thần ngày càng nâng cao”.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai ở Khánh Sơn ngày càng nâng cao nhờ trồng sầu riêng.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai ở Khánh Sơn ngày càng nâng cao nhờ trồng sầu riêng.

Huyện Khánh Sơn đề ra mục tiêu đến năm 2029, phấn đấu thu nhập bình quân của ĐBDTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS năm 2024 và 2025 mỗi năm giảm 7%; từ 2025 - 2029 mỗi năm giảm 4 - 5%; phấn đấu 7/7 xã đạt xã nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao; xóa tình trạng nhà ở tạm, dột nát trong ĐBDTTS, không có hộ ĐBDTTS cư trú phân tán ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... mà được di dời, bố trí ở những nơi tốt hơn…

Theo ông Đỗ Huy Hiệp - Trưởng phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn, trên địa bàn huyện có 13 dân tộc anh em sinh sống, với dân số 28.474 người, trong đó có hơn 73% dân số là ĐBDTTS (người Raglai chiếm 72,73% dân số toàn huyện). Giai đoạn 2019 - 2024, công tác dân tộc, các chính sách dân tộc, nhất là phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi đã được địa phương triển khai hiệu quả, tạo nên diện mạo mới cho các vùng DTTS trên địa bàn. Rõ nét nhất là điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư khang trang, hiện đại; đời sống ĐBDTTS được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đến nay tăng 1,5 lần so với năm 2019, nhiều người DTTS là những điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi; tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2019 là 44,09%, đến đầu năm 2024 giảm còn 31,63%, dự kiến cuối năm nay sẽ giảm xuống mức 22,99%; hàng nghìn hộ ĐBDTTS nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. Những truyền thống văn hóa tốt đẹp của ĐBDTTS tại địa phương được gìn giữ, phát huy giá trị…

Một góc Khu tái định cư Dốc Trầu.

Một góc Khu tái định cư Dốc Trầu.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc

Những năm qua, cùng với nguồn lực của Trung ương, tỉnh và huyện Khánh Sơn đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển toàn diện vùng ĐBDTTS và miền núi. Đây cũng chính là đầu tư nhằm phát triển bền vững, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; là yếu tố mang tính nền tảng để đảm bảo khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn cho biết: “Những kết quả đã đạt được trong công tác dân tộc, triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện đã củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện; góp phần thực hiệu quả các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, nhất là mục tiêu đưa Khánh Sơn ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước vào cuối năm nay. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Khánh Sơn hướng đến mục tiêu cao hơn là trở thành “tiểu đô thị sinh thái núi rừng” theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện được mục tiêu này, Khánh Sơn sẽ phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, trở thành nơi đáng sống của đồng bào các dân tộc anh em tại địa phương”.

Truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Khánh Sơn được gìn giữ và phát huy.

Truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Khánh Sơn được gìn giữ và phát huy.

Để biến khát vọng thành hiện thực, trong giai đoạn 2024 - 2029, địa phương xác định sẽ triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh để phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng ĐBDTTS và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế của từng địa phương; bảo vệ môi trường và không gian sống của ĐBDTTS; rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng ĐBDTTS so với các vùng đã phát triển; giảm nghèo nhanh và bền vững; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Bên cạnh đó, mỗi người DTTS trên địa bàn sẽ tiếp tục phấn đấu vươn lên, phát huy tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, kinh doanh, từng bước làm giàu; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình…

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202406/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-huyen-khanh-son-lan-thu-iv-dien-mao-moi-o-vung-cao-khanh-son-63412a0/