Chắp cánh ước mơ cho người kém may mắn
Có một lớp hội họa không chỉ gieo niềm đam mê mỹ thuật, mà còn chắp cánh ước mơ giúp học trò khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng
Khoảng 12 năm nay, cứ đều đặn vào thứ hai và thứ sáu hằng tuần, ông Nguyễn Văn Hoàng (56 tuổi) chạy xe gần 20 km từ nhà đến trung tâm để dạy nghề miễn phí cho các học viên.
Dùng màu sắc thay lời nói
Lớp học nằm ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn). Trong căn phòng nhỏ thoảng mùi sơn dầu, acrylic,... các giá vẽ và tranh được xếp ngăn nắp, thẳng lối. Học viên ở đây đa phần là khiếm thính và thiểu năng trí tuệ nên dù duy trì sĩ số khoảng 15 người nhưng không khí vô cùng im ắng. Dù vậy, những gương mặt luôn tươi cười, ánh mắt chăm chú không rời nét cọ.
Dạy người bình thường vẽ đã không đơn giản, dạy người khuyết tật còn khó khăn hơn bội phần. Chia sẻ lý do theo đuổi lớp học nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết tất cả xuất phát từ tình thương các học viên có hoàn cảnh kém may mắn. "Năm 2012, qua một người bạn giới thiệu tại trung tâm có nhiều bạn muốn được học vẽ nhưng không có giáo viên. Sau khi đến thăm và cảm nhận thiệt thòi mà các em phải gánh chịu, tôi nhận lời đứng lớp. Tôi chỉ mong dùng kiến thức và kinh nghiệm để giúp các em có cuộc sống vui hơn, hạnh phúc hơn" - ông Hoàng bộc bạch.
Thời gian đầu, vì không thể giao tiếp, cả thầy và trò rất vất vả, "khua chân múa tay" hoặc giao tiếp bằng bút - giấy để hiểu ý nhau. Lâu dần rồi mọi người rất gần gũi, hiểu nhau dễ hơn. Theo ông Hoàng, trước khi đến với lớp, hầu như các học viên khá nhút nhát, dễ nóng tính vì sự ức chế không thể nói ra. Vì vậy, người dạy phải thực sự kiên nhẫn.
Lớp học bắt đầu từ 8 giờ tới 11 giờ, sau đó các học viên sẽ ăn uống, nghỉ trưa rồi học tiếp đến 16 giờ. Giáo viên chia học viên thành nhóm theo thế mạnh riêng của từng người. Có nhóm sẽ vẽ trang trí túi xách, có nhóm vẽ tranh trên giấy canvas, có nhóm học phối màu…
Để giúp các học viên tiếp thu bài nhanh, ông Hoàng đã phải tìm hiểu, từ đó đưa ra phương pháp truyền đạt phù hợp theo từng hoàn cảnh. Đến giờ này, ông Hoàng cũng không tin được mình đã "đưa đò" hơn 100 học trò kém may mắn.
"Muốn thay đổi cuộc đời"
Có học trò bị liệt phải ngồi xe lăn, tay co quắp; có người phải dùng chân cầm cọ vẽ. Tuy nhiên, điểm chung ở các học viên là niềm tin vào bản thân. Bởi hơn ai hết, bản thân các học viên cũng chẳng thể ngờ mình có thể sáng tác những tác phẩm nghệ thuật. Tất thảy học viên mong muốn sau này sẽ có một công việc ổn định để tự lo cho bản thân.
Anh Hồ Thanh Quân (27 tuổi, quê Phú Quốc) không thể điều khiển cây cọ theo ý muốn của mình và phải nghiêng sát đầu vào bức tranh đang vẽ dở. Giới hạn của anh Quân không chỉ nằm ở việc hoàn thành bức tranh mà đôi lúc là cơn đau thể chất. "Tôi học vẽ với thầy Hoàng được 9 năm và chưa bao giờ có ý định dừng lại, vì tôi ước mơ mở một phòng tranh. Thầy nói mọi người làm được thì tôi cũng có thể làm được. Tôi tin vào điều đó và sẽ cố gắng để không phụ công thầy dạy dỗ" - anh Quân hào hứng nói.
Mồ côi cha mẹ, lại bị khuyết tật vận động bẩm sinh, phải ngồi xe lăn từ nhỏ, nên cơ hội tiếp cận nghề nghiệp của anh Võ Văn Thông (25 tuổi) càng hạn chế. Với quyết tâm thay đổi số phận, anh đăng ký theo học lớp tranh ghép gỗ và lớp vẽ. Dù mới học được hơn một năm, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy Hoàng và với vốn năng khiếu hội họa của bản thân, các bức tranh của anh vẽ ra được đánh giá cao về bố cục, phối màu, nét vẽ mềm mại và có hồn.
Hiện nay, các học viên đã sáng tác được nhiều tác phẩm đẹp. Đa số những bức tranh của học viên vẽ ra được trưng bày tại trung tâm. So với tranh bán trên thị trường, ông Hoàng đánh giá tranh của các học viên không cạnh tranh được về nét vẽ nhưng bên trong chứa đựng sự nỗ lực, cố gắng nên tranh chứa đựng được cái "hồn". Chính vì thế, không ít khách đến tham quan trung tâm đã đặt mua.
Tự tin về bản thân
Không riêng lớp học của thầy Hoàng, đến với Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM còn có nhiều lớp học khác dành cho những trẻ em kém may mắn. Chẳng hạn lớp dạy nghệ thuật hoa đất do bà Nguyễn Thị Bảy (73 tuổi) phụ trách suốt 18 năm nay. Lớp không chỉ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi tự tin hơn trong cuộc sống mà còn vươn lên để trở thành những người có ích cho xã hội. "Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đã tự tin hơn rất nhiều, không còn mặc cảm về bản thân" - bà Bảy chia sẻ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chap-canh-uoc-mo-cho-nguoi-kem-may-man-196241005205608563.htm