Chắt chiu những chân tình...!

Có lần, người bạn thân ở Quảng Ngãi hỏi tôi: 'Hay vào đây công tác, sao chẳng thấy viết kỷ niệm nào về vùng đất này, nhất là kỷ niệm với CBCS CA Quảng Ngãi? Tôi tủm tỉm bảo để dành. Và rồi, trước thềm Xuân Tân Sửu- 2021, cảm xúc đã ùa về với những mẩu chuyện 'để dành'…

Có lần, người bạn thân ở Quảng Ngãi hỏi tôi: “Hay vào đây công tác, sao chẳng thấy viết kỷ niệm nào về vùng đất này, nhất là kỷ niệm với CBCS CA Quảng Ngãi? Tôi tủm tỉm bảo để dành. Và rồi, trước thềm Xuân Tân Sửu- 2021, cảm xúc đã ùa về với những mẩu chuyện “để dành”…

Công an tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra an ninh, an toàn tại nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Công an tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra an ninh, an toàn tại nhà máy lọc dầu Dung Quất.

1.Đầu tháng 11-1999, tôi nhận điện thoại của Đại tá Võ Văn Dương - Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Ngãi, giọng hồ hởi: “Đố em, anh đang đứng ở đâu?”. Trời! Làm sao tôi biết? Chợt nghĩ, có khi nào anh đang công tác ở Đà Nẵng, tôi ngần ngừ: “Anh đang ở Đà Nẵng phải không ạ?”. Anh đáp: “Không phải”. “Thế thì em chịu thôi!”. “Anh đang ở thôn Thọ An, xã Bình An, H. Bình Sơn, Quảng Ngãi, nơi cách đây đúng 20 năm (1999), em theo đoàn bọn anh mang hàng cứu trợ đến với bà con trúng dịp Tết Ngã rạ đồng bào Cor và đã có bài Tết năm 2000 đó. 20 năm, Thọ An giờ đổi khác nhiều. 26-10 âm lịch này là Tết Ngã rạ, nếu em thu xếp thì vào viết bài “Thọ An- 20 năm ngày trở lại!”. Tôi lặng người xúc động. Bởi hơn một năm rồi không vào Quảng Ngãi nhưng tình cảm CBCS CA tỉnh Quảng Ngãi dành cho các phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, trong đó có tôi, vẫn luôn đong đầy. Ký ức những tháng ngày rong ruổi vào các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ công tác chợt ùa về...

2.Nhớ năm 2000, tôi lên Ba Tơ công tác và được anh Tám (tôi quên mất họ) phụ trách mảng phong trào dẫn về buôn để tìm hiểu về những đổi thay của đồng bào H’rê trong việc bỏ những hủ tục lạc hậu. Trên đường đi, anh Tám dặn: “Xuống buôn, bà con mời gì phải dùng nhé. Từ chối, bà con buồn đó...”. Về buôn, thấy tôi vui vẻ uống rượu cần, ăn cơm lúa rẫy với những món ăn kèm của đồng bào, mượn xà lùng phụ nữ H’rê mặc để chụp hình lưu niệm, được già làng, bà con quý mến tháo vòng cườm đồng tặng, anh rất hài lòng. Trên đường về, anh khen bằng một câu mà tôi nhớ mãi đến giờ: “Làm báo cũng phải biết làm dân vận em à. Muốn dân cung cấp thông tin, mình phải làm cho dân tin, quý trước đã”. Bài học trong quá trình tác nghiệp từ anh, tôi khắc ghi đến tận giờ.

3.Tầm năm 2002, 2003 gì đó, một lần vào Quảng Ngãi công tác, tôi không đăng ký ở nhà khách CA tỉnh mà về nhà cô em kết nghĩa thời đại học. Biết chuyện, đích thân Giám đốc CA tỉnh lúc đó là Đại tá Lê Thu cho người nhắn tôi lên gặp. Vừa bước vào phòng, tôi bị ông trách: “CA tỉnh có nhà khách hẳn hoi, sao cháu không ở mà đến làm phiền người ta? Vào đây công tác, sao không lên “trình diện” chú hử?”. Tôi cười: “Lâu lâu cháu mới vô, nó mừng không hết chứ phiền hà chi chú? Còn trình diện chú thì chừ cháu có mặt đây rồi nè!”. Ông cười khà khà, chê tôi không biết điều: “Đúng là đứa chưa có chồng, chẳng tâm lý gì cả. Đến nhà nó ở, chồng nó phải nhường phòng để hai chị em tâm sự. Thế mà không phiền à? Lần sau vào đây, không được tới nhà bạn ở nữa nghe không. Mất mặt CA tỉnh quá!”. Sau này, khi ông về hưu, trong một lần vào đây công tác, hay tin ông từng gặp tai nạn, tôi đến thăm. Cứ nghĩ, ông không còn nhớ. Nào ngờ, khi tôi hỏi: “Chú nhớ cháu là ai không?”, ông cười đáp: “Thủy nhỏ Báo Công an Đà Nẵng chớ ai”. Tôi rưng rưng vì không ngờ ông vẫn còn nhớ đến mình...

