Chất bổ sung nào tốt nhất cho phổi?

Phổi có chức năng quan trọng nhất là cung cấp oxy cho các tế bào trong cơ thể để vận hành mọi hoạt động sống... Việc sử dụng một số chất bổ sung nhất định có thể hữu ích trong việc tăng cường sức khỏe phổi.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe phổi, như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí và bệnh tật (viêm phổi, COVID-19, virus hợp bào hô hấp (RSV)). Các bệnh phổi mạn tính như hen suyễn, xơ nang và ung thư phổi cũng ảnh hưởng đến chức năng của phổi.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc sử dụng một số chất bổ sung nhất định có thể hữu ích trong việc tăng cường sức khỏe phổi. Ngay cả những người không mắc bệnh mạn tính cũng có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung này.

1. Chất bổ sung tốt cho phổi

1.1. Vitamin C

Vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể trước các bệnh viêm nhiễm do virus, vi khuẩn như viêm phổi và các bệnh về đường hô hấp khác. Bổ sung đầy đủ vitamin C có thể bảo vệ chống lại bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Trong các nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng, dùng vitamin C thậm chí có thể cải thiện chức năng phổi ở những người mắc bệnh COPD (mặc dù vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận kết quả này). Đặc tính chống oxy hóa của vitamin C giúp giảm bệnh hen suyễn.

Một số chất bổ sung nhất định có thể hữu ích trong việc tăng cường sức khỏe phổi.

Một số chất bổ sung nhất định có thể hữu ích trong việc tăng cường sức khỏe phổi.

1.2. Vitamin D

Mức vitamin D thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm và COVID-19, cả hai đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe phổi.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bổ sung vitamin D ít có khả năng bị nhiễm trùng phổi hơn. Cũng có một số bằng chứng cho thấy việc bổ sung vitamin D giúp những người mắc bệnh hen suyễn kiếm soát các triệu chứng của họ. Ngoài ra, bổ sung vitamin D giúp ngăn ngừa COPD cũng như giúp những người mắc bệnh này có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Các khuyến nghị về lượng vitamin D hàng ngày khác nhau ở mỗi người. Trước khi bổ sung vitamin D cần làm xét nghiệm xác định tình trạng thiếu hụt, để bổ sung cho phù hợp.

1.3. Magiê

Magiê là một khoáng chất chịu trách nhiệm cho hàng trăm phản ứng trong cơ thể, bao gồm điều chỉnh chức năng cơ, thần kinh, huyết áp, lượng đường trong máu… Khoáng chất này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe và chức năng của phổi.

Magiê giúp thư giãn các cơ trơn phế quản (các cơ trong đường hô hấp chính của phổi). Khi các cơ co lại quá nhiều, có thể thu hẹp đường thở. Thư giãn các cơ giúp cải thiện luồng không khí. Magiê cũng có thể làm giảm chứng viêm, tốt cho những người mắc một số bệnh về phổi.

Những người mắc bệnh hen suyễn mạn tính thường có lượng magiê thấp. Bổ sung magiê giúp thư giãn đường thở của những người mắc bệnh này. Ngoài ra, magiê còn giúp bảo vệ chức năng phổi ở những người mắc bệnh COPD và ung thư phổi.

1.4. Axit béo omega - 3

Axit béo omega - 3 được biết đến với tác dụng giảm viêm, hỗ trợ sức khỏe phổi. Những người có lượng axit béo omega - 3 trong máu cao hơn, thường sẽ ít bị suy giảm chức năng phổi hơn.

Omega - 3 có thể làm giảm lượng thuốc mà người mắc bệnh hen suyễn cần dùng. Một số bằng chứng cho thấy omega - 3 có thể cải thiện chức năng hô hấp và phục hồi ở những người bị tổn thương phổi. Những người có hàm lượng omega - 3 cao hơn cũng có thể có nguy cơ nhập viện và tử vong do bệnh phổi kẽ (ILD) thấp hơn.

Ngoài thực phẩm bổ sung, bạn có thể bổ sung omega - 3 bằng cách ăn cá, hạt lanh, hạt chia và một số loại hạt…

Các chất bổ sung có thể đặc biệt hữu ích cho những người mắc bệnh phổi mạn tính.

Các chất bổ sung có thể đặc biệt hữu ích cho những người mắc bệnh phổi mạn tính.

1.5. Vitamin A và E

Một số nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin A và E, hoặc những người bổ sung vitamin A hoặc E, ít có khả năng bị nhiễm trùng phổi hơn. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem liệu dùng những chất bổ sung này có ngăn ngừa được nhiễm trùng hay không.

Nếu bạn đang cân nhắc dùng vitamin A hoặc E, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung thích hợp, vì dùng quá liều các vitamin này có thể gây độc cho cơ thể.

2. Ai cần dùng chất bổ sung cho sức khỏe phổi?

Uống thực phẩm bổ sung để tăng cường sức khỏe phổi có thể có lợi nhất cho những người mắc bệnh ảnh hưởng đến chức năng của phổi. Các chất bổ sung đặc biệt hữu ích cho những người mắc bệnh phổi mạn tính như COPD, hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp, xơ nang…

Tuy nhiên, nên trao đối với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn dùng chất bổ sung nào tốt nhất cho cơ thể và tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn.

3. Những cách khác để cải thiện sức khỏe phổi

Việc giảm chức năng phổi khi bạn già đi là điều bình thường, bắt đầu từ tuổi 35, nhưng có nhiều cách để hỗ trợ và duy trì tuổi thọ cho sức khỏe của phổi:

- Tránh khói thuốc lá (dù là do hút thuốc hay hút thuốc thụ động), là biện pháp phòng ngừa tốt nhất mà bạn có thể thực hiện.

- Duy trì hoạt động, ăn một chế độ dinh dưỡng, bổ sung nước thường xuyên và cập nhật tiêm chủng cũng giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện và bảo vệ sức khỏe phổi của bạn.

- Bạn cũng có thể cố gắng hết sức để tránh ô nhiễm ngoài trời bằng cách theo dõi cảnh báo chất lượng không khí, ở trong nhà hoặc đeo khẩu trang, sử dụng máy lọc không khí khi ô nhiễm không khí ở mức nguy hiểm.

- Những việc khác bạn có thể làm bao gồm đảm bảo chất lượng không khí trong nhà không có nấm mốc, tập thở sâu, giữ vệ sinh tốt và tầm soát ung thư phổi thường xuyên.

DS. Nguyễn Hải Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chat-bo-sung-nao-tot-nhat-cho-phoi-169240811185026973.htm