Giáo dục tạo nên những cuộc tái sinh kỳ diệu

Chìa khóa giúp tái sinh và hồi sinh những mảnh đời yếu thế trong xã hội đó chính là tình thương, là giáo dục, là học tập.

ảnh trong tác phẩm những cuộc tái sinh kỳ diệu của Báo Cà Mau.

ảnh trong tác phẩm những cuộc tái sinh kỳ diệu của Báo Cà Mau.

Loạt bài 3 kỳ “Những cuộc tái sinh kỳ diệu” (kỳ 1: Tình yêu thương sự giàu có nhiệm màu; kỳ 2: Trả nợ cuộc đời; kỳ 3: Mở cánh cửa tương lai) là một trong số tác phẩm đạt giải tại Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024 ở thể loại báo điện tử.

Tác phẩm được thể hiện bằng hình thức Megastory, của nhóm tác giả Phạm Quốc Rin (Hải Nguyên), Phạm Băng Thanh (Băng Thanh) và Trần Lê Tuấn (Lê Tuấn), công tác tại Báo Cà Mau.

Đáng chú ý, Nhà báo Phạm Quốc Rin là tác giả đã từng đoạt giải Khuyến khích của giải báo chí này vào năm 2019 với tác phẩm báo in “Đến trường trên những nhánh sông”.

Chìa khóa tái sinh

Chia sẻ về nghề nghiệp và sự “bén duyên” với các đề tài mảng giáo dục, đại diện nhóm tác giả, Nhà báo Hải Nguyên cho biết: May mắn của cả tôi và bạn đồng nghiệp Phạm Băng Thanh khi bắt đầu làm nghề đã được phân công làm phóng viên mảng Văn hóa – Xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Mỗi người đều có khoảng chục năm gắn bó nên những đề tài về giáo dục luôn là một phần của công việc, hơn thế nữa trở thành một mối quan tâm, ưu tiên lớn của bản thân, từ những việc đã làm được và cả những vấn đề còn trăn trở của ngành giáo dục địa phương.

 Nhóm tác giả, từ phải sang: Phạm Quốc Rin, Phạm Băng Thanh, Trần Lê Tuấn chụp ảnh kỷ niệm cùng 2 nhân vật trong loạt bài viết là bà Phạm Hồng Tím (má Tím) và bác sĩ Trần Thị Hồng Mãi (Út Mãi).

Nhóm tác giả, từ phải sang: Phạm Quốc Rin, Phạm Băng Thanh, Trần Lê Tuấn chụp ảnh kỷ niệm cùng 2 nhân vật trong loạt bài viết là bà Phạm Hồng Tím (má Tím) và bác sĩ Trần Thị Hồng Mãi (Út Mãi).

Chuẩn bị tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024, nhóm tác giả của Báo Cà Mau đã thảo luận, lựa chọn theo hướng đề tài mới và cách thể hiện mới.

“Những câu chuyện, nhân vật chúng tôi kể trong tác phẩm đều có điểm chung là không khuất phục trước nghịch cảnh, vượt lên nghịch cảnh và chiến thắng nghịch cảnh bằng một nghị lực phi thường và niềm tin mãnh liệt.

Và chìa khóa để mở ra tất cả những điều kỳ diệu đó chính là tình thương, là giáo dục, là học tập”, nhà báo Hải Nguyên chia sẻ.

Theo nhà báo Băng Thanh, việc khẳng định, đề cao vai trò của giáo dục, của học tập trong việc hồi sinh và tái sinh những mảnh đời yếu thế trong đời sống xã hội là những trải nghiệm quý giá và cũng là tinh thần, thông điệp mà nhóm tác giả gởi gắm thông qua tác phẩm dự thi.

“Thông qua tác phẩm “Những cuộc tái sinh kỳ diệu”, chúng tôi muốn truyền tải và lan tỏa thông điệp lớn hơn: “Không một ai bị bỏ lại phía sau” - Quan điểm nhất quán với tính ưu việt và tinh thần nhân văn của Đảng ta, Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chính sách đối với các nhóm yếu thế trong xã hội”, nhà báo Băng Thanh tâm sự.

Trong những mái nhà chung tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm nhân ái tại Cà Mau với sự chung sức, nghĩa tình, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội đã một lần nữa tái sinh; viết nên hành trình kỳ diệu của những phận đời trẻ em bất hạnh vươn lên và chiến thắng số phận. Ở đó, giáo dục và học tập đã mở ra cơ hội, cánh cửa để những bạn trẻ có thể tự mình xây dựng và làm chủ tương lai tươi sáng, tốt đẹp của chính cuộc đời mình.

“Điểm hẹn” của những người làm báo

Lần thứ hai chạm vào Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam, Nhà báo Phạm Quốc Rin tâm đắc: “Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam trở thành “điểm hẹn” để đội ngũ người làm báo, các cơ quan báo chí cùng nhau tôn vinh, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của lĩnh vực giáo dục, của sự nghiệp giáo dục “trăm năm trồng người”.

 Nhà báo Phạm Quốc Rin trong một chuyến tác nghiệp.

Nhà báo Phạm Quốc Rin trong một chuyến tác nghiệp.

Bên cạnh đó là nhận diện những vấn đề còn trăn trở, vướng mắc của lĩnh vực giáo dục, cùng nhau đề xuất, hiến kế giải pháp tháo gỡ; để giáo dục thực sự đổi mới và nâng chất toàn diện, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.

Với sự chuyển mình đổi mới mạnh mẽ của Báo Cà Mau, nhóm tác giả đã được lãnh đạo tòa soạn khuyến khích thể hiện tác phẩm theo loại hình báo điện tử tích hợp đa phương tiện sinh động, hấp dẫn và có khả năng tương tác cao hơn với độc giả. Kỹ thuật viên Trần Lê Tuấn đã tham gia cùng nhóm với sự nỗ lực, tâm huyết để chuyển tải trọn vẹn nội dung, thông điệp của tác phẩm với sự chỉn chu nhất có thể.

“Với những người làm nghề báo, mỗi một giải thưởng đều hết sức vinh dự, vui mừng, chúng tôi gởi lời cảm ơn đến Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi và cùng chia sẻ, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa từ sân chơi nghề nghiệp thú vị, bổ ích này với đồng nghiệp làm báo cả nước”, nhà báo Hải Nguyên chia sẻ.

Quách Mến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-tao-nen-nhung-cuoc-tai-sinh-ky-dieu-post708536.html