Chào tân vương V.League

Lên ngôi trước một vòng đấu, Nam Định là nhà vô địch thứ 11 trong lịch sử 22 mùa giải chuyên nghiệp V.League, nhưng là 'vị vua' có buổi lễ đăng quang hoành tráng, ấn tượng nhất.

Nam Định giành Cúp vô địch sau 39 năm mong chờ. Lần sau cùng đội bóng thành Nam đăng quang là ở giải A1 toàn quốc của đội Công Nghiệp Hà Nam Ninh.

Nam Định giành Cúp vô địch sau 39 năm mong chờ. Lần sau cùng đội bóng thành Nam đăng quang là ở giải A1 toàn quốc của đội Công Nghiệp Hà Nam Ninh.

Sân Thiên Trường không còn một chỗ trống, được phủ kín bởi 25 ngàn khán giả. Chứng kiến lễ trao cúp vô địch V.League 2023-2024 mà cứ tưởng như Giải UEFA Champions League. Pháo sáng, pháo hoa rực rỡ, pháo khói mù mịt; âm thanh, ánh sáng như một đại tiệc.

Sớm bứt lên từ vòng đầu tiên, Nam Định đã dẫn đầu 25/26 vòng đấu (ngoài vòng 6 với thất bại đầu tiên trước B.Bình Dương). Chưa kể trận cuối với Quảng Nam, Nam Định là đội có số trận thắng nhiều nhất: 15 trận, thua ít nhất: 5 trận và có hàng công “khủng khiếp” nhất: 57 bàn (bình quân 2,28 bàn/trận). Trong đó, với cú hat-trick trong chiến thắng 5-1 trước Khánh Hòa trong ngày đăng quang, “vua phá lưới” Rafaelson thiết lập kỷ lục vượt qua cột mốc 30 bàn thắng.

Để làm nên lịch sử lần đầu tiên hôm nay, bóng đá Nam Định đã trải qua 39 năm chờ đợi, có lúc rơi xuống tận cùng nỗi thất vọng. Là vùng đất có lịch sử lâu đời về bóng đá với cái tên Cotonkin 2 lần vô địch Đông Dương vào năm 1943 và 1945. Tiền thân của đội Nam Định ngày nay là Thanh niên Nam Hà được thành lập vào năm 1965 (khi ấy tỉnh Nam Hà gồm Hà Nam và Nam Định), đến năm 1978 đổi tên thành Công nghiệp Hà Nam Ninh. Những năm 1980, đây là tên tuổi của làng túc cầu Việt Nam. Với những hảo thủ: Đặng Gia Mẫn, Nguyễn Văn Dũng, Hưng Thái, Vũ Văn Chung…, dưới sự dẫn dắt của cố huấn luyện viên (HLV) Lâm Ngọc Lập, Công nghiệp Hà Nam Ninh đã vô địch Giải A1 toàn quốc 1985 (tiền thân của V.League ngày nay) khi bất bại 15 trận. Giai đoạn này, tiền đạo Nguyễn Văn Dũng (từng có 2 lần làm HLV của Đồng Nai FC) cũng lập kỷ lục vua phá lưới 3 năm liên tiếp: 1984, 1985, 1986.

Bước sang thời kỳ chuyển đổi mô hình chuyên nghiệp, bóng đá Nam Định bắt đầu cuộc bể dâu cùng với sự thay tên đổi họ xoành xoạch: Sông Đà, Mikado, Megastar, Đạm Phú Mỹ, Dược Nam Hà và nay là Thép xanh. Ở mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên 2000-2001, với HLV Ninh Văn Bảo và đội trưởng Nguyễn Văn Sỹ (em trai HLV Nguyễn Văn Dũng), Sông Đà Nam Định đoạt ngôi á quân, chỉ kém đội vô địch SLNA 2 điểm sau 18 vòng đấu. V.League 2004, với lứa Hoàng Danh Ngọc và Phùng Văn Nhiên, một lần nữa Nam Định có chức á quân thứ 2 và năm 2007 là chiếc Cúp QG đầu tiên.

Đó là lần cuối sân Thiên Trường (sân Chùa Cuối được đổi tên từ năm 2003) được ăn mừng. Do cơ chế hoạt động và tài chính, sau 10 năm thi đấu ở V.League, năm 2010, Nam Định rớt hạng. Năm tiếp theo 2011, họ rơi luôn xuống hạng Nhì. Phải đến năm 2018, Nam Định mới trở lại V.League.

Tuy nhiên, trong 4 mùa giải liên tiếp, Nam Định luôn trong phận con nhà nghèo vất vả chạy ăn. Rồi “cuộc đổi đời” đã đến, với nhà tài trợ Xuân Thiện Group, Thép xanh Nam Định sau một đêm trở thành “đại gia”, cùng với CAHN tạo nên những bản hợp đồng “bom tấn” ở V.League 2023: thủ môn Nguyên Mạnh, Khắc Ngọc, Hồng Duy, Đức Huy, Văn Kiên, Thanh Hào, Tô Văn Vũ, Hendrio…

“Có thực vực đạo”, Nam Định vào tốp 5. Chưa bằng lòng, Xuân Thiện Group tiếp tục mở hầu bao để mùa này HLV Vũ Hồng Việt mang về những mảnh ghép còn thiếu: Nguyễn Văn Toàn, Văn Công, Lý Công Hoàng Anh, Trần Văn Đạt, Văn Vỹ, Ngọc Bảo, Thanh Thịnh… và “khẩu thần công” Rafaelson, vua phá lưới V.League 2023 từ Bình Định; giai đoạn 2 có thêm trung vệ Lucas và tiền vệ Tuấn Anh.

Không phải vô cớ mà Chủ tịch Xuân Thiện Group Nguyễn Văn Thiện là nhân vật nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng lớn nhất trong buổi lễ mừng vô địch của Nam Định.

Đông Kha

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-thao/202406/chao-tan-vuong-vleague-5a2611d/