Chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 Chung sức chăm lo, bảo vệ trẻ em
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh Khánh Hòa đã tích cực huy động các nguồn lực, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần bảo đảm cuộc sống, tạo điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện.
Nhiều hoạt động chăm lo
Bố mất do dịch Covid-19 vào cuối năm 2021, mẹ đi làm xa nên hai anh em Lê Nguyễn Ngọc Sáng (sinh năm 2007) và Lê Nguyễn Phi Hùng (sinh năm 2013, phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) phải nhờ vào sự chăm sóc của ông bà ngoại. Bà ngoại năm nay đã 67 tuổi, lại thường xuyên đau bệnh, ông cũng 65 tuổi; mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày của 4 ông, bà, cháu dựa vào khoản tiền chạy xe ôm của ông bình quân mỗi ngày được 200 ngàn đồng. Mẹ của hai em thu nhập không nhiều nên chỉ gửi về từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng để ông bà lo tiền học cho hai con. Hoàn cảnh éo le là vậy nhưng hai anh em luôn cố gắng học tập, hàng năm đều đạt thành tích khá, giỏi. Biết được hoàn cảnh của hai em, các cấp hội phụ nữ đã tích cực vận động nguồn lực để trợ giúp. Qua đó, hai em đã được bà Võ Hải Thư (Nha Trang) nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng; nhóm cựu học sinh Nha Trang hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng; Trường Sĩ quan Thông tin tặng một chiếc xe đạp và nhận hỗ trợ hàng quý cho các em… “Nguồn hỗ trợ từ mẹ đỡ đầu, các mạnh thường quân giúp em có tiền trang trải sinh hoạt và học tập. Hai anh em sẽ cố gắng học thật tốt, không phụ lòng giúp đỡ của mọi người”, Phi Hùng chia sẻ.
Theo lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, từ năm 2023 đến nay, thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, hội đã huy động giúp đỡ cho 23 trẻ mồ côi, với số tiền hỗ trợ từ 2 đến 3 triệu đồng/trẻ/tháng; chương trình “Phối hợp nhận nuôi dưỡng, học tập suốt đời” giúp đỡ 21 trẻ mồ côi. Các cấp hội phụ nữ còn giúp đỡ 332 trẻ mồ côi với mức từ 200 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/trẻ/tháng. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động, phong trào thiết thực như: Áo trắng cùng em đến trường, thắp sáng tương lai, hoa trạng nguyên, chung một tấm lòng, cặp lá yêu thương, tiếp bước em đến trường… được các cấp hội triển khai tích cực. Mỗi năm, các cấp hội tổ chức hàng trăm buổi truyền thông về kiến thức, kỹ năng nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi, kỹ năng sống, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Lãnh đạo Tỉnh đoàn cho biết, thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã triển khai rất nhiều hoạt động chăm lo cho thiếu nhi như: Tặng quà, hỗ trợ vật chất, tinh thần; tổ chức hành trình “về nguồn”, đưa thiếu nhi đi học tập, tham quan tại các địa chỉ đỏ, làng nghề truyền thống, gặp nhân chứng lịch sử; tổ chức diễn đàn trẻ em; tập huấn kỹ năng thực hành xã hội cho thiếu nhi... Năm 2023, Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh đã tổ chức hơn 20 hoạt động nhằm giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, nếp sống cho 149.587 đội viên, thiếu nhi trên toàn tỉnh. Việc chăm lo cho thiếu nhi còn được thể hiện qua những công trình như: Nhà khăn quàng đỏ, khu vui chơi miễn phí cho thiếu nhi. Từ năm 2023 đến nay, đã có nhiều công trình được các cấp bộ đoàn thực hiện, đạt hiệu quả cao, như: Sân chơi thiếu nhi trị giá 20 triệu đồng tại Trường Tiểu học Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn); khu vui chơi thiếu nhi tại Trường Tiểu học Phước Đồng và Trường Tiểu học Vĩnh Lương 2 (Nha Trang); khu vui chơi trẻ em tại thôn Ninh Đảo (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) trị giá 170 triệu đồng...
Thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ
Theo ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua, công tác bảo vệ trẻ em được thực hiện tốt ở 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, vận động xã hội được triển khai lan tỏa sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã trao quà, học bổng, hỗ trợ khám, chữa bệnh cho hơn 68.000 lượt trẻ em với số tiền hơn 6 tỷ đồng. Vào dịp lễ, Tết, các cấp, ngành tổ chức hơn 1.000 điểm vui chơi lành mạnh cho hơn 240.200 lượt trẻ em; kêu gọi trao học bổng, xe đạp cho hơn 320 trẻ em với số tiền hơn 11 tỷ đồng… Đặc biệt, công tác khám sàng lọc, can thiệp sớm cho trẻ được thực hiện thường xuyên. Qua đó, kịp thời phát hiện, điều trị, hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, khe hở môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh… cho hơn 2.300 trẻ khuyết tật. Hoạt động can thiệp, tư vấn, hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ được triển khai kịp thời. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Phục vụ trẻ em quốc tế Holt, nhiều trẻ em trong các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp tục đến trường. Từ năm 2022 đến nay, tổ chức này đã hỗ trợ cho hơn 400 trẻ em tại cộng đồng với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 200 triệu đồng để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Hiện nay, tại 3 cơ sở bảo trợ công lập, 12 cơ sở bảo trợ ngoài công lập và Làng trẻ em SOS Nha Trang chăm sóc, nuôi dưỡng 474 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi. Các em đều được chăm sóc chu đáo, khám sức khỏe định kỳ, đi học trường công lập, tham gia các hoạt động giúp trẻ phát triển toàn diện và hưởng trợ cấp hàng tháng theo đúng quy định. Hàng năm, tỉnh còn dành kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học nhằm đảm bảo tốt nhất cho công tác giáo dục trẻ em.
Ông Tạ Hồng Quang cho biết, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Theo đó, Tháng hành động vì trẻ em diễn ra từ ngày 1 đến 30-6 với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hướng về cơ sở. Trong đó, toàn tỉnh chú trọng vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực; tặng quà, trao học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo; hỗ trợ các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ, xây dựng các điểm vui chơi giải trí cho trẻ. Đồng thời, thực hiện các hoạt động xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Ngoài ra, các cấp, ngành sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; rà soát, khắc phục những nơi có nguy cơ trẻ bị tai nạn thương tích, đuối nước… để tất cả trẻ em được sống và vui chơi trong môi trường an toàn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 269.424 trẻ em, chiếm 21,4% dân số, trong đó có 22.584 trẻ em dân tộc thiểu số. Trên địa bàn tỉnh có 2.893 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc đạt 99,4%.
V.GIANG - C.TƯỜNG - V.THÀNH