4.Tháng 4-2003, tôi lên Gia Lai. Khi đang lấy tư liệu viết bài về chuyện đồng bào bản địa đi học để lấy bằng lái xe máy, tôi nhận điện thoại số lạ nhưng giọng lại rất quen: “Lên Tây Nguyên công tác sao không đến “trình diện” anh hả?”. Tôi xúc động xen lẫn ngạc nhiên: “Ơ... răng anh biết em lên đây công tác? Răng anh có... số điện thoại của em?”. “Nhà báo hỏi... hay hè? Xong việc chưa, qua nhà khách ăn cơm với anh!”. Tôi từ chối vì vẫn chưa xong công việc, xin “trình diện” anh vào đầu giờ chiều. Người gọi cho tôi là Tướng Phạm Nam Tào - nguyên Giám đốc CA tỉnh Quảng Ngãi, vào thời điểm đó đang là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Chiều, tôi ghé văn phòng ông ở Pleiku. Ông tay bắt mặt mừng, hỏi thăm tình hình sức khỏe anh chị em ở Báo và gia đình rồi gợi ý cho tôi một số đề tài đi thực tế để viết bài. Khi còn là Giám đốc CA tỉnh Quảng Ngãi, ông luôn dành tình cảm quý mến với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng. Thời điểm giữ vị trí cao hơn ở Bộ CA, ông vẫn giữ tình cảm chân tình ấy. Mỗi lần có dịp ra Đà Nẵng công tác, xong công việc nếu không bận gì ông gọi điện mời lãnh đạo Báo và một số anh em phóng viên hay vào Quảng Ngãi công tác gặp mặt. Với tôi, ông là một vị Tướng không quan cách, sống hào sảng, chân chất...

5.Mùa mưa bão năm 2014, Ba Tơ là một trong những huyện miền núi của Quảng Ngãi bị thiệt hại khá nặng nề. 10 giờ rưỡi sáng, tôi quyết định chạy xe máy vào Quảng Ngãi. Thấy tôi xuất hiện tại trụ sở CAH vào lúc 15 giờ 30 với chiếc xe máy, Trưởng CAH lúc đó là Thượng tá Võ Văn Dương (nay là Phó Giám đốc CA tỉnh) lắc đầu “chịu thua”, trách cứ rằng con gái không nên “liều” như vậy. Xong công việc, 16 giờ chiều ngày thứ sáu, tôi chào các anh rồi phóng xe xuống núi. Cuối ngày hôm đó, anh Dương về phố thăm nhà và gọi điện mời tôi ăn tối cùng gia đình anh bởi tưởng tôi đang ở nhà khách CA tỉnh. Khi biết tôi đang trên đường chạy xe xuyên đêm về Đà Nẵng trong tiết trời mùa đông lạnh lẽo, anh phát hoảng, dặn dò về đến nơi nhớ báo để anh bớt lo lắng. Về đến nhà đã 9 giờ đêm, mở ĐTDĐ thấy mấy cuộc gọi nhỡ của anh. Nghĩ đã khuya, tôi định bụng mai hẵng gọi thì nhận được tin nhắn của anh hỏi đã về đến nhà chưa? Tôi nhắn lại cho biết đã về đến nhà. Lúc đó, anh mới nhắn cho biết, nếu trên đường đi tôi gặp sự cố gì, anh sẽ ân hận vì đã không giữ tôi ở lại rồi không quên “mắng” tôi về cái tội “liều lĩnh”.

Không riêng gì CA Quảng Ngãi, suốt dọc chiều dài các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đi đến đâu tôi cũng như các đồng nghiệp Báo Công an TP Đà Nẵng luôn được CBCS CA các địa phương tạo điều kiện trong quá trình tác nghiệp. Vì dung lượng báo có hạn, tôi đành chắt chiu, “để dành” những chân tình mà CBCS CA các tỉnh miền TrungTây Nguyên đối với các phóng viên Báo vào dịp khác vậy!

Tùy bút PHAN THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/105_238619_chat-chiu-nhung-chan-tinh-.aspx