'Chặt chém' du khách, 'con sâu bỏ rầu' ngành du lịch

Những sự vụ gần đây về việc 'chặt chém', chèo kéo khách du lịch được xem là 'con sâu bỏ rầu nồi canh' làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam. Để chấm dứt triệt để tình trạng này cần ngành du lịch và địa phương triển khai các biện pháp xử lý mạnh tay hơn.

Có cơ hội là “chặt chém”

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin, clip lái xe taxi, người bán hàng rong ở Hà Nội “chặt chém” du khách nước ngoài. Mới đây, câu chuyện tài xế taxi bị du khách Pháp tố "chặt chém" 500.000 đồng cho quãng đường chưa đến 100m và thêm 500.000 đồng để trả lại tài sản bỏ quên trên xe khiến dư luận dậy sóng.

Trước đó, trên địa Hà Nội cũng liên tiếp xảy ra các vụ việc người bán hàng rong có hành vi “chặt chém” du khách, trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Tháng 3/2024, UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ) đã làm việc và xử phạt hành chính về lỗi bán hàng rong không niêm yết giá đối với người có ý định bán túi táo nhỏ cho khách du lịch nước ngoài với giá 200.000 đồng.

Du khách quốc tế tham quan di tích văn hóa chùa Bát Sứ (Đà Lạt). Ảnh: Hoài Nam

Du khách quốc tế tham quan di tích văn hóa chùa Bát Sứ (Đà Lạt). Ảnh: Hoài Nam

UBND phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) xử phạt một người bán hàng rong bán 4 bánh rán giá 50.000 đồng cho khách nước ngoài... Mặc dù vụ việc đã được lực lượng chức năng xác minh xử lý nhưng ít nhiều đã làm tổn hại đến hình ảnh của du lịch Thủ đô.

Phân tích nguyên nhân khiến hiện tượng “chặt chém” du khách, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản nêu rõ, đây là tư duy mùa vụ, “ăn xổi”, thay vì nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài. “Đây là biểu hiện của cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, những vụ việc chỉ xảy ra ở một số địa phương nhưng làm xấu hình ảnh du lịch quốc gia, khiến du lịch mãi ì ạch” - ông Thản khẳng định.

Du khách dạo chơi tại không gian đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam

Du khách dạo chơi tại không gian đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Công ty Du lịch Mặt Trời Việt Nam (Sunvina travel) Tạ Hữu Chiến phản ánh, vấn đề "chặt chém", chèo kéo du khách đã diễn ra từ lâu nhất là những tỉnh, thành tập trung nhiều khách du lịch như Hà Nội, SaPa, Đà Nẵng, Nha Trang… và du khách luôn là đối tượng để một số đối tượng lợi dụng.

Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, ở Việt Nam hình thức buôn bán hàng rong diễn ra khá nhiều nên việc kiểm soát giá cả, người kinh doanh còn khó khăn.

Thêm nữa, đối tượng chộp giật, chèo kéo đôi khi không phải là người dân địa phương mà từ nơi khác đến hành nghề. Khi xảy ra hiện tượng như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch cũng như hình ảnh địa phương, đặc biệt trong thời đại truyền thông, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Cần có biện pháp cứng rắn

Có thể thấy, việc trục lợi từ hành vi “chặt chém” nếu không ngăn chặn dứt điểm sẽ tạo tiền lệ xấu. Dưới góc độ chuyên gia GS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nêu rõ, “chặt chém” du khách là hành vi thể hiện kiểu làm ăn chụp giật, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, mà không thấy hậu quả lâu dài là mất khách, mất sức hút, thương hiệu của điểm đến, ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Du khách quốc tế tham quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam

Du khách quốc tế tham quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam

Thực tế, “vấn nạn” tăng giá vô tội vạ, chặt chém, dịch vụ đắt đỏ vào mỗi dịp nghỉ lễ là chuyện thường xẩy ra, vì vậy Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng đầy là vấn đề “nóng” của du lịch Việt Nam. Điều này thực sự nguy hiểm vì nó ảnh hưởng tới hoạt động du lịch của ta khiến cả ngành du lịch bị mang tiếng chặt chém. "Hình ảnh du lịch của địa phương là do chính lãnh đạo nơi đó. Họ cần phải kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động trên địa bàn” - ông Bình nói.

Để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng “chặt chém” du khách, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho rằng, chính quyền địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động của người bán hàng rong. Đồng thời tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, cần tăng cường hệ thống camera giám sát và nâng cao an ninh tại các khu vực du lịch để bảo đảm an toàn cho du khách.

Du khách tham quan làng hoa cây cảnh Sa Đéc (Đồng Tháp). Ảnh: Hoài Nam

Du khách tham quan làng hoa cây cảnh Sa Đéc (Đồng Tháp). Ảnh: Hoài Nam

Còn theo Phó Chủ tịch Hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, những hiện tượng “chặt chém” du khách thời gian qua đều là do ý thức của những người kinh doanh buôn bán, trong đó phần lớn là những người lao động ngoại tỉnh. Vì thế, chính quyền địa phương bên cạnh việc quản lý, nhắc nhở người bán hàng cần đào tạo hướng dẫn viên du lịch cách xử lý tình huống khi có vấn đề với du khách. Đồng thời, cần khuyến khích du khách thông báo kịp thời với chính quyền khi gặp vấn đề.

Để ngăn chặn hiện tượng chặt chém khách du lịch trong mùa du lịch hè , Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vừa có công văn gửi các đơn vị quản lý du lịch tỉnh, thành phố về việc tăng cường đảm bảo an toàn du lịch hè.

Trong đó, yêu cầu các đơn vị kinh doanh cần tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết công khai giá bán hàng hóa. Giá dịch vụ phải được niêm yết tại khu vực lễ tân, nơi dễ nhìn thấy, nơi khách tiếp cận trước khi sử dụng dịch vụ, không tùy tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch.

Thông tin về những giải pháp ngăn chặn hiện tượng “chặt chém” du khách, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương giang cho biết, đơn vị thường xuyên duy trì bộ phận trực tổng đài và “đường dây nóng” để hỗ trợ, hướng dẫn thông tin cho du khách. Đồng thời yêu cầu các đơn vị điểm đến, lữ hành thực hiện hoạt động du lịch văn minh, niêm yết giá công khai. Thanh tra Sở Du lịch cũng phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành xác minh, xử lý những vụ việc vi phạm trong hoạt động du lịch.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chat-chem-du-khach-con-sau-bo-rau-nganh-du-lich.html