Chấp hành lệnh giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng đua nhau tung gói vay ưu đãi
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng đua nhau tung gói vay ưu đãi
Hiện nay, nhiều ngân hàng đang đua nhau tung gói vay ưu đãi cho sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, cho vay nhà ở thương mại.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết, nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, nhà ở, ngân hàng sẽ triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng cá nhân.
Cụ thể, từ nay đến ngày 31.12.2023, MSB tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho các khách hàng cá nhân đang vay vốn tại MSB. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 trong năm 2023, MSB thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu tại ngân hàng.
Đối tượng được hưởng ưu đãi là tất cả khách hàng cá nhân vay có tài sản bảo đảm đang có dư nợ tại MSB, thỏa mãn các điều kiện của chương trình. Với nhóm khách hàng mới, MSB cũng đẩy mạnh các gói tín dụng cạnh tranh với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay như cho vay kinh doanh, thế chấp linh hoạt, bất động sản... Trong đó, tiêu biểu là gói giải pháp "Cơn lốc kinh doanh" với mức lãi suất hiện tại chỉ 10,5%/năm; vay mua bất động sản chỉ còn 10,99%/năm.
Ngân hàng BIDV cũng thông báo triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỉ đồng. Chương trình áp dụng đến hết ngày 31.12.2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng. Các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại có phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt và phù hợp với nhu cầu thực tế về nhà ở trên thị trường sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất từ 8,5%/năm. Đối với các cá nhân, lãi suất cho vay áp dụng từ 7,8%/năm.
Trước đó, BIDV cũng đã triển khai gói tín dụng quy mô 30.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% so với mức thông thường của các ngân hàng. Ngoài ra, kể từ 1.6.2023, BIDV đã tiến hành giảm lãi suất cho vay tới 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành đối với các khoản vay trung và dài hạn hiện hữu và chưa được áp dụng lãi suất cạnh tranh trước đó. Đây là lần thứ 2 trong năm 2023, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu.
Ngân hàng LPBank cũng vừa công bố nâng quy mô gói ưu đãi cho vay sản xuất kinh doanh từ 8.000 tỉ lên 10.000 tỉ đồng. Đây là một trong những chính sách của ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngắn hạn để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Gói ưu đãi này hiện có lãi suất chỉ từ 7,5%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp và 8,5%/năm cho khách hàng cá nhân. Đồng thời, mức lãi suất này sẽ không thay đổi trong suốt thời gian vay vốn.
Ngân hàng Nhà nước lệnh giảm lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung về việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất tiền gửi, niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại các địa điểm thuận tiện gửi tiền theo quy định. Ngoài ra, các ngân hàng cần triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm cam kết giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
"Các tổ chức tín dụng tích cực chủ động truyền thông về việc giảm lãi suất cho vay, đồng thời thông tin cụ thể cho khách hàng về chính sách giảm lãi suất cho vay để khách hàng biết và tiếp cận chính sách hỗ trợ", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, phải theo dõi sát diễn biến lãi suất trên địa bàn để có giải pháp, đề xuất phù hợp trong việc triển khai chính sách của Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời, cần tăng cường truyền thông các chính sách của Ngân hàng Nhà nước để người dân, doanh nghiệp biết và tích cực triển khai.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 15.6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới chỉ đạt khoảng 12,32 triệu tỉ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%.
Từ ngày 19.6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm một loạt lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế hồi phục. Đây cũng là đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 kể từ đầu năm đến nay.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VNĐ) các kỳ hạn 1 - 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.