Chính sách lương giảm dần theo tuổi khiến người lao động chật vật
Một báo cáo mới từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cảnh báo rằng hệ thống lương và chính sách nghỉ hưu của Hàn Quốc đang đẩy hàng triệu lao động lớn tuổi vào tình trạng nghèo đói, bấp bênh ngay cả khi họ vẫn đang làm việc toàn thời gian.

Người lao động lớn tuổi tại Hàn Quốc vẫn làm việc toàn thời gian nhưng thường bị cắt giảm thu nhập đáng kể do hệ thống lương theo tuổi. Ảnh: iStockphoto
Lương giảm dần theo tuổi
Ông G. Young Soo, một nhân viên bảo hiểm, bắt đầu làm việc tại công ty khi 23 tuổi và sau hơn ba thập kỷ, ông đã giữ vị trí giám đốc chi nhánh. Nhưng khi bước sang tuổi 60, ông chứng kiến mức lương của mình bị cắt giảm đáng kể, dù khối lượng và thời gian làm việc không đổi.
Theo hệ thống “lương cao nhất” được nhiều công ty Hàn Quốc áp dụng, lương của ông Young Soo đã bị giảm 20% khi ông đến tuổi 56, và giảm tiếp 10% mỗi năm sau đó.
Đến lúc nghỉ hưu vào năm 61 tuổi, ông chỉ còn nhận được 52% mức thu nhập từng có ở tuổi 55. “Đó là một hình thức phân biệt đối xử theo tuổi tác”, ông nhận xét.
Tương tự, bà D. Young Sook, một y tá 59 tuổi, cũng chuẩn bị nghỉ hưu sau 36 năm công tác. “Tôi không thể tưởng tượng sẽ rời khỏi tổ chức này. Cảm giác như một mình đứng trước cơn gió mạnh”, bà nói.
Câu chuyện của ông Young Soo và bà Young Sook là minh chứng cho xu hướng phổ biến tại Hàn Quốc, nơi hệ thống chính sách lao động có xu hướng ưu tiên thế hệ trẻ và "ép" người lớn tuổi rời khỏi vị trí ổn định bằng cách cắt giảm lương, dù chưa đến tuổi nghỉ hưu chính thức.
Theo báo cáo của HRW công bố tuần này, phần lớn các công ty lớn ở Hàn Quốc thiết lập tuổi nghỉ hưu ở mốc 60 và thường áp dụng mô hình "giảm lương theo tuổi". Số người bị ảnh hưởng ước tính khoảng 3,1 triệu người.
Mô hình này ban đầu được xây dựng với mục tiêu tái cơ cấu nguồn nhân lực, sử dụng phần lương cắt giảm từ người lao động lớn tuổi để tuyển dụng thế hệ trẻ, qua đó cải thiện năng suất.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy người lớn tuổi thường bị đẩy sang những công việc tạm thời, bấp bênh với mức thu nhập thấp hơn 29% so với đồng nghiệp trẻ tuổi. Gần 70% trong số họ không có hợp đồng ổn định.
Hệ quả là Hàn Quốc đang trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi sống trong cảnh nghèo đói cao nhất thế giới, với khoảng 38% người trên 65 tuổi sống dưới mức nghèo.
Bà Bridget Sleap, chuyên gia cao cấp của HRW và là tác giả chính của báo cáo, nhận định: “Những chính sách này được cho là nhằm bảo vệ người lao động, nhưng trên thực tế lại làm điều ngược lại. Chúng từ chối cơ hội tiếp tục làm việc, hạ thấp giá trị và thu nhập chỉ vì tuổi tác.”
Tranh cãi xung quanh đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu
Báo cáo được công bố trong bối cảnh Hàn Quốc đang đối mặt với áp lực lớn từ việc già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp kỷ lục. Quỹ hưu trí quốc gia được cảnh báo có thể cạn kiệt trong vài thập kỷ tới nếu không có cải cách mạnh tay.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung từng cam kết trong chiến dịch tranh cử sẽ nâng tuổi nghỉ hưu lên 65, nhằm thu hẹp khoảng cách với độ tuổi bắt đầu nhận lương hưu và đảm bảo người lao động có thời gian đóng góp dài hơn. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ từ một số tổ chức cố vấn và ủy ban nhân quyền.
Tuy nhiên, nhóm lao động trẻ tuổi lại bày tỏ lo ngại rằng việc kéo dài tuổi nghỉ hưu có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm và năng suất chung. Một số chuyên gia cho rằng mối lo này chưa có cơ sở xác đáng, bởi các nghiên cứu trong nước chỉ ra rằng tuổi tác không ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất lao động.
Dù vậy, nhiều ý kiến cảnh báo rằng nếu không thay đổi hệ thống cắt giảm lương theo tuổi hiện tại, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể khiến tình trạng phân biệt đối xử càng kéo dài.
Đối với những người như ông G. Young Soo, quyết định ở lại làm việc đến tuổi 60 là một lựa chọn đầy dũng cảm giữa làn sóng “nghỉ hưu sớm để tránh lương giảm”. “Chúng tôi cần rất nhiều can đảm để chống lại xu hướng đó,” ông nói.
Bộ Lao động Hàn Quốc hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về báo cáo của HRW.