Chấp nhận lạm phát để phục hồi kinh tế
Theo TS Trần Đình Thiên, năm nay có thể nới tín dụng và kích cầu lên tý nữa – tức là chấp nhận lạm phát thêm nhằm theo hướng phục hồi kinh tế. Đây là yếu tố kích thích nhiều hơn chứ không phải lo lạm phát.
Bài liên quan
Thủ tướng đề nghị Hà Nội đặt mục tiêu GDP năm 2025 cao hơn 8.300 USD
GDP 6 tháng đầu năm thấp nhất 10 năm qua
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong mức tăng 0,4% của CPI tháng 7/2020 so với tháng trước, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm giao thông tăng nhiều nhất với 3,91% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 27/6/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 9,02% (tác động làm CPI chung tăng 0,37%).
Kích cầu tiêu dùng được coi là một trong những giải pháp phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,47% chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt tăng lần lượt là 2% và 0,25% khi nhu cầu sử dụng điện, nước tăng mạnh vào thời điểm thời tiết nắng nóng và do giá gas tăng 1,13%, giá dầu hỏa tăng 8,2%.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,3% do đây là tháng học sinh, sinh viên bước vào kỳ nghỉ hè nên nhu cầu vui chơi giải trí tăng cao. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%. Các nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,06%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,02% do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống, giải khát tăng (giá nước giải khát có ga tăng 0,11%, giá nước quả ép tăng 0,06%). Nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục cùng mức tăng 0,02% và nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,17%.
Ngoài các nhóm tăng trên, một số nhóm giảm, điển hình như dịch vụ ăn uống giảm 0,18% . Trong đó lương thực giảm 0,2% do giá gạo giảm 0,33%; thực phẩm giảm 0,3% còn nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.
Tính chung, CPI bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 4,07% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 7/2020 giảm 0,19% so với tháng 12/2019 và tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước.Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 2,74% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 7/2020, lạm phát cơ bản tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước.
Trước con số CPI 7 tháng đầu năm, TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc công bố lạm phát bình quân trong 7 tháng đầu năm là 4,07% chưa phải là con số đánh lo ngại bởi doanh nghiệp và sức mua nói chung rất yếu, trong khi tín dụng chưa đủ mạnh, cho nên những chỉ số cơ bản để lo ngại chưa có gì.
Thậm chí, năm nay có thể nới tín dụng và kích cầu lên tý nữa – tức là chấp nhận lạm phát thêm nhằm theo hướng phục hồi kinh tế. Đây là yếu tố kích thích nhiều hơn chứ không phải lo lạm phát. Hiện nay các yếu tố để kích thích hoạt động đang yếu – đây là lý do cơ bản về lạm phát, tức là phải có tư duy về lạm phát tích cực hơn.
Dự báo về GDP những tháng cuối năm trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định: "Trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 2 tại Đà Nẵng, tôi đã nhận định tình hình khó khăn vẫn tiếp tục bởi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài rất nhiều và doanh nghiệp Việt Nam khá yếu, vì thế dịch Covid-19 “bùng nổ” lần này sẽ khiến tình hình khó khăn gấp bội. Cho nên, chúng ta phải bình tĩnh: Tôi tin rằng chúng ta vượt qua dịch Covid-19 lần này hơi vất vả nhưng mà chắc là vượt qua thành công”.
Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ thêm nhiều khó khăn cho nên giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế mà doanh nghiệp chống chịu là cuối năm nay và đầu năm sau. Đây là điều chúng ta phải tính đến để chuẩn bị về “tinh thần” cũng như có các chính sách “chủ động” hơn, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chap-nhan-lam-phat-de-phuc-hoi-kinh-te-post91795.html