'Chắt chiu' mật ngọt giữa rừng ngập mặn
Là địa phương ven biển có diện tích rừng ngập mặn tương đối lớn tại huyện Kiến Thụy (thành phố Hải Phòng), những năm qua người dân xã Đại Hợp đã tích cực chuyển đổi mô hình, tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển nghề nuôi ong mật, làm giàu cho quê hương.
Khấm khá nhờ con ong mật
Đang tất bật đóng mật ong để giao cho khách hàng, ông Đặng Thanh Tùng (Giám đốc hợp tác xã Mật ong Tùng Hằng) hồ hởi khoe với chúng tôi: “Khách hàng khi đã dùng mật ong hoa rừng ngập mặn thì khó mà chê được. Vừa có một siêu thị tại Hà Nội đặt hàng tôi 500 chai mật ong để bán, mà vẫn không đủ để cung cấp”. Lý giải cho sự “đặc biệt” và luôn cháy hàng của mật ong hoa rừng ngập mặn, ông Tùng bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về hành trình kết tinh mật ngọt của đàn ong và quá trình đổi đời nhờ nghề nuôi ong của biết bao người dân nghèo vùng biển.
Năm 1997, xã Đại Hợp là một trong những địa phương được Nhật Bản tài trợ để thực hiện dự án “Trồng rừng ngập mặn giảm thiểu rủi ro thảm họa” với tổng diện tích hơn 650ha. Sau 3 năm, cánh rừng ngập mặn với những loại cây vẹt, sú, đước, bần, trang,... bắt đầu ra hoa tươi tốt. Một số người nuôi ong ở các tỉnh, thành phố khác liền di chuyển đàn ong tới đây hút mật. Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ con ong và thế mạnh tự nhiên của địa phương, một vài hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi từ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản sang nuôi ong trong rừng ngập mặn.
Giống ong được người dân chọn nuôi là dòng ong nội xuất xứ từ ong châu Á bản địa, kích thức tuy nhỏ nhưng chất lượng mật thơm ngon, có đặc tính khỏe mạnh, chống chọi được bệnh tật, thích nghi tốt với thời tiết và môi trường nơi đây, lại không phải di chuyển theo vùng hoa. Trong quá trình nuôi người dân không tốn nhiều công chăm sóc mà hoàn toàn để ong sinh trưởng, phát triển tự nhiên. Gặp điều kiện tự nhiên thuận lợi lại có nguồn hoa dồi dào, con ong mặc sức sinh sôi nảy nở. Chính loài ong này đã cho ra thứ mật sánh quyện làm nên tên tuổi của mật ong hoa rừng ngập mặn.
Theo ông Tùng, không giống những vùng nuôi ong khác như hoa nhãn, hoa vải hay hoa táo chỉ có từ 1-2 tháng ra hoa, hết mùa người nuôi ong phải di chuyển đàn đến khu vực khác thì cánh rừng ngập mặn nơi đây 1 năm cho tới 9 tháng ra hoa. Chính vì vậy, nguồn thức ăn trong tự nhiên cho ong luôn dồi dào. Duy chỉ có thời điểm giữa năm vào tháng 8 và tháng 9, lượng hoa trong rừng ngập mặn ít đi, người dân phải di chuyển đàn ong sang địa bàn giáp ranh là phường Bàng La (quận Đồ Sơn), nơi có hàng trăm ha táo đang trổ hoa để ong hút mật.
Hiện nay, hợp tác xã Mật ong Tùng Hằng đang có hơn 1.000 đàn ong, sản lượng trung bình 1 đàn/năm là 12 lít. Sản lượng hàng năm của hợp tác xã không ngừng tăng, đạt bình quân từ 8-9 nghìn lít được bán với giá 300.000 đồng/lít, thu lợi nhuận 700 triệu đồng/năm. Thị trường tiêu thụ của mật ong hoa rừng ngập mặn chủ yếu tại các tỉnh thành phía bắc và miền trung như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh Thanh Hóa, Nghệ An,... Nhiều hộ dân trở nên khấm khá nhờ nghề nuôi ong.
Khác với các loại mật khác, mật ong hoa rừng ngập mặn được đánh giá là chuẩn “sạch” vì rừng ngập mặn vốn là môi trường tự nhiên, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học nên bảo đảm về độ an toàn. Chất lượng mật thơm ngon, sánh quyện, giàu chất khoáng lại có vị ngọt dịu chứ không ngọt gắt.
Ông Đặng Thanh Tùng (Giám đốc hợp tác xã Mật ong Tùng Hằng)
Theo ông Tùng, giá thành tuy không rẻ nhưng đi đôi với chất lượng. “Khác với các loại mật khác, mật ong hoa rừng ngập mặn được đánh giá là chuẩn “sạch” vì rừng ngập mặn vốn là môi trường tự nhiên, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học nên bảo đảm về độ an toàn. Chất lượng mật thơm ngon, sánh quyện, giàu chất khoáng lại có vị ngọt dịu chứ không ngọt gắt. Đây cũng là lý do khiến cho mật ong hoa rừng ngập mặn của hợp tác xã luôn trong tình trạng “cháy hàng”, sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết đến đó”, ông Tùng cho hay.
