Bộ Công Thương ban hành kế hoạch phát triển kinh tế tư nhân

Bộ Công Thương ban hành kế hoạch thúc đẩy kinh tế tư nhân, tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới ký Quyết định 1938/QĐ-BCT ngày 3/7 về việc ban hành kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân.

Bộ Công Thương ban hành kế hoạch thúc đẩy kinh tế tư nhân, tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương ban hành kế hoạch thúc đẩy kinh tế tư nhân, tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư. Ảnh minh họa

Mục đích của kế hoạch nhằm thể chế hóa và thực hiện đầy đủ, đồng bộ, nhất quán các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương đã nêu tại Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (sau đây gọi là Nghị quyết 138/NQ-CP); Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân (sau đây gọi là Nghị quyết 139/NQ-CP).

Xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của Bộ Công Thương, làm căn cứ để các đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả; lồng ghép vào trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác hằng năm, trung hạn và dài hạn của Bộ và của đơn vị để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả nguồn lực.

Đồng thời, đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.

Về nhiệm vụ cụ thể, các đơn vị thuộc Bộ cần tập trung vào các nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân.

Thứ ba, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao.

Thứ tư, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân.

Thứ năm, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Thứ sáu, hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Thứ bảy, hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.

Thứ tám, đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-ban-hanh-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-409863.html