Danh mục phân loại xanh giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn xanh hiệu quả

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg nhằm quy định tiêu chí và cơ chế xác nhận đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh.

Theo quy định mới, để được xác nhận là dự án đầu tư xanh, dự án phải đồng thời đáp ứng hai tiêu chí quan trọng. Thứ nhất, dự án phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định hiện hành.

Việt Nam cam kết giảm 15,8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 bằng nguồn lực trong nước, và có thể tăng lên đến 43,5% nếu có sự hỗ trợ quốc tế.

Việt Nam cam kết giảm 15,8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 bằng nguồn lực trong nước, và có thể tăng lên đến 43,5% nếu có sự hỗ trợ quốc tế.

Trong trường hợp dự án được miễn thủ tục môi trường, tiêu chí này không bắt buộc. Thứ hai, dự án phải thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc có lợi ích rõ ràng về môi trường, đồng thời đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được quy định tại Phụ lục I của Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg.

Việc xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh có thể được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức xác nhận độc lập.

Trong trường hợp đầu tiên, việc xác nhận được lồng ghép vào quy trình xử lý hồ sơ hành chính về môi trường như thẩm định ĐTM hoặc cấp giấy phép môi trường.

Trường hợp thứ hai, tổ chức xác nhận độc lập phải có tư cách pháp nhân, đăng ký hoạt động tại Việt Nam, và thuộc một trong các loại hình như tổ chức kiểm toán, tổ chức đánh giá sự phù hợp hoặc đơn vị có chức năng tương tự.

Đồng thời, các tổ chức này phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn hoặc chuẩn mực chuyên môn như TCVN ISO/IEC 17029:2020, ISO/IEC 17029:2019, ISAE 3000 hoặc các chuẩn mực quốc tế tương đương được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Việc xác nhận sẽ được thực hiện theo đề nghị của chủ đầu tư dự án hoặc chủ thể phát hành trái phiếu xanh.

Nếu thực hiện theo hình thức xác nhận bởi cơ quan nhà nước, đề nghị xác nhận sẽ được tích hợp trong hồ sơ đề nghị thẩm định ĐTM hoặc cấp phép môi trường. Điều này góp phần đơn giản hóa thủ tục, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn xanh.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các cam kết khí hậu, xác nhận và phân loại dự án đầu tư xanh là công cụ quan trọng để định hướng dòng vốn.

Theo báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam cam kết giảm 15,8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 bằng nguồn lực trong nước, và có thể tăng lên đến 43,5% nếu có sự hỗ trợ quốc tế.

Tương ứng, nhu cầu tài chính để hiện thực hóa các mục tiêu này là 21,5 tỷ USD và 86,8 tỷ USD. Phần lớn sự hỗ trợ quốc tế sẽ đến dưới dạng viện trợ không hoàn lại, vay ưu đãi, hỗ trợ công nghệ và nâng cao năng lực.

Đại diện Trung tâm Thích ứng biến đổi khí hậu và Trung hòa carbon cho biết, chi phí cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 3-5% GDP mỗi năm.

Trong khi đó, thị trường tài chính xanh đang phát triển nhanh chóng với sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc xác định rõ các dự án đầu tư xanh sẽ góp phần tạo niềm tin cho thị trường và tăng tính minh bạch trong huy động vốn.

Hiện nay, hai công cụ tài chính xanh chính đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường là tín dụng xanh và trái phiếu xanh.

Theo một số chuyên gia, tín dụng xanh là khoản vay do tổ chức tín dụng cung cấp cho các hoạt động sản xuất, tiêu dùng và đầu tư không gây hại đến môi trường, qua đó góp phần bảo vệ hệ sinh thái.

Trong khi đó, trái phiếu xanh là khoản vay được phát hành bởi chính phủ, địa phương hoặc doanh nghiệp, nhằm huy động vốn cho các dự án mang lại lợi ích rõ rệt về môi trường.

Để hỗ trợ hiệu quả hơn cho hoạt động cấp tín dụng và phát hành trái phiếu xanh, Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường đang chủ trì xây dựng Danh mục phân loại xanh, trong đó nêu rõ tiêu chí môi trường và quy trình xác nhận dự án xanh.

Danh mục này dự kiến sẽ bao gồm tám nhóm ngành ưu tiên như năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên nước, nông - lâm - thủy sản, đa dạng sinh học, chế biến, chế tạo và dịch vụ môi trường.

Tuy nhiên, do Việt Nam hiện có tới hơn 4.000 loại hình dự án đầu tư khác nhau, công tác xây dựng danh mục đang được tiến hành một cách cẩn trọng, trên cơ sở nghiên cứu các quy định trong nước và kinh nghiệm quốc tế.

Một trong những đề xuất quan trọng trong quá trình xây dựng là trao quyền xác nhận cho các tổ chức độc lập thay vì tạo thêm một thủ tục hành chính bắt buộc.

Nếu việc xác nhận trở thành rào cản thì chính doanh nghiệp sẽ e ngại tiếp cận nguồn vốn xanh. Do đó, các tổ chức kiểm toán hoặc đánh giá sự phù hợp sẽ là lực lượng chính đảm nhận vai trò xác nhận, với điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn rõ ràng về pháp lý và năng lực chuyên môn.

Về mặt kỹ thuật, các dự án đầu tư trong Danh mục phân loại xanh phải chứng minh được khả năng giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời, cần đáp ứng các yêu cầu cụ thể về quy trình sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, thiết bị và chất thải. Các tiêu chí này được xây dựng dựa trên quy định tại Điều 149 và 150 của Luật Bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo rằng các dự án không chỉ “mang mác xanh” mà thực sự có tác động tích cực đến môi trường sống và hệ sinh thái.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/danh-muc-phan-loai-xanh-giup-doanh-nghiep-tiep-can-von-xanh-hieu-qua-d327403.html