Chặt chẽ quản lý đo lường chất lượng
Khi tình trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại ngày càng tinh vi, thì đo lường trở thành lá chắn đầu tiên để bảo vệ người tiêu dùng. Không dừng ở đó, đo lường còn là nền tảng kỹ thuật thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo công bằng trong giao dịch và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước.

Tại Cơ sở Quách Tệt, quy trình sản xuất các mặt hàng tuân thủ nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, việc đạt các chứng nhận như: ISO/HACCP, OCOP không chỉ xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn, vì sức khỏe người tiêu dùng, mà còn tạo nền tảng cho phát triển bền vững của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm.
Cơ sở Quách Tệt (phường Tân Thành) chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm bột làm từ các loại hạt. Hiện tại, cơ sở có 6 sản phẩm, trong đó 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (3 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 3 sao). Dây chuyền sản xuất hiện đại, cung cấp ra thị trường hàng ngàn thành phẩm mỗi tháng.
Bà Lê Hồng Diệp (vợ ông Quách Tệt) chia sẻ: "Sản phẩm của cơ sở đã vào được siêu thị trong và ngoài tỉnh. Tiêu chí của chúng tôi là sử dụng nguyên liệu hữu cơ, không phụ gia, không chất bảo quản. Ngoài việc đảm bảo chất lượng đúng như công bố trên bao bì, cơ sở đặc biệt chú trọng đến yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, toàn bộ quy trình sản xuất đều được thiết kế khép kín, đảm bảo sạch sẽ và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”.
Tại tỉnh Cà Mau thời gian qua, hoạt động quản lý đo lường chất lượng được triển khai chặt chẽ, góp phần bảo vệ thị trường và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ trong tỉnh.
Trong tháng 6 vừa qua, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) tiến hành kiểm tra 41 cơ sở, bao gồm 11 cơ sở kinh doanh xăng dầu, 8 cơ sở kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ, 1 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em và 21 cơ sở có sản phẩm tham gia Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm của tỉnh. Tổng cộng đã kiểm tra 48 phương tiện đo và lấy 2 mẫu xăng RON95 gửi thử nghiệm. Kết quả cho thấy không phát hiện vi phạm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng số cơ sở được kiểm tra là 122 đơn vị, đạt 111% kế hoạch năm. Trong đó, có 44 cơ sở kinh doanh xăng dầu, 12 cơ sở kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ, 1 doanh nghiệp taxi, 1 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em và 64 cơ sở có sản phẩm tham gia Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm của tỉnh. Qua kiểm tra, phát hiện 3 cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm trong lĩnh vực đo lường, hồ sơ đã được chuyển Thanh tra Sở xử lý theo quy định.
Ông Lê Việt Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cho biết: “Bên cạnh công tác kiểm tra tiêu chuẩn đo lường, mỗi năm Chi cục tiến hành lấy trên 100 mẫu hàng hóa lưu thông trên thị trường để khảo sát chất lượng. Những mẫu không đạt sẽ được thông báo đến các sở, ngành liên quan để phối hợp kiểm tra và xử lý”.

Theo bà Diệp, mỗi mặt hàng đều có công dụng riêng và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong xu thế hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, chất lượng sản phẩm đã trở thành yêu cầu tất yếu. Ðo lường chính xác và minh bạch là nền tảng để kiểm soát chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khẳng định uy tín doanh nghiệp.
Chỉ khi người tiêu dùng đặt trọn niềm tin vào sản phẩm trong nước, doanh nghiệp an tâm đầu tư vào chất lượng và cơ quan quản lý đồng hành một cách hiệu quả thì mới có thể xây dựng nên thị trường lành mạnh, bền vững, từng bước nâng tầm thương hiệu Việt trên bản đồ kinh tế toàn cầu./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chat-che-quan-ly-do-luong-chat-luong-a56453.html