Chắp cánh thương hiệu cam Sành

BHG - Bắc Quang lâu nay được xem là một trong những “vựa” cam của tỉnh. Để thúc đẩy kinh tế, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững cây cam Sành, trong đó lấy khoa học công nghệ (KHCN) giữ vai trò “then chốt” để nâng cao giá trị sản phẩm, chắp cánh thương hiệu cam Sành vươn xa.

Người dân xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) chăm sóc cây cam Sành.

Người dân xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) chăm sóc cây cam Sành.

Cam Sành là cây thế mạnh của huyện động lực Bắc Quang, với diện tích hiện có trên 4.815 ha. Khai thác lợi thế phát triển cây cam Sành, cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, triển khai ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Trong đó, chú trọng tuyên truyền đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 16-KH/UBND, ngày 12.1.2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới, sáng tạo trong các doanh nghiệp, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025, hướng dẫn, vận động người dân áp dụng KHCN vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, địa phương phối hợp tuyên truyền, vận động người dân trồng và chăm sóc cây cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP; hiện toàn huyện có trên 2.876 ha cam Sành được chứng nhận VietGAP, năng suất trung bình ước đạt 14 tấn/ha, sản lượng trung bình năm khoảng trên 40,2 nghìn tấn. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp năng suất, sản lượng cao hơn, mẫu mã đồng đều và đẹp hơn so với cam sản xuất thường; chất lượng cam được nâng cao, từng bước khẳng định vị thế sản phẩm cam Sành Hà Giang.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Quang, Trần Minh Hữu cho biết: Cây cam Sành được người dân trên địa bàn trồng nhiều năm nay; tuy nhiên, công tác trồng, chăm sóc cây cam được người dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chỉ số ít áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong kỹ thuật chăm sóc cây cam Sành, vấn đề nước tưới rất quan trọng; trước đây, người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa tự nhiên; nay đã bắt đầu chủ động nguồn nước, điều chỉnh nước tưới cho cam; người trồng cam tích cực tham gia dự án cải thiện nông nghiệp có tưới nhằm mục đích tăng năng suất, sản lượng cam Sành và xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào thâm canh. Bên cạnh đó, một số hộ mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp kiểm soát độ ẩm và chủ động thời điểm tưới cho cây cam.

Các sản phẩm cam Bắc Quang được dán tem truy xuất nguồn gốc khi bán ra thị trường.

Các sản phẩm cam Bắc Quang được dán tem truy xuất nguồn gốc khi bán ra thị trường.

Đứng trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, một số cá nhân ở Bắc Quang mạnh dạn xây dựng kho lạnh bảo quản sản phẩm cam Sành; huyện xây dựng và vận hành dây chuyền sục ozon cho sản phẩm cam với công suất sục 25-30 tấn cam/ngày, cho sản phẩm có bề mặt bóng, vàng hơn so với cam Sành để tự nhiên và có thời gian bảo quản tự nhiên dài hơn so với sản phẩm thông thường do đã được khử khuẩn, diệt nấm mốc. Qua đó, giúp vừa giữ được mẫu mã, chất lượng sản phẩm cam, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Mặt khác, xác định tiêu thụ sản phẩm là một trong những khâu quan trọng nhất, huyện Bắc Quang phối hợp tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp, HTX sản xuất và tiêu thụ cam trên địa bàn để vận hành gian hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử; đưa sản phẩm cam lên sàn giao dịch điện tử; đưa vào hệ thống các siêu thị; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, thùng đóng sản phẩm phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam; nâng cao giá trị, xúc tiến, quảng bá sản phẩm sam Sành Hà Giang; xây dựng mô hình vườn cam mẫu gắn chuyển đổi số với diện tích 16 ha tại các xã trọng điểm vùng cam như Vĩnh Phúc, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Phùng Viết Vinh cho biết: Nâng cao giá trị cây cam Sành, huyện chú trọng ứng dụng KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế, góp phần tác động tích cực, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân trên địa bàn. Mặt khác, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Đặc biệt, người nông dân nhận thấy ưu điểm của việc áp dụng KHCN nên dần chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; quan tâm đến kỹ thuật chăm sóc; bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Với quan điểm lấy cây cam Sành là cây trồng chủ lực để nâng cao đời sống người dân, huyện Bắc Quang xác định đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Kế hoạch số 16-KH/UBND, ngày 12.1.2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới, sáng tạo trong các doanh nghiệp, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025; tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ KHCN lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Chú trọng liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, gắn kết với tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong việc nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao KHCN, nhất là đào tạo chuyên gia về lĩnh vực công nghệ sinh học và chế biến nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh liên kết đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân lực, đào tạo nghề cho nông dân, người lao động trong cơ sở nông nghiệp ứng dụng KHCN. Nghiên cứu, tuyển chọn, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm cam Sành. Đa dạng hóa nguồn đầu tư cho KHCN, khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KHCN để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN. Có các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi giá trị cam trong việc thiết kế bao bì, tem nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường...

Xác định hướng đi cụ thể, quản lý chặt chẽ quy hoạch phát triển vùng cam; ứng dụng KHCN vào trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã và đang giúp Bắc Quang khẳng định thương hiệu cam Sành, dần chắp cánh cho sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu vươn tới các thị trường để mang lại cuộc sống ấm no cho người nông dân.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202211/chap-canh-thuong-hieu-cam-sanh-02427bb/