Nhờ lợi thế sẵn có về tự nhiên, mật ong rừng ngập mặn được coi là đặc sản hiếm nơi nào có được. Với chất lượng vượt trội và đánh giá cao từ người dùng, năm 2023 sản phẩm mật ong hoa rừng ngập mặn của hợp tác xã Mật ong Tùng Hằng đã được chứng nhận đạt OCOP 4 sao, vinh dự trở thành sản phẩm tiêu biểu của huyện Kiến Thụy và đại diện cho xã Đại Hợp trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đẩy mạnh phát triển chất lượng và thương hiệu sản phẩm
Thường xuyên sử dụng các loại sản phẩm tự nhiên để chăm sóc sức khỏe cho gia đình, chị Hoàng Ngọc Khánh (quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) không thể bỏ qua sản phẩm được mệnh danh là “quà tặng từ thiên nhiên”.
Chị Khánh chia sẻ: “Mật ong có nhiều công dụng như chống ô-xy hóa, chống bệnh tiểu đường,... đồng thời chứa các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Kể từ khi biết đến sản phẩm mật ong hoa rừng ngập mặn thì gia đình tôi đã chuyển hẳn sang dùng loại mật này bởi chất lượng mật ngon, lại đảm bảo sạch nên tôi rất yên tâm”.
Để phát triển thương hiệu mật ong được như ngày nay, không thể không kể đến việc thành lập hợp tác xã đã tạo ra bước ngoặt lớn cho nghề nuôi ong tại vùng biển Đại Hợp. Ông Tùng nhớ lại, để mở rộng quy mô sản xuất, năm 2010 một số hộ dân đã bắt tay thành lập Tổ hợp tác nuôi ong quy tụ những người có nhu cầu và mục đích phát triển kinh tế từ nghề này. Song, không được hiệu quả vì khó tiêu thụ, chưa được nhiều người biết đến dù chất lượng không hề thua kém các dòng mật khác.
Trăn trở đi tìm đầu ra cho sản phẩm, ông Tùng bắt tay vào nghiên cứu. Tháng 5/2020, hợp tác xã Mật ong Tùng Hằng chính thức được thành lập theo Luật Hợp tác xã 2012 đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi ong. Với 7 thành viên và gần 30 hộ nuôi ong, hợp tác xã hoạt động theo hình thức sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Từ khi có hợp tác xã, mật ong hoa rừng ngập mặn được biết đến rộng rãi. Hợp tác xã đã tiến hành ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, bưu điện Hải Phòng, sàn điện tử Potmart, Sale 168,... để bảo đảm đầu ra ổn định cho người dân.
Để khắc phục tình trạng hàm lượng nước cao dẫn đến mật loãng, hợp tác xã đang áp dụng hệ thống máy tách nước thủy phân mật ong. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại mà mật ong của hợp tác xã sau khi thu hoạch được ép tách nước, bảo đảm lượng nước trong mật còn dưới 23% theo đúng tiêu chuẩn mật ong của Việt Nam. Nhờ vậy mà mật để lâu không bị chua, đảm bảo được chất lượng tốt hơn.
Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, có tem mác, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc rõ ràng thì giá trị sản phẩm hàng hóa tăng lên rất nhiều. Mật ong hoa rừng ngập mặn đang từng bước khẳng định vị thế và uy tín trên thị trường, trực tiếp cạnh tranh với nhiều dòng mật ong nổi tiếng khác. hợp tác xã đã và đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo năng suất cao trong việc nuôi ong dưới tán rừng ngập mặn. Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong để bà con có thể áp dụng và triển khai nhiều cách làm mới, đồng thời tạo điều kiện để người dân tiếp cận với công nghệ hiện đại góp phần nâng cao chất lượng mật qua từng năm.
“Nhờ rừng ngập mặn mà biết bao người dân có kế sinh nhai, không chỉ tạo ra nguồn ngư lợi phong phú, giúp chắn sóng, bảo vệ đê điều, làng mạc mà còn cho hoa để sản xuất mật. Giá trị kinh tế từ rừng là vô cùng lớn, vì vậy người dân và chính quyền địa phương luôn luôn có ý thức bảo vệ rừng, như bảo vệ tài sản của chính mình”, ông Tùng chia sẻ.
Dù đạt hiệu quả cao, song mật ong hoa rừng ngập mặn của hợp tác xã còn đang gặp một số khó khăn và vướng mắc nhất định. Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hải Phòng về khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình OCOP giai đoạn 202-2025 ngày 28/12/2023, hợp tác xã đã kiến nghị lên đại biểu quốc hội thành phố về một số vấn đề liên quan đến công tác bảo hộ sản phẩm, quỹ đất xây dựng trụ sở hợp tác xã, cơ chế bảo vệ rừng ngập mặn, hỗ trợ các công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, đưa mật ong rừng ngập mặn lên các sàn thương mại điện tử, tiến tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực và quốc tế.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chat-chiu-mat-ngot-giua-rung-ngap-man-post804465.html